Bí thư Đinh La Thăng: Việc gì cũng phải gần dân, sát dân thì mới xử lý được

24/12/2016 07:19
Phương Linh
(GDVN) - Bí thư Đinh La Thăng lấy câu chuyện “Đường cao hơn nhà” ở đường Kinh Dương Vương để chứng minh việc gì cũng phải gần dân, sát dân thì mới xử lý được.

Ngày 23/12, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và đoàn công tác của Thành ủy, UBND thành phố làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Quận ủy, UBND quận Bình Tân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua.

Gần dân, sát dân mới xử lý được

Nhắc lại câu chuyện đường cao hơn nhà nửa mét, khiến cho người dân sống trên đường Kinh Dương Vương bức xúc, điêu đứng do bụi bặm, ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh: Nếu chính quyền ở phường, quận nắm chắc, vào cuộc kịp thời không xảy ra việc gì.

Đằng này, chỉ đến khi báo chí lên tiếng, người dân vì bị quá khổ thì mới phản ánh, cho đến khi Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và Sở Giao thông Vận tải xuống, thì sự việc mới được giải quyết.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh còn đưa ra thêm một ví dụ trường hợp một người đàn ông lọt hố ga, tử vong, khi đứng đón xe buýt hồi tháng 10 vừa qua, nếu cơ quan quản lý có ý kiến ngay từ đầu, thì sẽ không để xảy ra tình trạng như vậy.

Tiếp đến, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy thành phố Đinh La Thăng nhấn mạnh: Việc gì thì cũng phải gần dân, sát dân thì mới xử lý được.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, việc gì cũng phải gần dân, sát dân thì mới xử lý được (ảnh: P.L)
Theo Bí thư Đinh La Thăng, việc gì cũng phải gần dân, sát dân thì mới xử lý được (ảnh: P.L)

Người đứng đầu Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đề nghị, lãnh đạo quận cần  tập trung giải quyết ngay những vấn đề bức xúc của người dân, nhất là xử lý dứt điểm tồn đọng của dự án đường Kinh Dương Vương, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân trở về cuộc sống bình thường.

Quận có cố gắng, nhưng chưa đạt sự kỳ vọng của dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ TP.Hồ Chí Minh – ông Đỗ Văn Đạo đã đưa ra đề xuất: Là một quận nhỏ nhất của thành phố, với diện tích vô cùng khiêm tốn, và số dân chỉ hơn 200.000 dân, sao chúng ta lại không nhập quận 4 vào một quận, huyện khác.

Lãnh đạo Sở Nội Vụ thành phố giải thích, nếu so sánh diện tích thì quận 4 còn nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân, mà còn 4 vẫn phải ‘nuôi’, duy trì đầy đủ một bộ máy chính quyền từ quận xuống 15 phường.

Ông Đỗ Văn Đạo cho biết, hiện nay, vấn đề tinh giản biên chế đang được đòi hỏi ngày càng cấp bách hơn, do trình độ của cán bộ và khoa học kỹ thuật ngày càng nâng cao, nên cần phải thực hiện sát nhập đơn vị hành chính để giảm biên chế, giảm gánh nặng cho bộ máy.

Trả lời cho vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh nói rằng, chúng ta không thể máy móc trong việc tách nhập, mà cần phải đánh giá lại toàn bộ, làm sao nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước, nhưng cũng vẫn phải thực hiện tinh giảm biên chế.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, đây là vấn đề cần một sự linh hoạt, tùy theo tình hình, cần có một cơ sở khoa học, đảm bảo phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Là một quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác quản lý chuyển từ mô hình nông thôn sang đô thị còn chậm, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm trộm cướp còn cao, Bí thư Đinh La Thăng nói, các lực lượng của quận có cố gắng, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của người dân thì chưa đạt.

Lâu dài, ông Đinh La Thăng đã đề nghị quận Bình Tân cần có tính toán phù hợp với tỷ lệ gia tăng dân số cơ học quá nhanh như hiện nay.

“Chúng ta cần chủ động ước tính để quy hoạch, tập trung giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án có tiền rồi, nhưng mấy năm không triển khai nổi, vì vướng giải phóng mặt bằng” – Bí thư Đinh La Thăng kết luận.

Phương Linh