Bicico bán trộm nguyên liệu và dấu hiệu “bao che” của Vinachem?

24/03/2014 09:08
Duy Phong
(GDVN) - Trong thời gian dài, Bicico để lại nhiều tấn nguyên liệu của Unilever và bán ra ngoài thu lợi bất chính. Vì sao việc bán trộm nguyên liệu lại kéo dài như vậy?

Sau 04 năm Vinachem mới thừa nhận bán trộm nguyên liệu

Từ năm 2009, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã nhận được đơn tố cáo (có danh) về việc lãnh đạo Bicico đã bán trộm nguyên liệu của Unilever. Vinachem không xem xét nghiêm túc đơn tố cáo mà chỉ chuyển đơn xuống cho Bicico tự xử lý.

Lần đầu tiên sau 04 năm nhận được đơn tố cáo, Vinachem mới thừa nhận có việc bán trộm nguyên liệu tại Bicico.

Trong Công văn số 676/HCVS-TCNS ngày 17/7/2009 của Vinachem gửi cho người bị tố cáo có đoạn viết: Vinachem nhận được đơn có danh tố cáo ông (Đặng Hồng Hải-PV) và bà Lương Thị Thanh Loan (Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt) tổ chức bán nguyên liệu gia công để ngoài sổ sách thu lợi bất chính… Tổng Công ty yêu cầu ông có văn bản báo cáo cụ thể với Tổng giám đốc để làm rõ vấn đề này.

Tất nhiên, thời điểm này ông Hải phủ nhận hoàn toàn nội dung đơn tố cáo. Trong bản giải trình ngày 23/7/2009, ông Hải viết: Toàn bộ số nguyên liệu dư trong quá trình gia công chất tẩy rửa lỏng của Xí nghiệp Hương Việt đều phải trả về cho Unilever. Như vậy, số nguyên liệu dư trong quá trình gia công tại Xí nghiệp Hương Việt không phải là tài sản của Bicico...

Ông Hải khẳng định: “Tôi khẳng định không có việc tôi và bà Lương Thị Thanh Loan tổ chức bán nguyên liệu gia công để ngoài sổ sách thu lợi bất chính”.

Năm 2009, ông Hải từng cho rằng mình "vô can" trong vụ bán trộm nguyên liệu nhưng bây giờ thì khác...

Dựa vào bản tường trình của ông Hải, Vinachem trả lời người tố cáo không có chuyện bán trộm nguyên liệu tại Bicico. Vụ việc “chìm xuồng” kể từ đó và cho đến thời gian gần đây, “cái kim trong bọc” bắt đầu mới lòi ra.

Trong Công văn số 917/HCVN-TTPC ngày 24/7/2013, Tập đoàn Hóa chất lần đầu tiên thừa nhận: Có nguyên liệu dư thừa trong quá trình gia công sản phẩm cho Unilever là chất thơm và Aquart tại Xí nghiệp Hương Việt thuộc Bicico và có việc bán nguyên liệu dư tại xí nghiệp. Tuy nhiên, Tập đoàn không đủ điều kiện, phương tiện và thẩm quyền xác định chính xác được số lượng, chủng loại nguyên liệu dư đã bán, cách thức vận chuyển, tên, địa chỉ của người mua, giá mua, số tiền thu được và việc sử dụng đối với số tiền này.

Nhiều người cho rằng, Vinachem đã cố tình bao che cho sai phạm, bởi khi nhận được đơn tố cáo suốt từ năm 2009, đến năm 2013 họ mới thừa nhận có việc bán trộm nguyên liệu. Khi sự việc không thể dấu nhẹm được nữa, Vinachem mới lấy lý do “không đủ điều kiện, phương tiện…” để nhờ cơ quan điều tra vào cuộc.

Bicico đã bán bao nhiêu tấn nguyên liệu của Unilever?

Theo bà Lại Thị Nhung, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty Bicico, Xí nghiệp Hương Việt đã bán ra ngoài 206 phuy chất thơm và 45 phuy Aquat. Tuy nhiên, lời khai của Thủ kho XN Hương Việt Võ Thị Bạch Tuyết thì con số này lớn hơn nhiều lần.

Bà Võ Thị Bạch Tuyết, Thủ kho Xí nghiệp Hương Việt thừa nhận được chỉ đạo bán 376 phuy chất thơm và 87 phuy Aquat.

Ngày 25/2/2013, bà Võ Thị Bạch Tuyết có báo cáo giải trình gửi lên Tổng giám đốc Công ty Bicico Đặng Hồng Hải. Trong bản giải trình, bà Tuyết thống kê được:

Năm 2009, 2 chuyến có phiếu xuất kho (tổng 31 phuy chất thơm) và 4 chuyến không có phiếu xuất kho (tổng là 60 phuy chất thơm).

Vào năm 2010, 5 chuyến có phiếu xuất kho (tổng là 135 phuy chất thơm và 57 phuy Aquat) và 3 chuyến không có phiếu xuất (90 phuy chất thơm và 30 phuy Aquat).

Tiếp đến, năm 2011, 1 chuyến có phiếu xuất kho (30 phuy chất thơm và 1 chuyến không có phiếu xuất (30 phuy chất thơm).

Tổng cộng, trong vòng 03 năm, Xí nghiệp Hương Việt đã có 8 chuyến có phiếu xuất kho và 8 chuyến không có phiếu xuất kho. Cả có và không phiếu xuất, theo bà Tuyết, Xí nghiệp Hương Việt đã “tuồn” ra ngoài được 376 phuy chất thơm và 87 phuy Aquat.

Lời khai của những người từng chỉ đạo, trực tiếp bán nguyên liệu đang có sự "vênh" nhau. Con số chính xác nguyên liệu được bán trộm ra ngoài ở Bicico vẫn đang chờ cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng sẽ không phải là con số nhỏ.

Ông Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nằm trong danh sách 44 cán bộ Trung ương được điều động, luân chuyển về địa phương. Theo đó, ông Khang thôi giữ chức Tổng giám đốc để tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang và giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2010-2015. Được biết, trong suốt quá trình giữ chức vụ Tổng giám đốc Vinachem, ông Khang không giải quyết dứt điểm vụ án bán trộm nguyên liệu tại Bicico, để đến tận hôm nay, ngày ông bàn giao chức vụ cho người khác, vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Duy Phong