Tiếp cận STEM đúng sẽ hiện thực hóa khát vọng quốc gia “có công nghiệp hiện đại”

12/08/2024 06:10
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Cần có chính sách với người học sau đại học ở các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn.

Chúng ta đang sống ở kỉ nguyên công nghệ; đất nước ta đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [1].

Điều đáng nói là để hiện thực hóa mục tiêu trên, nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành công, trong đó nguồn nhân lực STEM phải thực sự tốt. Soi chiếu vào thực tế hiện nay, nhiều thứ vẫn còn khập khiễng, cần phải tiếp cận đúng bản chất mới đem lại hiệu quả thật sự cũng như hiện thực hóa được các mục tiêu chính trị.

Tầm quan trọng của STEM

STEM là từ viết tắt của Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathemaics (Toán học).

“Thuật ngữ này thường được sử dụng khi giải quyết các chính sách giáo dục và lựa chọn chương trình giảng dạy trong các trường học để nâng cao khả năng cạnh tranh trong phát triển khoa học và công nghệ. Nó có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, những vấn đề về an ninh quốc gia và chính sách di dân”[2]. STEM được sử dụng phổ biến trong vòng 20 năm trở lại đây, và được giới thiệu bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF).

1.jpg
Ảnh minh họa: HUST

Rõ ràng rằng, lĩnh vực/ môn học Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học ai cũng biết và nền giáo dục hiện đại thì quốc gia nào cũng giảng dạy. Nhưng tiếp cận giáo dục và đào tạo về STEM thì mới được giới thiệu, triển khai… và cũng không phải xa lạ. Trong thực tế từ trước đến nay cũng đã có thầy, có trường sử dụng nhưng chưa có tính hệ thống, chưa định hình cụ thể…

Ở khía cạnh kinh tế, rõ ràng Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng. Trong nền kinh tế công nghiệp, tri thức, các lĩnh vực này càng quan trọng hơn nhiều.

Vấn đề gắn kết giữa giáo dục phổ thông, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo phục vụ cho sự phát triển đất nước nếu được quan tâm đúng mức thì năng lực của quốc gia mới thực sự mạnh. Tương tự như vậy, nếu có sự gắn kết chặt chẽ giữa các môn học/ lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học thì mới phát huy năng lực sáng tạo, truyền được cảm hứng trong giáo dục; đào tạo cũng sẽ giải quyết được các vấn đề của thực tế phát sinh; và từ đó năng lực sáng chế, sáng tạo của lực lượng lao động này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển lớn mạnh.

Giáo dục STEM đã hình thành và cần thực chất

Trong những năm qua, giáo dục phổ thông của chúng ta đã có STEM, đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều văn bản hướng dẫn; nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức để giới thiệu, lan tỏa; nhiều sách được biên soạn, nhiều sản phẩm sáng chế đã được trình diễn…

Nhưng thực tế để hiểu đúng từ nguyên lí, vận dụng hợp lí vào từng hoàn cảnh thì cũng chưa nhiều. Vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau khi triển khai, ví dụ như có nơi coi trọng 4 môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học hơn các môn học khác hay có người cố gắng tạo ra các sản phẩm để giải thích sự hiện diện của các kiến thức của 4 môn ấy và đâu đó cũng có việc chỉ cố gắng thực hiện “đúng quy định”.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, độ linh hoạt thể hiện rõ hơn, không lệ thuộc nhiều vào sách giáo khoa, thế nhưng khi triển khai, điều hành, quản lí… đâu đó vẫn chưa thay đổi cách làm dẫn tới việc văn mẫu, làm mẫu, form mẫu… vẫn tồn tại. Môn học mới nhưng dạy vẫn theo tư duy cũ, triển khai dạy tích hợp biến thành “hỗn hợp”. Những vấn đề tồn tại ở hiện tại cũng là khách quan và cũng không vì những bất cập ấy mà đề nghị “quay đầu” hay cứ phàn nàn, phê phán mà không chịu cải tiến cách làm.

Giáo dục STEM cần sáng tạo và không phụ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh và cần nhất vẫn là hiểu đúng nguyên lí, vận dụng hợp lí. Tất nhiên để vươn tầm, nâng cao chất lượng thì rất cần đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ. Nhưng trên tất cả, năng lực giáo viên vẫn là vấn đề cốt yếu để giáo dục STEM thực chất.

Đào tạo STEM, cơ sở vật chất là rất quan trọng

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bao giờ cũng là vấn đề then chốt để thực hiện chiến lược quốc gia. Mỗi khi chúng ta quyết tâm xây dựng đất nước “có công nghiệp hiện đại” thì chắn hẳn phải quan tâm đến lĩnh vực STEM. Thế nhưng thực tế, trong những năm gần đây đầu vào, sức hút của các ngành học liên quan suy giảm [3]. “Tính theo tỉ lệ dân số, số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu”[4].

Trong khi đó, đào tạo sau đại học ở khối ngành này cũng không nhiều khả quan. Gần đây các trường đào tạo khối ngành kĩ thuật, công nghệ rất khó tuyển sinh sau đại học và cũng từ đó các công trình nghiên cứu, các công bố cũng bị ảnh hưởng.

Tất nhiên, đào tạo sau đại học có chất lượng phải gắn với nghiên cứu khoa học; và nghiên cứu khoa học bên cạnh có đóng góp tích cực cho sáng tạo tri thức, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng thì cũng góp phần quan trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức hoạt động trong các lĩnh vực STEM cũng sẽ giảm sút dần về số lượng và chất lượng vì thiếu người học và thiếu đầu tư…

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong tổng quy mô đào tạo tất cả trình độ của giáo dục đại học, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5%, ở trình độ tiến sĩ khoảng 0,6%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới); trong đó, tỷ trọng quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) còn thấp hơn nhiều, ở trình độ thạc sĩ chỉ đạt hơn 2%, ở trình độ tiến sĩ chỉ đạt xấp xỉ 0,3% và có xu hướng tiếp tục giảm.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là giáo dục STEM làm nền tảng cho đào tạo STEM. Tuy nhiên, các môn học, lĩnh vực vẫn còn thiếu kết nối và thiếu gắn kết với các vấn đề thực tế phát sinh trong sản xuất công nghiệp; trong các hoạt động xã hội… Để phát triển nghiên cứu khoa học góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế rất cần công nghệ, từ thu thập, phân tích dữ liệu, xử lí thông tin… nhưng việc đầu tư chưa có tính hệ thống, chưa có kế thừa và phát triển liên tục… chương trình đào tạo đâu đó vẫn chưa có sự liên kết các khối kiến thức giữa các lĩnh vực, bậc học. Áp lực “cạnh tranh”, chương trình đào tạo có nơi bị cắt xén bớt các lĩnh vực liên quan, nhất là năng lực về Toán trong các ngành kĩ thuật, công nghệ cũng là vấn đề đáng phải nói.

Đối với đào tạo STEM, giảng viên vẫn là chìa khóa, nhưng cơ sở vật chất là rất quan trọng, cần phải có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm mới có thể đào tạo có chất lượng và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Và để làm được điều đó, bên cạnh việc đầu tư của nhà nước, cũng cần phải huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đầu tư vào các trường đại học, nhất là về công nghệ và trang thiết bị.

Hiểu đúng bản chất – áp dụng thực chất

Trong thời đại ngày nay, chúng ta không thiếu thông tin nhưng vẫn thiếu sự kết nối và đâu đó vẫn chưa quyết tâm, kiên trì thay đổi từ gốc rễ của vấn đề. Nếu muốn hiện thực khát vọng vì một quốc gia “có công nghiệp hiện đại” nhất định toàn hệ thống chính trị của chúng ta phải kiên trì phát triển nguồn nhân lực quốc gia thực sự mạnh. Để làm được điều đó, có mấy việc lớn cần làm:

Một là, tập trung có trọng điểm để đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên thật sự chất lượng. Sáng tạo là phẩm chất phát triển của con người; giáo dục hiện nay tập trung phát triển năng lực cho người học chứ không phải thiên về kiến thức. Nếu mãi duy trì tư duy kiểu thầy dạy Toán chỉ biết Toán và luôn xem trọng hơn thì không giải quyết được vấn đề. Nói đến năng lực đội ngũ giáo viên thì phải quan tâm đặc biệt đến mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên.

STEM phải thể hiện rõ trong chương trình đào tạo của các ngành giáo dục và sư phạm. Và cơ sở vật chất của các trường sư phạm cũng cần phải ưu tiên đầu tư bài bản để phục vụ đào tạo giáo viên dẫn dắt sự phát triển giáo dục phổ thông.

Hai là, quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về khoa học, công nghệ, kĩ thuật có tính hệ thống, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia; phân bố không gian hợp lí giữa các vùng miền, khu vực. Trên cơ sở đó, đầu tư cơ sở vật chất thực sự tốt, đây là nền tảng quan trọng để nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực. Cần có chính sách với người học sau đại học ở các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn. Đồng thời cần có chính sách thuế hợp lí đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ cho các cơ sở đào tạo STEM.

Ba là, trách nhiệm của các bên liên quan đối với giáo dục và đào tạo cần phải được thiết lập và gắn kết chặt chẽ hơn. Hiểu đúng bản chất và áp dụng thực chất giáo dục và đào tạo STEM phải được thông suốt. Nghiêm cấm và kiên trì loại bỏ các cuộc thi vì thành tích, hình thức, tô vẽ thiếu thực tế, phản giáo dục ra khỏi môi trường giáo dục và đào tạo. Vai trò của cơ quan quản lí nhà nước cần tập trung định hướng bằng chính sách, tăng cường kiểm soát và cần giảm bớt chỉ đạo giảng dạy bằng công văn cũng như hành chính hóa hoạt động dạy và học.

Cuối cùng, có lẽ đừng xem STEM là thông điệp truyền thông kiểu đu-trend, đừng coi là “liều thuốc” đa dụng để đổi mới giáo dục. Hãy nghiên cứu, vận dụng đúng từ nguyên lí và gắn kết chặt chẽ với thực tế; và cứ kiên trì làm giáo dục và đào tạo một cách tự nhiên, đúng bản chất… khi đó sẽ có STEM và có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0nh_STEM

[3] https://giaoduc.net.vn/co-nganh-thuoc-linh-vuc-stem-tuyen-sinh-tang-truong-am-post238212.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/so-sinh-vien-theo-hoc-stem-o-viet-nam-chi-dat-55-em10000-dan-post238204.gd

Hướng Sáng