Bộ trưởng QP nói về hiện đại hóa hải quân, chiến lược bảo vệ Biển Đông

03/08/2011 08:09
(GDVN) - "Chúng ta đã công khai sẽ mua 6 tàu ngầm và mua các máy bay hiện đại. Việc mua những trang bị này là kế hoạch soạn thảo từ nay đến năm 2020".

(GDVN) - "Chúng ta đã công khai sẽ mua 6 tàu ngầm và mua các máy bay hiện đại. Việc mua những trang bị này là kế hoạch soạn thảo từ nay đến năm 2020. Trước mắt phấn đấu trong khoảng thời gian 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo, là loại tàu hiện đại", Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Đại tướng Phùng Quang Thanh
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Cần giải quyết đa phương vấn đề biển Đông

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc hiện nay vấn đề Biển Đông có rất nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết bất đồng tranh chấp. Có bên chỉ muốn song phương, nhưng có nhiều ý kiến, nhất là trong Hội nghị Hải quân ASEAN vừa qua, nhiều đại biểu cũng muốn giải quyết đa phương, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh cho biết:

"Trong Hội nghị Hải quân ASEAN vừa rồi, tôi cũng đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam. Đó là, những vấn đề đang còn bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương. Ví dụ như, vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp trên Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng cửa Vịnh Bắc Bộ đang tiến hành đàm phán để phân định. Đó là vấn đề sẽ đàm phán giải quyết song phương giữa Việt nam và Trung Quốc theo Luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982.

Còn những vấn đề tranh chấp đa phương, ví dụ như tranh chấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì sẽ bao gồm cả Việt Nam, Trung Quốc - trong đó có Đài Loan của Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei thì phải giải quyết giữa các bên có tranh chấp.

Hoặc vấn đề đường chín khúc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thì đụng đến rất nhiều nước, đụng đến chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei nên phải giải quyết đa phương với các nước này chứ không thể giải quyết song phương được. Tất cả vẫn phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982".

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Những vấn đề trên Biển Đông là vấn đề quốc tế, liên quan đến lợi ích của tất cả các nước nên không thể giải quyết qua đàm phán song phương được mà phải là đa phương. Những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì chúng ta phải giải quyết với nhiều bên và phải hết sức công khai, minh bạch chứ không thể là giải quyết riêng với từng nước. Như thế mới vừa đúng với luật pháp, đúng với thực tiễn và các bên mới chấp nhận được".

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết thêm: Sự đoàn kết thống nhất trong ASEAN là hết sức quan trọng bởi, ASEAN hiện có 10 nước và đang hình thành những cấu trúc an ninh mới để giải quyết những vấn đề an ninh và trên biển. "Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng cộng với 8 nước đối tác và đối thoại đã tổ chức thành công vào năm 2010 tại Việt Nam và chúng ta có hợp tác với các nước để giải quyết nhiều nội dung, trong đó có vấn đề về an ninh biển", Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

"An ninh biển có nghĩa là phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định và không có những vụ việc dùng vũ lực hoặc các vụ việc cướp bóc… ASEAN phải giữ được vai trò trung tâm, vai trò động lực để dẫn dắt trong quá trình cộng tác với các đối tác bên ngoài. Do đó, ASEAN phải đoàn kết, phải có tiếng nói chung, tiếng nói thống nhất thì mới giữ được vai trò trung tâm. Nếu ASEAN bị chia rẽ thì không thể giữ được vai trò trung tâm, vai trò động lực".

Sẽ có lữ đoàn tàu ngầm

Về quan điểm của ASEAN với Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng vừa qua trên biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang thanh cho biết: “Với những vụ việc xảy ra trên vùng biển, quan điểm chung của các nước ASEAN là lo ngại và rất chia sẻ với Việt Nam và đều mong muốn sẽ giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Bởi vì, nếu giữ được môi trường hòa bình, ổn định thì đó là lợi ích chung giữa các nước trong khu vực và các nước ngoài khu vực, không riêng gì Việt Nam”.

“Biển Đông có vị trí địa lý chiến lược và hết sức quan trọng, có tuyến đường hàng hải thuận lợi thứ nhì thế giới về tần suất các tàu bè qua lại. Do đó, ngoài ASEAN một số nước như Mỹ, Nga, Nhật Bản… họ rất quan tâm đến vấn đề này. Họ có hợp tác với các nước mà mục đích chung là giữ được hòa bình ổn định. Hiện nay quan điểm của các nước này cũng khác nhau, không hoàn toàn đứng về phía nào để bảo vệ chủ quyền của các nước đó”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.

Về chủ trương giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì có một lực lượng hải quân đủ mạnh để giữ được chủ quyền đất nước cũng rất quan trọng.  Bộ trường Bộ Quốc phòng khẳng định: "Quá trình tăng cường lực lượng hải quân, trang bị hải quân phụ thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước. Bởi tăng cường lực lượng, trang bị cho các quân chủng kỹ thuật như hải quân, phòng không không quân… phải đầu tư một lượng ngân sách lớn.

Trong khi đó, chúng ta chưa sản xuất được mà hầu hết phải nhập ngoại, mà nhập ngoại giá cả rất đắt, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và lượng ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp. Do đó, chúng ta phải từng bước, chứ không thể có một lượng ngân sách lớn để đáp ứng được các nhu cầu ngay mà phải mất một thời gian nữa để trang bị cho hải quân".

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho biết: "Chúng ta đã công khai sẽ mua 6 tàu ngầm và mua các máy bay hiện đại. Việc mua những trang bị này là kế hoạch soạn thảo từ nay đến 2020. Trước mắt phấn đấu trong khoảng thời gian 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp kilo, là loại tàu hiện đại. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay và các vũ khí khác cũng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, chủ quyền, lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh, không có ý đồ tấn công, xâm lấn bờ cõi của các nước".

Chúng ta không chạy đua vũ trang!

Bộ trưởng cũng lưu ý: Việc làm trên không phải chúng ta chạy đua vũ trang! Theo tôi biết, các nước trên thế giới đều làm như vậy. Nước nào cũng cần phải bảo vệ đất nước, muốn thế phải có trang bị. Đương nhiên con người là quyết định, nhưng nếu không tự sản xuất được vũ khí thì phải đi mua. Có khả năng tài chính đến đâu thì mua vũ khí định mức tới đó. Chúng ta mua vũ khí với tinh thần tối thiểu và khả năng hết sức khiêm tốn, trong sự cho phép của khả năng tài chính đất nước, khi đất nước còn nghèo, còn nhiều việc phải lo, nhất là đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhận định: Với vấn đề biển Đông như vậy thì Việt Nam cần tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. "Điều này chúng ta vẫn làm. Đó là chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực, bằng sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Bây giờ không còn giống như thời kỳ chiến tranh lạnh, phân ra các phe khác nhau.

Hiện nay phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vào chính nghĩa. Muốn vậy phải chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách công khai minh bạch, chính xác cho quốc tế. Hoàn toàn không phải việc lôi kéo, tập hợp lực lượng để đối trọng, chống lại các nước khác", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định.

{iarelatednews articleid='8444,8423,8419,8397,8374,8333,8336,8308,8214'}

Bùi Khương