Báo Anh: Mỹ tìm công nghệ quân sự mới đối phó Trung Quốc

10/02/2016 13:00
Đông Bình
(GDVN) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ luôn tìm cách khuyến khích ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc đến chiến tranh công nghệ cao với Trung Quốc và Nga trong tương lai.

The Financial Times ngày 7/2 dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc Mỹ cho rằng, cần phải đầu tư nhiều nguồn lực công nghệ hơn để đối phó Trung Quốc và Nga.

Máy bay không người lái X-47B hạ cánh trên đường băng tàu sân bay USS George Bush ngày 10/7/2013
Máy bay không người lái X-47B hạ cánh trên đường băng tàu sân bay USS George Bush ngày 10/7/2013

Khi ghi chép đổi mới công nghệ nửa đầu thế kỷ này, các nhà sử học rất có thể sẽ đặc biệt quan tâm đến máy bay không người lái X-47B của Hải quân Mỹ.

Hai năm trước, máy bay không người lái này đã hạ cánh tự động trên đường băng tàu sân bay – đây cũng chính là hạ cánh điều khiển tầm xa không có sự hỗ trợ của phi công, một sự kiện được cho là đã viết lại lịch sử hàng không. Năm 2015, máy bay không người lái đã thực hiện thành công hoạt động tiếp dầu trên không, đây lại là một đột phá nữa.

Đối với giới lãnh đạo Lầu Năm Góc, những thành quả sáng tạo như máy bay không người lái X-47B là bộ phận gây chú ý nhất trong trào lưu công nghệ quân sự mới. Các quan chức hy vọng công nghệ quân sự mới có thể giúp Mỹ luôn dẫn trước Trung Quốc và Nga. Những đầu tư lớn của Trung Quốc và Nga những năm gần đây đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tuyên bố: “Chúng ta phải tiến hành chuẩn bị đối phó với những kẻ thù cao cấp”.

Sau khi trải qua 15 năm chiến tranh gian khổ ở Trung Đông, Lầu Năm Góc còn đang tiến hành chuẩn bị cho một thời đại mới, ông Carter định nghĩa nó là thời đại “cạnh tranh nước lớn”.

Là người tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử thời Trung Cổ và vật lý học lý thuyết, ông Carter luôn tìm cách khuyến khích ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc đến chiến tranh công nghệ cao với Trung Quốc và Nga trong tương lai. Ông cho rằng, chỉ có kiên trì ưu thế công nghệ của Mỹ mới có thể duy trì khả năng răn đe.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter

Lầu Năm Góc cho biết, sách lược mới được xác định là “chiến lược triệt tiêu lần thứ ba”. Từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, Quân đội Mỹ đã trải qua 2 làn sóng công nghệ.

Làn sóng thứ nhất là đầu tư lớn nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân vào thập niên 50 của thế kỷ 20 để triệt tiêu ưu thế của lực lượng thông thường Liên Xô.

Sau khi Liên Xô mở rộng kho vũ khí hạt nhân, vào thập niên 70 của thế kỷ 20, Mỹ bắt đầu tìm kiếm ưu thế mới. Lầu Năm Góc tiến hành đầu tư mạnh cho công nghệ mới để bảo đảm địa vị ưu thế của Mỹ trong hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo, trong đó bao gồm máy bay tàng hình, tên lửa dẫn đường chính xác, vệ tinh trinh sát và hệ thống định vị toàn cầu. Sản phẩm phụ của những cải cách công nghệ quân sự lần này còn có Internet.

Nhưng, trong 10 năm qua, Trung Quốc và Nga đã tìm cách triệt tiêu các ưu thế trên của Mỹ. Quan chức Mỹ cho biết, Bắc Kinh đầu tư lượng lớn tiền của cho nghiên cứu phát triển các loại tên lửa, giúp họ có năng lực tiềm tàng tiêu diệt hệ thống phòng thủ căn cứ quân sự do Mỹ thiết lập ở châu Á, đồng thời có thể làm cho tàu sân bay Mỹ ở khu vực này rơi vào nguy hiểm.

Hệ thống phòng không tiên tiến của Nga đã làm cho nước này có thể thiết lập “khu vực chống can dự” ở Syria như Tư lệnh chỉ huy cao nhất NATO, tướng Philip M. Breedlove đã nói, điều này sẽ khiến cho Quân đội Mỹ khó mà xâm nhập.

Năm 2015, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Walker cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, ưu thế công nghệ của Quân đội Mỹ đã bắt đầu giảm đi”.

Biên đội tàu sân bay Hải quân Mỹ
Biên đội tàu sân bay Hải quân Mỹ

Một quan chức Mỹ đã nói, mục tiêu cơ bản của chiến lược mới là nghiên cứu phát triển vũ khí và công nghệ bảo đảm cho Quân đội Mỹ “có thể mở một đường máu” để tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Trung Quốc và Nga, bảo vệ các căn cứ quân sự không bị tấn công bởi tên lửa dẫn đường chính xác, đồng thời có thể giúp cho hạm đội tàu sân bay đi vào tác chiến ở khu vực cách đối phương tương đối xa.

Một số nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc cho rằng, biện pháp giải quyết lâu dài sẽ đến từ lực lượng người máy – tàu ngầm và máy bay không người lái có thể phát động tập kích kẻ thù. Hơn nữa, binh sĩ người máy còn có thể giảm rủi ro thương vong về người trong quá trình phát động tấn công.

Tuần trước, ông Carter đã nói về “bầy ong người máy”, ý chỉ gần đây Washington có một tư tưởng mới về vấn đề phòng thủ, đó là sử dụng lượng lớn tàu và máy bay chiến đấu không người lái trong các cuộc xung đột.

Nhưng ý tưởng đổi mới công nghệ mới đối mặt với rất nhiều trở ngại, điều này có thể sẽ phá hoại kế hoạch đầy tham vọng của ông Ashton B. Carter. Đối với Lầu Năm Góc, vấn đề quan trọng hàng đầu là con đường của sáng tạo.

Hiện nay, rất nhiều công nghệ mới đến từ khu vực tư nhân – bất kể là máy bay không người lái, bộ cảm biến, máy quay (camera) hay khả năng tính toán. Ứng dụng công nghệ thương mại cho thiết kế trang bị quân sự trở thành một thách thức lớn của Lầu Năm Góc.

Do ý thức được phương thức sáng tạo do Lầu Năm Góc thúc đẩy phải tiến hành chuyển đổi quan trọng về quan niệm văn hóa, ông Carter đã thiết lập một văn phòng ở thung lũng Silicon, giúp cho Lầu Năm Góc giữ liên hệ với lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, ông còn có kế hoạch thiết lập một văn phòng khác ở Boston.

Máy bay không người lái X-47B cất cánh từ tàu sân bay
Máy bay không người lái X-47B cất cánh từ tàu sân bay

Hai chiến lược triệt tiêu trước đã giúp cho Mỹ duy trì được ưu thế 20 năm. Nhưng nếu Lầu Năm Góc có thể tận dụng công nghệ hiện có của khu vực tư nhân, thì Nga và Trung Quốc cũng có thể làm như vậy. Trung Quốc và Nga đang đầu tư mạnh tay trên phương diện công nghệ máy bay không người lái và các người máy khác. Vì vậy, ưu thế do Mỹ tạo ra có thể chỉ là nhất thời.

Đông Bình