Bộ trưởng TN&MT: "Vụ Tiên Lãng, Văn Giang là rất đáng tiếc"

13/06/2012 14:16
Tuấn Nam
(GDVN) – Sáng nay, 13/6, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII tiếp tục và bắt đầu phiên chất vấn đối với thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Quang trả lời: “Chúng tôi sẽ đề nghị mở rộng thời gian sử dụng đất từ 30 – 50 năm".
Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII bắt đầu từ sáng 13/6 đến sáng 15/6. Có 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang,  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Theo dự kiến, mỗi Bộ trưởng trên có nửa ngày để trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Chốt lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 15/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012. Sau đó, Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình bổ sung cho các thành viên Chính phủ.

Mở đầu, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. 

Kết thúc Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Có 1678 kiến nghị của cử tri thì các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội đã giải quyết 1672 kiến nghị, thể hiện sự nghiêm túc của các cơ quan Trung ương dù còn nhiều vấn đề chưa thấu đáo, chưa kỹ càng hoặc chưa sát với kiến nghị của cử tri. Chúng tôi đề nghị các cơ quan của chính phủ, Quốc hội tiếp tục kiểm tra việc giải quyết cụ thể đối với 1678 kiến nghị để cuối năm báo cáo lại với Quốc hội. Ủy ban dân nguyện tiếp tục giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri cả nước”.
"Bài học sâu sắc sau vụ Tiên Lãng, Văn Giang"

11h10: Trả lời ý kiến của ĐB Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐB Hà Nội) về trách nhiệm của Bộ TN&MT trong các vụ việc về thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói: “Xảy ra các vụ việc rất đáng tiếc, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của Bộ. Việc giải quyết phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật.

Riêng vụ Tiên Lãng, sau khi xảy ra, UBND tỉnh Hải Phòng đã tập trung giải quyết, đến nay chúng tôi cùng với địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện như Thủ tướng yêu cầu. Sau đó, chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu chủ tịch các tỉnh rà soát việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển. Về cơ bản, các tỉnh trừ Hải Phòng, từ sau 2003 dạng đất chủ yếu được cho thuê.

Nhiều người lo ngại, khi xảy ra vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng có thể xuất hiện những vụ việc tương tự ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát các tỉnh, chúng tôi thấy tình hình bình thường, không có vấn đề gì cả. Đó là bài học sâu sắc cho chúng tôi – người làm công tác quản lý TN&MT.  Tuy nhiên, chúng ta phải làm rõ vi phạm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn như thế nào rồi xem xét cho sử dụng tiếp.

Và Bộ đã quyết định tiếp tục giao đất cho gia đình ông Vươn sử dụng với hình thức cho thuê theo pháp luật hiện hành. Hải Phòng đã chính thức giao cho Tiên Lãng xử lý như trên.

Còn vụ văn Giang, dự án này đã được phê duyệt lâu rồi kéo dài đến 2020. Vừa qua, Hưng Yên thực hiện cưỡng chế một số hộ, đó là việc thực hiện của các địa phương trong quá tình thực thi pháp luật về đất đai. Bộ đã cử cán bộ xuống ghi nhận tình hình, người dân không có ý kiến gì về vấn đề đền bù mà cho rằng phải xem xét lại dự án vốn có quy mô 300 – 500 ha, đề nghị thu hẹp lại đồng thời yêu cầu xử lý khu dịch vụ nằm trong khu đô thị đó”.

Nóng việc đền bù, giải phóng mặt bằng

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình về các vấn đề quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; giải pháp khắc phục của Bộ đối với vấn đề này; vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cơ sở chế biến, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, tự phát diễn biến ngày càng phức tạp…

Trả lời các câu hỏi của các ĐB Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định), ĐB Nguyễn Minh Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An), ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) về vấn đề khiếu nại và tái khiếu nại tăng, "lình xình" trong việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu: “Về vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, lĩnh vực đất đai vốn rất phức tạp nhất là khi thực hiện cơ chế thị trường và khi có luật đất đai 2003, vấn đề thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù… càng trở nên phức tạp”. 

Các nguyên nhân chính được đưa ra là: Bồi thường ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ công khai bình đẳng, tiến hành chưa kiên quyết, vấn đề liên quan giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích người sử dụng đất chưa cân bằng, giá đất bồi thường còn thấp, đội ngũ cán bộ có năng lực có hạn chế nhất định… Tuy nhiên, về cơ bản, vấn đề quyền lợi người có đất được đảm bảo hơn. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: “Trong vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, nếu để cho chủ dự án và người dân tự thỏa thuận thì sẽ tạo ra giá và khi đó sẽ có sự so sánh với giá đền bù của nhà nước”. Về vấn đề thời hạn sử dụng đất, Bộ trưởng Quang trả lời: “Chúng tôi sẽ đề nghị mở rộng thời gian sử dụng đất từ 30 – 50 năm (đất nông nghiệp: 50 năm)”.

Trả lời về vấn đề mực nước ngầm ở Tây Nguyên giảm sút đáng kể, Bộ trưởng Quang nói: “Do mùa khô kéo dài 5 – 7 tháng, diễn biến khá phức tạp cộng thêm sản xuất cây Công nghiệp khá lớn, diện tích rừng giảm đi liên quan đến vấn đề giữ nước trong đất, khai thác nước nhiều nên sự tụt đi là tất yếu nên giải pháp là giữ rừng, có quy hoạch với lượng nước chúng ta có”.

Trả lời các câu hỏi của các vị ĐB Lê Thị Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), ĐB Võ Kim Cự (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh), ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên), ĐB Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh  Kon Tum) về tình hình sử dụng đất lãng phí, ô nhiễm làng nghề…, Bộ trưởng Quang nói: “ Về vấn đề tình hình sử dụng đất lãng phí đã có quy định cụ thể. Tình trạng các chủ dự án lấy đất nông nghiệp, rào rậu và đổ cát vào nhưng chưa thực hiện kinh doanh. Trước tiên, chúng ta chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không thực hiện, quá thời hạn pháp luật quy định thì phải thu hồi mà không bồi thường.

Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kết quả đạt được đối với đất nông nghiệp, đất ở nông thôn có tỷ lệ cấp giấy đạt trên 85% là tương đối cơ bản. Hiện nay, có 2 loại còn đạt tỷ lệ thấp như đất chuyên dùng và đất ở đô thị. Các trường hợp còn lại khó cấp giấy chứng nhận do giấy tờ không hợp lệ, không rõ nguồn gốc, vi phạm… Khó khăn ở đây là cần có 30.000 tỷ/năm để xử lý hồ sơ trong khi thực tế chỉ có 1000 tỷ/năm. Ngoài ra còn có nhiều diễn biến phức tạp.  Đến năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản vấn đề còn tồn tại nhưng cần nhiều kinh phí nữa”.

Đối với vấn đề ô nhiễm làng nghề, bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Làng nghề có lâu rồi. Hiện nay chúng ta có hơn 3000 làng nghề, quá trình sản xuất mang tính tự phát dù có nhiều văn bản quy định thực hiện. Việc các hộ dân tự giác thực hiện còn hết sức khó khăn, việc chấn chỉnh cần có lộ trình”.
Tuấn Nam