Báo Trung Quốc tâng bốc "3 loại vũ khí lớn xuất khẩu trong tương lai"

07/04/2015 07:42
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Lái xe tăng MBT-3000 như lái xe con tự động, máy bay huấn luyện L-15 thi thố với F-22 Mỹ, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 có thể xuất khẩu đồng bộ...

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 tháng 4 đã đăng bài viết tuyên truyền về 3 loại vũ khí xuất khẩu lớn của họ được bài báo tâng bốc là "3 ngôi sao lớn trong xuất khẩu tương lai".

Xe tăng chiến đấu MBT-3000 dùng để xuất khẩu, do Trung Quốc chế tạo
Xe tăng chiến đấu MBT-3000 dùng để xuất khẩu, do Trung Quốc chế tạo

Xe tăng MBT-3000

Theo tuyên truyền của bài báo, xe tăng MBT-3000 lần đầu tiên xuất hiện ở Triển lãm quốc phòng quốc tế châu Âu (Paris) năm 2012, nó là loại xe tăng đã "tổng hợp các ưu điểm" của xe tăng phương Đông và phương Tây. Trọng lượng toàn bộ xe tăng này chỉ có 51 tấn, cộng với động cơ 1.200 mã lực, tốc độ việt dã có thể đạt 71 km/giờ, lái xe tăng giống như điều khiển xe con tự động.

Bên trong xe tăng MBT-3000 có lắp điều hòa, bất kể là môi trường hoạt động hay là không gian đều có thể “sánh với” xe tăng phương Tây. Xe tăng MBT-3000 cũng có năng lực bắn tên lửa đẩy bằng pháo mà xe tăng phương Tây không có.

Theo bài báo, nhìn vào trình độ tổng hợp, xe tăng MBT-3000 đã “vượt toàn diện” xe tăng chủ lực xuất khẩu T-90S của Nga, có thực lực đọ sức với xe tăng chủ yếu của phương Tây, nhưng khó khăn cần khắc phục là định vị về dư luận và giá cả.

Hầu hết các khách hàng xe tăng vẫn quan tâm đến xe tăng Đức và xe tăng Nga, bởi vì hai nước này đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm sử dụng xe tăng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Xe tăng Trung Quốc vừa không có "danh tiếng" về chiến đấu thực tế, do đó bài báo cho rằng, cần phải giành được danh tiếng về các khâu khác như kỹ thuật, chất lượng điều khiển, dịch vụ sau bán hàng. Điều này thách thức "nội công" của các doanh nghiệp thương mại quân sự Trung Quốc.

Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc

Máy bay huấn luyện Liệp Ưng

Theo bài báo, nhiều người yêu thích quân sự cho rằng, các doanh nghiệp thương mại quân sự của Trung Quốc tham gia các triển lãm hàng không trong và ngoài nước luôn trưng bày mô hình nhiều, trong khi ít trưng bày trang bị thật.

Nhưng, có một loại trang bị hàng không của Trung Quốc rất tích cực tham gia các triển lãm hàng không ở Trung Quốc và các nước, không chỉ vài lần tham gia triển lãm ở các nước với trạng thái máy bay thật, mà còn tích cực thi thố trên không với các máy bay chiến đấu hàng đầu như F-22, F-15, Rafale của các nước. Đây chính là máy bay huấn luyện L-15 Liệp Ưng của Công ty Hồng Đô, Trung Quốc.

Hiện nay, do trang bị hàng không tiếp tục đổi mới, các nước trên thế giới đang hình thành làn sóng lần thứ ba về nghiên cứu chế tạo và đổi trang bị máy bay huấn luyện cấp cao thế hệ mới, vì vậy, thị trường này vừa có tương lai sáng sủa vừa đối mặt với cạnh tranh gay gắt.

Theo giới thiệu của Trương Hoằng - kiến trúc sư trưởng của máy bay huấn luyện cao cấp L-15, loại máy bay này có các ưu điểm như: về thời gian nghiên cứu chế tạo, L-15 duy trì đồng bộ với máy bay cùng loại của các nước; về hiệu quả huấn luyện, máy bay L-15 "trội hơn" máy bay huấn luyện Yak-130 và M-346, tương đương T-50; về tỷ lệ giữa hiệu quả và chi phí, máy bay L-15 cao hơn khoảng 20% so với máy bay huấn luyện cùng loại.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014, máy bay chiến đấu J-31 đã lần đầu tiên tham gia triển lãm bằng máy bay thật, trở thành tiêu điểm của triển lãm này. Theo một số liên hệ nội tại giữa trưng bày và tiếp thị của vũ khí Trung Quốc tại triển lãm hàng không, máy bay thế hệ thứ tư loại thứ hai của Trung Quốc rõ ràng muốn đưa ra thị trường quốc tế, thể hiện tham vọng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường vũ khí quốc tế phát triển đến hiện nay, chỉ dựa vào bản thân trang bị sẽ không có tiền đồ. Muốn đứng chân trên thị trường quốc tế và có phát triển lớn, cường quốc công nghiệp quân sự cần tập trung vào thực lực tổng hợp, đây là một đường lối xuất khẩu hàng hóa quân sự thống nhất giữa quan hệ chính phủ, xuất khẩu hệ thống, đổi mới mô hình, xây dựng hình tượng và tăng giá trị dịch vụ.

Theo bài báo, xuất khẩu máy bay tác chiến J-31 chỉ là một phương diện, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc cần phải có tham vọng xuất khẩu cả hệ thống tấn công-phòng thủ không quân hiện đại ra nước ngoài.

Bài báo cho rằng, đạn dẫn đường chính xác, hệ thống liên kết dữ liệu, radar chống tàng hình, radar cảnh báo tầm xa, máy bay cảnh báo sớm cỡ vừa và nhỏ, mạng chỉ huy C4ISR - những thứ này có thể kết hợp xuất khẩu với máy bay J-31 hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy lẫn nhau. Nếu có thể giải quyết được vấn đề này, "hành trình" của J-31 sẽ xa hơn.

Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)