Một phụ huynh có con đang học lớp 2, trong khi dạy con học bài ở sách Tiếng Việt 2 – bộ Cánh Diều, cho biết sách hướng dẫn học sinh đọc chữ ‘g’ là ‘giê’.
“Nếu chữ ‘g’ đọc là ‘giê’ thì trùng với cách đọc của chữ ‘d’ (dê), làm sao học sinh 7 tuổi có thể hiểu và phân biệt được? Vì sao không đọc chữ ‘g’ là ‘gờ’ để tránh gây nhầm lẫn với chữ ‘d’”, phụ huynh này thắc mắc.
Cách đọc tên ‘chữ’ và tên ‘âm’ là khác nhau
Theo đó, bài tập 3, trang 17, sách Tiếng Việt 2 – bộ Cánh Diều (Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu học sinh viết vào vở 10 chữ cái theo bảng cho sẵn, trong đó gợi ý, chữ cái ‘g’ đọc tên chữ cái là ‘giê’.
Theo tìm hiểu của tôi, sách giáo viên Tiếng Việt 1, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2002 phân biệt cách đọc tên chữ cái và tên âm của chữ cái.
Cụ thể, tên của 29 chữ cái là: a (a), ă (á), â (ớ), b (bê), c (xê), d (dê), đ (đê), e (e), ê (ê), g (giê), h (hát), i ( i ngắn), k (ca), l (e-lờ), m (em-mờ), n (en-nờ), o (o), ô (ô), ơ (ơ), p (pê), q (quy hoặc cu), r (e-rờ), s (ét-sì), t (tê), u (u), ư (ư), v (vê), x (ích-xì), y (i dài).
Còn tên các âm là: a (a), ă (á - a ngắn), â (ớ - ơ ngắn), b (bờ), c (cờ), d (dờ), đ (đờ), e (e), ê (ê), g (gờ), h (hờ), i (i), k (cờ), l (lờ), m (mờ), n (nờ), o (o), ô (ô), ơ (ơ), p (pờ), q (cờ), r (rờ), s (sờ), t (tờ), u (u), ư (ư), v (vờ), x (xờ), y (i).
Ảnh tác giả cung cấp. |
Sách Tiếng Việt thực hành, Bùi Minh Toán (Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản 2021, cũng có cách đọc tương tự.
Như thế, âm ‘g’ đọc là ‘giê’ – đúng như các tài liệu đã dẫn. Tuy nhiên, phụ huynh thắc mắc, âm ‘g’ đọc là ‘giê’ thì trùng với cách đọc của chữ cái ‘d’ (dê), khiến học sinh 7 tuổi khó phân biệt là hoàn toàn có lí.
Một số bất cập trong việc đọc tên chữ, tên âm
Tôi đem băn khoăn của vị phụ huynh trao đổi với Giáo sư Ngôn ngữ học N.H.C., Đại học Quốc gia Hà Nội, thì thầy nói rằng, cách đọc chữ cái trong sách giáo khoa là theo quy ước.
“Trước đây, qui ước tên chữ ‘g’ gọi theo âm là ‘gờ’, bây giờ lại qui ước là ‘giê’ để phân biệt với âm. Tuy nhiên, cách đọc này cũng có vấn đề, đặc biệt là với trường hợp ‘g’, bởi ‘g’ đọc là ‘giê’ thì rất khó với ‘d’ (cũng đọc tương tự nhưng viết là ‘dê’).
Vì vậy, với ‘g’ theo tôi cứ để là ‘gờ’, vừa dễ phân biệt với ‘d’ (dê), vừa nghe thuận tai khi đọc cả bảng chữ cái: ‘a’, ‘bê’, ‘xê’, ‘dê’, ‘đê’, ‘e’, ‘ê’, ‘gờ’, ‘hát’, ‘i’, ‘ka’...
Mấy chục năm qua, chính tả tiếng Việt cứ rối cả lên. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chưa có một văn bản pháp lí chính thức về tiếng Việt và chính tả Việt”, Giáo sư C. lí giải thêm.
Có thể nhận thấy, học sinh bậc tiểu học đọc bảng chữ cái tiếng Việt khác so với các bậc học cao hơn khiến cách đánh vần, gọi tên tên âm, tên chữ tùy tiện, lộn xộn, gây khó khăn trong việc học tiếng mẹ đẻ.
Vậy nên, Bộ Giáo dục cần có văn bản thống nhất chung về cách đọc tên âm, tên chữ trong sách giáo khoa, sách tham khảo và các giáo trình hiện hành nhằm chấn chỉnh những bất cập này.
Tài liệu tham khảo:
[1] //booktoan.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-2-canh-dieu.html?fbclid=IwAR1_NOboIeaX9ahPvsiDwln5d9Ky2umOTiJOdlv6L3ipDghLZs4z9hOM53Q
[2] Tiếng Việt 1 (sách giáo viên), tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2002
[3] Tiếng Việt thực hành, Bùi Minh Toán (Chủ biên) - Lê A - Đỗ Việt Hùng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản 2021
[4] //www.giaoduc.edu.vn/trao-doi-ve-bo-chu-cai-tieng-viet.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.