Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Biển Đông là vùng biển quốc tế, sẽ tự do đi lại

14/10/2015 09:30
Đông Bình
(GDVN) - Philippines hoan nghênh Mỹ quyết định thách thức yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, Singapore cho là đúng đắn, nhưng Trung Quốc có nhiều thủ đoạn.

Biển Đông là vùng biển quốc tế

Theo tờ chinatimes Đài Loan ngày 14 tháng 10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 13 tháng 1 cho biết, chỉ cần là vùng trời, vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép, Quân đội Mỹ đều sẽ đi lại, bay qua, thậm chí tiến hành diễn tập quân sự, trong đó có Biển Đông. Hãng tin Reuters Anh cho rằng, phát biểu này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia ở thành phố Boston, ông Ashton B. Carter cho biết: "Đừng nhầm, chỉ cần luật pháp quốc tế cho phép, Mỹ đều sẽ đi lại, bay qua và diễn tập quân sự ở những khu vực đó".

Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền đối với gần 90% Biển Đông. Vào tuần trước, Mỹ cho biết, họ đang xem xét điều tàu chiến đến khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới bành trướng Bắc Kinh gào to cho rằng "tuyệt đối không cho phép bất cứ hành động xâm phạm nào đối với lãnh hải của họ".

Philippines hoan nghênh tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông

Hãng tin BBC Anh ngày 15 tháng 10 đưa tin, Mỹ có khả năng sẽ điều tàu chiến đến tuần tra ở vùng biển đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp, Philippines bày tỏ hoan nghênh đối với hành động này.

Philippines cho biết, cộng đồng quốc tế bảo đảm tự do đi lại ở "vùng biển tranh chấp", điểm này rất quan trọng.

Hải quân Mỹ có thể điều tàu khu trục lớp Arleigh Burke tuần tra Biển Đông
Hải quân Mỹ có thể điều tàu khu trục lớp Arleigh Burke tuần tra Biển Đông

Ngày 13 tháng 10, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố cho biết, kế hoạch tuần tra ở vùng biển 12 hải lý đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Mỹ "phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đem lại trật tự lấy luật pháp làm nền tảng cho khu vực".

Tờ "Thời báo Hải quân" Mỹ tuần trước cho biết, Hải quân Mỹ có khả năng sẽ nhanh chóng nhận được sứ mệnh đi vào vùng biển các đảo nhân tạo này.

Theo bài báo, hành động này của Hải quân Mỹ sẽ nhấn mạnh lập trường của Washington, đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp không giúp tăng cường chủ quyền lãnh thổ, kế hoạch của Mỹ là hành động hợp pháp trong phạm vi luật pháp quốc tế.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: "Nếu không thể tạo ra thách thức đối với yêu sách chủ quyền sai lầm này (của Trung Quốc), sẽ phá hoại trật tự, dẫn tới Trung Quốc đưa ra kết luận sai lầm, yêu sách chủ quyền của họ đã trở thành sự thực đã rồi – được bên khác chấp nhận".

Hải quân Mỹ có thể điều tàu tuần duyên tuần tra Biển Đông
Hải quân Mỹ có thể điều tàu tuần duyên tuần tra Biển Đông

Tuyên bố còn cho biết: "Cộng đồng quốc tế sẽ đảm bảo tự do đi lại ở vùng biển tranh chấp, điểm này rất quan trọng và liên quan đến lợi ích của các nước".

Giới bành trướng Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao có tên là Hoa Xuân Oánh ngày 9 tháng 10 cho rằng:

"Chúng tôi quan ngại nghiêm trọng đối với thông tin trên báo chí. Điều cần nhấn mạnh là, Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và tự do bay mà các nước được hưởng ở Biển Đông và các khu vực trên thế giới theo luật pháp quốc tế, nhưng tuyệt đối không cho phép bất cứ nước nào lấy 'bảo vệ tự do hàng hải và tự do bay' làm danh nghĩa để xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa".

Hoa Xuân Oánh còn thúc giục các bên liên quan "không áp dụng bất kỳ lời nói và hành động mang tính khiêu khích nào, phát huy vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định khu vực".

Đây là tuyên bố ngang ngược của kẻ bành trướng, thực dân mới ở Biển Đông. Lịch sử, bản đồ chính thống của Trung Quốc ghi chép rất rõ ràng, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, không có lãnh hải và không phận xung quanh các đảo ở Biển Đông.

Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Nhưng, trước đây, khi nhìn thấy bản đồ "đường 11 đoạn" do Đài Loan vẽ bậy về Biển Đông, lòng tham của giới bành trướng, thực dân Trung Quốc nổi lên, lấy ý chí xâm lược của mình áp đặt, biến bản đồ này thành "đường 9 đoạn" và thành yêu sách chủ quyền, rồi dùng vũ lực xâm lược các đảo đá của Việt Nam và các nước ven Biển Đông.

Hôm nay, Trung Quốc tiếp tục ra sức bành trướng lãnh thổ, bành trướng vũ lực ở Biển Đông. Họ muốn lừa đảo thiên hạ, nói rằng, xây dựng đảo xâm chiếm được để "cung cấp sản phẩm an ninh công cho cộng đồng quốc tế", "thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm nước lớn", nhưng thực chất là đang ra sức quân sự hóa Biển Đông, dụ dỗ thiên hạ công nhận chủ quyền của họ.

Chính các hành động bành trướng, bá quyền này của Trung Quốc đang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước ven Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Theo bài báo, các loại dấu hiệu cho thấy, sau khi chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình kết thúc không lâu, vấn đề Biển Đông đang trở thành trung tâm chú ý lớn khiến cho quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.

Bài báo cho rằng, yêu sách lãnh thổ ngày càng ngang ngược và hoạt động xây đảo nhân tạo quy mô lớn bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho các nước láng giềng và Mỹ rất lo ngại.

Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tập trận chung (nguồn bbc Anh)
Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tập trận chung (nguồn bbc Anh)

Mỹ và Trung Quốc sẽ đấu nhau bằng gì ở vùng biển đảo nhân tạo?

Tờ "Thời báo New York" ngày 12 tháng 10 cho biết, nhiều quan chức Mỹ và các nước châu Á xác nhận, Mỹ đã thông báo cho các đồng minh châu Á, Hải quân Mỹ sắp tiến hành tuần tra ở vùng biển lân cận đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Theo bài viết, hoạt động tuần tra này nhằm khẳng định nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải, có thể cho tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo, mục đích là “thách thức yêu sách lãnh hải” của Trung Quốc ở vùng biển mang tính chiến lược này.

Trung Quốc đã “đảo hóa” các đá ngầm ở vùng biển này, rồi xây dựng đường băng máy bay quân sự, trạm radar và triển khai quân đồn trú trên đó.

Theo bài báo, luật pháp quốc tế quy định, những đá ngầm này không có chủ quyền lãnh hải 12 hải lý.

Quan chức Philippines cho biết, mấy ngày gần đây, họ đã nhận dược thông báo về kế hoạch tuần tra của Mỹ. Vào thứ Hai vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã bày tỏ hoan nghênh quyết định này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin

Cố vấn lâu năm của Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ Daniel cho biết, Washington đã quyết định bắt đầu tiến hành tuần tra. Do một hội nghị tổ chức ở Washington lần này được tổ chức kín, cho nên, thông tin này được một chuyên gia giấu tên cung cấp.

Quan chức Mỹ cho biết, trong chuyến thăm Mỹ gần đây, khi hội đàm kín, Tập Cận Bình hoàn toàn không bàn cụ thể vấn đề xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Khi đó, Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Sĩ quan cao cấp Mỹ cho biết, một trong những mục đích tuần tra lần này là thăm dò tuyên bố trên của Tập Cận Bình.

Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, hành động bảo vệ lợi ích của Mỹ là đúng đắn, nhưng ông cũng cho rằng, hành động cần thận trọng.

Trong vấn đề điều tàu chiến gì để tuần tra Biển Đông, Mỹ có nhiều sự lựa chọn. Loại tàu chiến được điều động cũng có ảnh hưởng đến việc tình hình cuối cùng sẽ phát triển đến mức nào - chuyên gia của tờ "Jane's Defense Weekly" Anh bình luận.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen

Một chiếc tàu tuần duyên có thể sẽ áp sát hơn đảo nhân tạo so với tàu chiến khác khi tuần tra tương tự trước đây. Hải quân Mỹ cũng có thể điều tàu khu trục lớp Arleigh Burke và nhiều tàu chiến nhỏ, điều này sẽ phát đi một thông điệp cứng rắn hơn.

Theo bài báo, Trung Quốc cũng có nhiều lựa chọn để chống lại. Họ có thể dùng máy bay bay trên tàu chiến Mỹ, cũng có thể dùng radar để "khóa" chúng. Họ từng dùng chiêu này đối với tàu chiến Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Ngoài ra, họ còn có thể triển khai tàu cảnh sát biển bám theo tàu chiến Mỹ hoặc dùng tàu cá chặn đường.

Đông Bình