Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải việc chậm tiến độ của hai dự án bauxite

11/03/2013 06:15
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Trong chương trình dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay: "Tôi xin nói rõ thêm, khi đã thí điểm thì không thể khẳng định một cách chắc chắn về tính hiệu quả của dự án. Chúng ta cần phải có thời gian thì mới đánh giá được...

- Đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ sở của việc Việt Nam triển khai các dự án khai thác và chế biến bauxit tại Tây Nguyên?

Khai thác quặng tại dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh: PHẠM QUANG TÚ
Khai thác quặng tại dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh: PHẠM QUANG TÚ


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:
Theo khảo sát ban đầu, chữ lượng bauxit hiện nay ở Việt Nam vào khoảng 10 tỷ tấn. Có thể đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chữ lượng quặng bauxit lớn trên thế giới.

Việc chúng ta triển khai các dự án khai thác, chế biến bauxit ở Đắc Nông và Lâm Đồng sẽ góp phần tạo tiền đề giúp chúng ta phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm.

Hiện nay nhu cầu nhôm kim loại trên thế giới ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về alumin cũng tăng. Hiện tại một năm chúng ta sử dụng khoảng 500 nghìn tấn nhôm kim loại và mỗi năm phải chi ra khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu số lượng kim loại nhôm này.

Trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu 100% nhôm kim loại thì việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên lớn về quặng bauxit thông qua xây dựng ngành công nghiệp chế biến alumin và tiến tới sản xuất nhôm là hết sức cần thiết.

Thêm nữa, chúng ta triển khai các dự án thí điểm này tại Tây Nguyên thì sẽ góp phần phát triển một khu vực rất giàu tiềm năng, nhưng hiện nay đang rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Và điều quan trọng là chúng ta quyết định tự làm chủ đầu tư, từ khâu khai thác đến khâu chế biến quặng bauxit, chỉ nhập khẩu công nghệ của nước ngoài ở những khâu chúng ta chưa làm được, chưa sản xuất được.

Đấy là những cơ sở để chúng ta triển khai thí điểm hai dự án này. Với tinh thần đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển từng bước thận trọng ngành công nghiệp sản xuất nhôm là hết sức đúng đắn.

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương.
Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương.

- Thưa Bộ trưởng, dự án Tân Rai đã chậm tiến độ hơn 2 năm và dự án Nhân Cơ cũng có thể chậm tiến độ hơn 1 năm. Vì sao vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Quan kiểm tra đánh giá thì thấy rằng đây là những dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được tiển khai ở Việt Nam ở một địa bàn điều kiện kinh tế xã hội cũng hết sức khó khăn. Thêm vào đó, trong quá trình triển khai dự án thì công tác tuyên truyền, giải thích, làm rõ sự cần thiết của dự án đối với công luận ở trong nước thì chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước làm chưa thật tốt. Vì thế, một số hạng mục công trình chúng ta phải tạm giãn tiến độ trước khi quyết định.

Sau sự cố vỡ hồ Bùn Đỏ tại một dự án sản xuất alumin tại Hungary thì chúng ta đã quyết định cử một đoàn đại diện các cơ quan có liên quan sang khảo sát tại chỗ, sau đó trở về báo cáo với Chính phủ, đề xuất những phương án bổ sung thiết kế kỹ thuật của hồ Bùn Đỏ,  hằm đảm bảo độ an toàn rất cao của công trình này. Chúng tôi cho rằng, chính việc phải xem xét lại thiết kế của hồ Bùn Đỏ là một trong những nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến kéo dài tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan là do chủ đầu tư còn ít kinh nghiệm trong việc triển khai những dự án loại này; rồi biến động của các chi phí trong đầu tư đầu tư nên cũng phải tìm thêm nguồn vốn đầu tư cho dự án. 

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là chậm một chút, nhưng đảm bảo an toàn của công trình thì chắc chắn là sẽ yên tâm hơn là cố gắng giữ được tiến độ nhưng chưa yên tâm về mức độ an toàn của công trình.

Cho đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành dự án ở Tân Rai và đưa vào sản xuất mẻ alumin đầu tiên vào tháng 12/2012 và trong những ngày tới sẽ khánh thành chính thức dự án. Còn dự án Nhân Cơ thì đã có kinh nghiệm tại dự án Tân Rai, vì vậy tiến độ nhanh hơn, đến nay đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng xây lắp.

- Thưa Bộ trưởng, giá alumin tại thời điểm này đã giảm xuống còn 236 USD/tấn, tức là thấp hơn rất nhiều giá mà dự án đề ra tại thời điểm được điểm phê duyệt. Như vậy, chúng ta sẽ đánh giá hiệu quả của dự án này thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đúng là nếu so sánh giá nhôm và alumin hiện nay so với thời điểm chúng ta phê duyệt dự án (tháng 9/2009) thì giảm 10%. Nhưng khi chúng ta đánh giá hiệu quả của một dự án có vốn đầu tư lớn, có thời gian hoạt động khoảng 30-40 năm thì không thể chỉ dựa vào giá của sản phẩm tại một thời điểm để nói dự án đó có hiệu quả hay không có hiệu quả.

Tôi cũng xin nói rõ thêm, khi đã thí điểm thì không thể khẳng định một cách chắc chắn về tính hiệu quả của dự án. Chúng ta cần phải có thời gian thì mới đánh giá được. Thứ hai, nếu chỉ dựa vào giá alumin tại thời điểm hiện nay để nói rằng dự án không hiệu quả thì tôi sợ là thiếu cơ sở thuyết phục, bởi vì giá alumin, giá nhôm, cũng như giá các loại kim loại màu khác có biến động, nhưng xu hướng nói cung là tăng.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, khi đầu tư các dự án thí điểm này thì không phải chỉ là một dự án đáp ứng mục đích của doanh nghiệp, mà còn phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đó là hiệu quả tổng hợp về kinh tế xã hội đối với vùng, khu vực và nói rộng hơn nữa là với nền kinh tế cả nước. Chúng tôi tin rằng trong quá trình vận hành dự án, chủ đầu tư sẽ nghiên cứu để tiết kiệm các khâu chi phí, cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật mà chúng ta ngày càng làm chủ, thì chắc là tiến độ của dự án sẽ tăng lên.

- Thưa Bộ trưởng, cảng Kê Gà được thiết kế nhằm phục vụ các dự án khai thác bauxit tại Tây Nguyên. Một số ý kiến cho rằng, việc dừng dự án cảng Kê Gà có thể là dấu hiệu cho thấy việc tính toán triển khai các dự án bauxit Tây Nguyên chưa thực sự chắc chắn. Bộ trưởng lý giải thế nào về điều này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Quy hoạch bauxit được xem xét phù hợp với từng thời kỳ, vừa qua chúng ta đã có quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch này. Theo đó, các dự án trong lĩnh vực khai thác và chế biến bauxit giảm hơn rất nhiều so với quy hoạch ban đầu. Chúng ta chỉ làm hai dự án thí điểm với quy mô công suất 1,3 triệu tấn.

Rõ ràng, quy mô phục vụ cho khai thác bauxit, luyện nhôm không còn như trước nữa. Thêm vào đó tại khu vực Bình Thuận, chúng ta cũng đã quyết định tạm dừng các dự án titan cho đến khi có dự án chế biến sâu có hiệu quả. Đồng thời, các nhà máy nhiệt điện tại khu vực Bình Thuận cũng đã được chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng một cảng trung chuyển than.

Vì vậy, tính thời sự của việc xây dựng cảng Kê Gà không còn nữa, cho nên theo đề nghị của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, ý kiến nhất trí của các Bộ có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dừng triển khai dự án cảng kê gà. Tôi xin nói thêm, cho đến nay, chúng ta hầu như chưa có đầu tư gì đáng kể cho cảng này.

- Như Bộ trưởng đã nói thì đây là dự án thí điểm ban đầu, vậy liệu có xảy ra trường hợp sau khi hoàn tất việc thí điểm thì chúng ta nhận ra có những tác động xấu với môi trường mà không thể sửa chữa, đặc biệt với vấn đề bùn thải từ các dự án này?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Với sự tham gia tích cực, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, và các cơ quan nghiên cứu khoa học, cùng với việc chúng ta đã triển khai một cách cẩn trọng, có bước đi phù hợp để tính toán, thiết kế, xây dựng các hạng mục công trình, đáp ứng yêu cầu an toàn, đáp ứng yêu cầu của môi trường thì chúng ta có cơ sở để tin rằng, sau khi hoàn thành hai dự án thí điểm sẽ không phải lo lắng phát sinh những hậu quả về môi trường mà không thể khắc phục được.

Cũng xin nói thêm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa qua đã tiến hành thí điểm việc tách sút từ bùn đỏ để sản xuất ra các vật liệu xây dựng không nung. Nếu thử nghiệm này thành công thì có thể triển khai thành các dự án quy mô công nghiệp, vừa góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho dự án, đồng thời làm giảm chi phí đầu tư, dẫn tới làm tăng hiệu quả tổng hợp của dự án.


Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ngọc Quang (ghi)