Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ thăm vịnh Cam Ranh

31/10/2015 07:38
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản sẽ cho tàu chiến đến Cam Ranh tiếp tế, tăng cường hiện diện ở Biển Đông và hợp tác an ninh biển với Việt Nam, kiềm chế Trung Quốc.

Theo tờ “Đa chiều” ngày 30 tháng 10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch trong năm tài khóa 2016 lần đầu tiên để cho tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cập cảng Cam Ranh của Việt Nam – nơi giáp mặt với Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani chuẩn bị thăm Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani chuẩn bị thăm Việt Nam

Vịnh Cam Ranh gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Nhật Bản sẽ xây dựng thể chế để tiếp tế thực phẩm và nhiên liệu cho tàu chiến, nhằm kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh ở thủ đô Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 tới, dự tính sẽ đạt được đồng thuận về vấn đề liên quan.

Theo tờ “Nihon Keizai Shimbun” Nhật Bản ngày 30 tháng 10, Việt Nam và Trung Quốc đối lập với nhau trong chủ trương chủ quyền lãnh thổ như quần đảo Trường Sa (Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đang đẩy nhanh triển khai tàu ngầm ở căn cứ hải quân vịnh Cam Ranh.

Trước khi tổ chức hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt-Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani dự định sẽ đến thăm căn cứ này, sẽ làm nổi bật tư thế hợp tác với Việt Nam trên phương diện bảo đảm an ninh biển.

Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ được tiếp tế ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam?
Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ được tiếp tế ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam?

Trước đó, tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản từng đậu ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng của Việt Nam, nhưng đậu ở vịnh Cam Ranh thì đây là lần đầu tiên.

Cùng với việc có thể nhận được tiếp tế thực phẩm và nhiên liệu ở khu vực neo đậu, phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ ở Biển Đông có khả năng mở rộng.

Trước đây, ở Biển Đông – nơi cách Nhật Bản khoảng 2.000 km, tàu chiến và máy bay của Lực lượng Phòng vệ khó mà liên tục tiến hành hoạt động cảnh giới, giám sát trong tình hình không tiếp tế nhiên liệu.

Nhật Bản để cho tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển đến vịnh Cam Ranh có mục đích là kiềm chế Trung Quốc – nước đẩy nhanh xây dựng căn cứ quân sự (bất hợp pháp) ở Biển Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015

Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, thông qua cho tàu chiến neo đậu có thể khẳng định sự hiện diện của Nhật Bản ở khu vực, “tiến tới tạo ra khả năng răn đe đối với Quân đội Trung Quốc”.

Dựa trên bản đồ “đường 11 đoạn” do một người Đài Loan vẽ bậy, Trung Quốc đã áp đặt yêu sách chủ quyền vô lý, lố bịch và bất hợp pháp mang tên “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) ở Biển Đông, gây đối đầu với Việt Nam và Philippines.

Để thúc đẩy tự do hàng hải, ngày 27 tháng 10, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào trong 12 hải lý của đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền bất hợp pháp) để triển khai hoạt động tuần tra.

Nhật Bản sẽ duy trì các bước đi thống nhất với Quân đội Mỹ, đồng thời trong ngắn hạn sẽ tổ chức huấn luyện trên biển liên hợp Nhật-Mỹ ở Biển Đông.

Tàu khu trục lớp Akizuki Nhật Bản theo Quân đội Mỹ đi khắp nơi "chinh chiến" (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)
Tàu khu trục lớp Akizuki Nhật Bản theo Quân đội Mỹ đi khắp nơi "chinh chiến" (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)

Tàu hộ vệ Fuyuzuki của Lực lượng Phòng vệ Biển từng tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ, sẽ cùng với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Quân đội Mỹ tiến hành huấn luyện để xác nhận khả năng liên kết thông tin, ngoài ra còn triển khai binh sĩ trên tàu của nhau.

Tàu hộ vệ Suzunami và Makinami của Lực lượng Phòng vệ Biển từ tháng 11 trở đi sẽ đến vùng biển Somalia và vịnh Aden tấn công cướp biển. Những tàu này cũng sẽ đi qua Biển Đông trong thời gian tới, tiến hành cảnh giới, giám sát đối với khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, để tránh kích thích quá mức Trung Quốc, Nhật Bản không có kế hoạch tận dụng neo đậu ở vịnh Cam Ranh để triển khai hoạt động cảnh giới, giám sát toàn diện đối với Biển Đông. Một mặt, tàu đậu ở vịnh Cam Ranh cũng bị giới hạn ở tàu triển khai hoạt động biển xa và đến vùng biển Somalia, vịnh Aden tấn công cướp biển.

Mặt khác, triển vọng ngăn chặn Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông với mức độ nào cũng hoàn toàn không rõ ràng.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc)

Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, mặc dù Quân đội Mỹ tiếp tục triển khai tuần tra ở xung quanh đảo nhân tạo trên Biển Đông, “hiện nay cũng không có biện pháp ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đường băng và cơ sở radar”.

Ngoài ra, cùng với căn cứ quân sự từng bước thành hình, năng lực cảnh giới giám sát và tiến hành tác chiến của phía Trung Quốc cũng được nâng lên. Rất nhiều quan điểm bắt đầu cảm thấy lo ngại đối với vấn đề này.

Như vậy, tham vọng bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực khác đã kéo lực lượng quân sự các nước lớn tới Biển Đông, đây là một xu thế tất yếu, không thể tránh khỏi.

Việt Nam đối mặt với sức ép thùng thuốc súng đang ngày càng áp sát cửa nhà mình, không thể không khẩn trương hành động. Trong một cuộc chơi lớn, xác định rõ vị trí của mình và có khả năng xử lý linh hoạt các mối quan hệ, đi các nước cờ cao tay là rất cần thiết.

Ngày 28 tháng 10 năm 2015, chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Ngày 28 tháng 10 năm 2015, chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Mục đích chính của mọi nỗ lực là nhằm chống bành trướng, xâm lược, bá quyền, cường quyền của bất cứ kẻ thù nào, nhưng trước hết là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Đối tượng tác chiến rất rõ ràng, không thể để mất cảnh giác và bị bất ngờ - PV.

Đông Bình