Ai sẽ bắt Trung Quốc hành động đúng luật?

27/05/2014 12:27
Hoàng Lực
(GDVN) - Luật sư Hoàng Ngọc Giao có bài phân tích sâu về khía cạnh sức mạnh luật pháp quốc tế, nếu họ tiếp tục vi phạm ai là người bắt Trung Quốc phải chơi theo Luật.

Ứng xử với chủ trương bành trướng của Trung Quốc khi họ đưa trái phép giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, chúng ta đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn ngang nhiên có nhiều hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, lúc này nhiều người dân đang nóng lòng mong muốn Chính phủ có quyết sách cụ thể, hành động cụ thể của để buộc Trung Quốc phải ngay lập tức rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trước vấn đề này, TS.LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã có bài viết chia sẻ bày tỏ ý kiến quan điểm của mình. TS.LS Hoàng Ngọc Giao, đây là lúc nhân dân cần bình tĩnh tin tưởng vào quyết sách của Nhà nước, Chính phủ không nên nôn nóng. Bên cạnh đó TS.LS Hoàng Ngọc Giao đặt vấn đề về sức mạnh luật pháp quốc tế trong quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia hiện nay.

Dưới đây là nội dung chia sẻ của TS.LS Hoàng Ngọc Giao được phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ghi lại.

Không nôn nóng

Liên quan đến việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, để giải quyết chúng ta không thể nôn nóng, bởi đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi quá trình đấu tranh lâu dài. Hơn nữa hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc không chỉ đến ngày hôm nay mới bộc lộ mà đã diễn ra từ hàng chục năm qua.

TS.LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ (ảnh H.Lực)
TS.LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ (ảnh H.Lực)

Sự nôn nóng của không ít người dân theo nghĩa phải có ngay một biện pháp để buộc Trung Quốc dừng ngay lập tức hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, phải rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên phải khẳng định khó có thể có biện pháp nào như vậy.

Trong quan hệ quốc tế là quan hệ bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Quan hệ này bị điều chỉnh trên cơ sở tự nguyện bình đẳng giữa các quốc gia. Không có một quyền lực tuyệt đối nào, quyền lực siêu chính phủ nào có thể buộc một quốc gia phải hành xử theo cách này hoặc cách kia.

Các quốc gia trên thế giới bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế nhưng nhưng thực tế không có thể ngăn chặn hành vi vi phạm luật quốc tế của một quốc gia. Do đó phải hiểu rằng trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là một quá trình bền bỉ lâu dài, ở đó đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Ai sẽ bắt Trung Quốc theo luật?

Khi không có quyền lực nào đủ lớn để buộc các nước phải thực hiện luật quốc tế, vậy vấn đề sức mạnh của luật pháp quốc tế ở đâu? Và ai sẽ bắt Trung Quốc phải thực thi đúng theo luật?

Thực ra luật pháp quốc tế như “luật chơi” được đặt ra nhằm duy trì sự ổn định giữa các quốc gia. Trong đó rất nhiều điều luật được ghi nhận ở các công ước, điều ước quốc tế, văn bản quan trọng nhất để điều chỉnh hành vi giữa các quốc gia là Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên bản thân Liên Hợp Quốc cũng chỉ là một tổ chức liên chính phủ, Liên Hợp Quốc chỉ có thể đưa ra biện pháp có tính chất răn đe, phòng ngừa, chấm dứt hành vi xung đột quốc tế. Những văn bản đó phải dựa trên quy chế hoạt động của Hiên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có vai trò quan trọng nhất để đưa ra biện pháp ngăn chặn phòng ngừa, chấm dứt hành vi xung đột, hành vi xâm phạm giữa các quốc gia.

Liên Hợp Quốc có đội quân riêng do các quốc gia đóng góp quân đội nhằm gìn giữ hòa bình để áp dụng biện pháp ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia. Nhưng để đội quân đó vào cuộc trong một xung đột, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải ra được những nghị quyết về việc áp dụng các biện pháp quân sự hoặc phi quân sự.

Biện pháp mạnh nhất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể làm được là biện pháp cấm vận hàng hải, hàng không, thương mại và những biện pháp này được thực hiện trong trường hợp một quốc gia vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế đe dọa hòa bình an ninh quốc tế.

Trở lại vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, có thể nói hành vi của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình an ninh khu vực và quốc tế. Khi đó chúng ta muốn rằng việc này phải đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên Hợp Quốc phải ngăn chặn ngay hành động gây hấn của Trung Quốc bằng các biện pháp quân sự hay phi quân sự…Điều này là rất khó.

Bởi nếu muốn đưa lực lượng quân sự đến ngăn chặn hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải ra được nghị quyết chung. Nghị quyết này có hiệu lực khi có đa số phiếu của các thành viên thường trực hoặc không thường trực gồm 15 quốc gia. Nhưng với điều kiện 5 quốc gia thành viên thường trực (trong đó Trung Quốc là 1 trong 5 quốc gia thành viên thường trực) phải đồng thuận với nghị quyết đó. Trong khi Trung Quốc là quốc gia vi phạm thì phương án đó không khả thi.

Ngay cả trong trường hợp chúng ta đưa ra kiện ở tòa mà phán quyết đó khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bao gồm các đảo, bãi đá Trung Quốc đang chiếm giữ. Đặt giả thiết Trung Quốc thiện chí để cùng ta ra toàn án chúng ta cũng không hy vọng Trung Quốc tự nguyện thi hành phán quyết, vì không ai cưỡng chế Trung Quốc thi hành phán quyết đó.

Trung Quốc sợ bị cô lập

Như vậy làm sao để Trung Quốc tự nguyện thực hiện đúng theo luật quốc tế mà Trung Quốc tham gia ký kết. Câu trả lời chính là Trung Quốc sợ bị cô lập.

Trong thế giới ngày nay lợi ích đan xen giữa các quốc gia, đây là động cơ và căn cứ mạnh để buộc các quốc gia phải hành xử theo luật hay nói cách khác là niềm tin. Thủ tướng Chính phủ nói “niềm tin chiến lược” là rất chính xác. Nếu Trung Quốc càng không chơi theo luật, càng vi phạm luật bộc lộ trong quan hệ quốc tế khi đó các quốc gia sẽ nhìn vào Trung Quốc với ngày một ít đi sự tin cậy.

Khi đã không còn sự tin cậy thì những giao dịch của các nước với Trung Quốc từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại sẽ giảm và Trung Quốc sẽ bị cô lập. Khi đó thiệt hại về chính trị về uy tín, thiệt hại về thương mại kinh tế,...sẽ vô cùng lớn. Đây chính là yếu tố buộc Trung Quốc cũng như các nước trên thế giời phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong quá khứ nhiều phán quyết của toàn án quốc tế dù không bị cưỡng chế nhưng các quốc gia cũng đều tự nguyện chấp hành.

Tóm lại chúng ta không thể nôn nóng trong việc giải quyết vấn đề với Trung Quốc, lúc này cần phải làm mạnh hơn công tác đấu tranh ngoại giao, thông qua các diễn đàn của các tổ chức quốc tế khác để cho các nước thấy rõ âm mưu bành trướng của Trung Quốc, thấy rõ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đây là sức ép lớn buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến lược của mình.

Hơn lúc nào đây là thời điểm mà mỗi người dân cần bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, không nôn nóng để bị kích động dẫn đến hành vi quá khích như vừa qua.

Hoàng Lực