Báo Phượng Hoàng: Trung Quốc đang bị kẹp chặt từ hai cánh

21/04/2012 18:46
Đông Bình (Theo báo Phượng Hoàng)
(GDVN) - “Mỹ-Philippines, Mỹ-Ấn đồng thời tổ chức tập trận ở biển Đông và Ấn Độ Dương đã tạo thế tấn công gọng kìm đối với Hải quân Trung Quốc”.
Hải quân Mỹ và Philippines tập trận chung trên biển Đông.
Hải quân Mỹ và Philippines tập trận chung trên biển Đông.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Hải quân Mỹ và Philippines trong tuần này “vai kề vai” tổ chức tập trận chung ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV), kéo dài đến ngày 27/4.

Giới tình báo quân sự phương Tây cho rằng, Hải quân Mỹ và Philippines triển khai diễn tập ở biển Đông lần này là để tăng cường quan hệ hợp tác quân sự song phương, hiệp đồng trang bị, đồng thời Mỹ cũng muốn đưa ra một lời cảnh báo cứng rắn với các nước ở biển Đông như Trung Quốc; còn Philippines cũng muốn thể hiện với Trung Quốc về vai trò hợp tác với Mỹ, thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ, Philippines trong thời điểm tình hình biển Đông căng thẳng.

Tổng thống Philippines còn công khai nói rằng, cuộc diễn tập lần này là nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu thực tế trên biển cho Hải quân Philippines và Mỹ, cùng đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc, đồng thời thông qua diễn tập cũng giúp cho Quân đội Mỹ và Philippines tăng cường hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu.

Cách đây một tuần, 8 tàu cá của Trung Quốc đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) đã bị tàu chiến cỡ lớn mới nhất của Philippines bao vây một cách công khai, các binh sĩ Philippines còn có ý định bắt giữ ngư dân Trung Quốc mà họ cáo buộc vi phạm.

Khi đó, Trung Quốc đã lập tức điều 3 tàu hải giám có vũ trang tới, tàu thuyền của Trung Quốc và tàu chiến của Philippines đã xảy ra cuộc đối đầu trên biển dài ngày.

Lính thủy đánh bộ Mỹ-Philippinese tập trận đổ bộ tháng 10/2011.
Lính thủy đánh bộ Mỹ-Philippinese tập trận đổ bộ tháng 10/2011.

Trong khi đó, chính quyền Philippines đặc biệt nhấn mạnh, cuộc diễn tập Mỹ-Philippines lần này ở biển Đông đã được lên kế hoạch từ sớm, là diễn tập thường lệ, không phải cố ý khiêu khích Trung Quốc, không có liên quan đến sự cố đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines.

Trung Quốc đã đưa các tàu cá về cảng biển ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, nhưng vẫn giữ lại một tàu hải giám để tiếp tục tuần tra ở vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough.

Trong bối cảnh này, Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc diễn tập lớn trên biển nhạy cảm, với sự tham gia của 4.500 binh sĩ Mỹ và 2.300 binh sĩ Philippines.

Địa điểm chủ yếu ở vùng biển đảo Luzon phía bắc Philippines và ở vùng biển xung yếu chiến lược kiểm soát tuyến đường trên biển Đông.

Theo các nguồn tin mới nhất, khoa mục diễn tập trên biển Đông của Hải quân Mỹ và Philippines bao gồm diễn tập sơ tán khẩn cấp nhân viên trên biển, diễn tập bắn đạn thật, diễn tập chiến đấu mô phỏng, diễn tập máy bay chiến đấu, diễn tập tàu chiến, diễn tập đột kích đổ bộ tàu nhỏ và diễn tập đột kích đổ bộ lưỡng thê ở đảo Palawan…

Chuyên gia quân sự Australia cho rằng, Mỹ và Philippines lựa chọn biển Đông để diễn tập đã phát đi tín hiệu cảnh báo nhạy cảm đối với Trung Quốc. Mỹ muốn đóng vai trò thực sự ở biển Đông, lần này Mỹ diễn tập ở biển Đông chính là muốn phát đi một tín hiệu với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải giúp các nước có liên quan đối phó với Trung Quốc, đồng thời Mỹ cũng quan tâm đến các hoạt động quân sự của Hải quân Trung Quốc ở biển Đông.

Mỹ muốn cùng các đồng minh trong khu vực tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông.

Hạm đội liên hợp Mỹ-Ấn tập trận chung ở Ấn Độ Dương tháng 4/2012.
Hạm đội liên hợp Mỹ-Ấn tập trận chung ở Ấn Độ Dương tháng 4/2012.

Mặt khác, tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản mới tiết lộ, trong cuộc diễn tập Malabar lần thứ 16 giữa Hải quân Mỹ và Ấn Độ đang được tiến hành, Mỹ đã cử cụm chiến đấu tàu sân bay của Hạm đội 7, có tàu sân bay USS Carl Vinson, liên đội máy bay chiến đấu 17, tàu tuần dương, tàu khu trục tên lửa; còn Ấn Độ đã cử 2 tàu khu trục tên lửa, tàu hộ tống tên lửa, tàu tiếp tế viễn dương.

Cuộc diễn tập này diễn ra liên tục ở vịnh Bengal trong thời gian 10 ngày, đồng thời khoa mục diễn tập gồm tác chiến chống tàu ngầm và phòng không trên biển, tác chiến trên tàu chiến, hành động chống cướp biển, tác chiến chống tàu ngầm đặc biệt là tàu ngầm Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ và Mỹ đã triển khai diễn tập lớn trên biển, tính chất chiến đấu thực tế rất mạnh.

Quan chức Mỹ công khai cho rằng, hiện nay ở biển Đông có cuộc diễn tập của Mỹ-Philippinese, còn ở Ấn Độ Dương có cuộc diễn tập của Mỹ-Ấn, đã tạo thành thế tấn công gọng kìm. Mỹ không thể coi thường Hải quân Trung Quốc, đồng thời cũng đang tăng cường đề phòng Hải quân Trung Quốc từ hai cánh.

Hải quân Mỹ-Ấn tập trận chung ở Ấn Độ Dương.
Hải quân Mỹ-Ấn tập trận chung ở Ấn Độ Dương.
Đông Bình (Theo báo Phượng Hoàng)