Các bộ trưởng đang 'nhóm lửa thay cho nguyền rủa bóng tối'

06/11/2011 09:41
Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và các bộ trưởng khác có "tư duy nhiệm kỳ" không? Điều này, chỉ họ hiểu rõ nhất...
Nhưng rõ ràng ông Đinh La Thăng đang hành động theo châm ngôn: "Hãy nhóm lửa lên, thay cho ngồi nguyền rủa bóng tối?

Hiếm có một Bộ trưởng nào mới nhậm chức đã khiến cả xã hội bàn tán sôi nổi, tốn giấy mực như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến nỗi báo chí đã khái quát nên thành "hiện tượng".

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Mà đúng. Đinh La Thăng đang trở thành một hiện tượng! Hiện tượng hiếm trong đời sống quan chức cấp cao lâu nay.

Bởi lĩnh vực ông quản lý- giao thông đô thị- quá nhiều năm đụng chạm tới bức xúc toàn xã hội. Thì những phát ngôn cùng hành động ấn tượng của ông, lập tức đụng chạm tới toàn thể thói quen, thậm chí cả... thú vui, và lợi ích của con người, từ quan chức cao cấp tới bé mầm non.

Những kiến nghị đó theo ông không mới, vì ông chỉ thực hiện quyết định trước đây của Nhà nước. Nhưng hành động quyết liệt của ông, đặt trong bối cảnh một xã hội có quá nhiều trì trệ, bất an, con người vốn coi thường phép nước, và đặt lợi ích cá nhân trên hết, đã gây hiệu ứng lớn.

Nó cũng dứt khoát và mạnh bạo cày xới, lật tung lên cả cánh đồng chi chít nếp nghĩ cũ, thói quen cũ, xơ cứng thủ cựu. Lật tung lên, và quyết liệt không kém- cả úng hộ lẫn phản đối, cả mong đợi lẫn hoài nghi, cả trân trọng lẫn diễu cợt.

Chắc chắn một điều, ông đang đứng trước một núi thách thức? Bởi ách tắc giao thông đô thị, là hệ lụy của rất nhiều sự ách tắc trong tư duy và cung cách quản lý xã hội tiểu nông cộng lại- gắn với sự vận hành tất yếu của đất nước thời hội nhập.

Đó là thiếu một tư duy chiến lược mang tính tổng thể, có tầm nhìn xa về quy hoạch đô thị gắn với giao thông.

Đó là các địa phương xung quanh Hà Nội, TP HCM chưa xứng tầm "vệ tinh", vừa không nâng được chất lượng sống của tỉnh mình, vừa gây áp lực dân số- luôn đổ về hai đô thị lớn.

Đó là nhu cầu phát triển và văn minh đô thị gắn với đời sống cao, và quản lý thả nổi, khiến lượng xe tư (ô tô, xe máy) tăng rất nhanh, trong khi hạ tầng giao thông cũ kỹ nát cũng rất nhanh.

Đó là cách giao thông của người Việt mang tư duy tiểu nông tùy tiện, coi thường luật pháp, đã thành một thói quen xấu phổ biến và khó thay đổi.

Thế nên cho dù quyết liệt, những giải pháp của ông cũng sẽ chỉ là tình thế, hiệu quả sẽ hạn chế, nếu không có được sự phối hợp, ủng hộ lớn mang tầm chiến lược của Nhà nước, các ngành, của ngay chính quyền hai đô thị lớn Hà Nội, TPHCM. Thậm chí, có khi chỉ là sự chấp nhận hy sinh những lợi ích nhỏ, từ nếp sinh hoạt mang tính thói quen của cộng đồng, đến thú chơi golf của các quan chức trong ngành, vì lợi ích chung.

Những giải pháp đó không thể thiếu tính đồng bộ, tính tổng thể và bước đi phù hợp.

Có giải pháp trước mắt cần thực hiện ngay như đổi giờ làm việc.

Có những giải pháp lâu dài hơn như nghiên cứu hệ thống xe công, bến bãi, đường lưu chuyển.

Rồi xây dựng tuyến đường sắt trên cao, đường xe điện ngầm dưới mặt đất.

Các giải pháp giao thông đó phải đặt trong một quy hoạch đô thị mang tính toàn cục, chiến lược, nhất quán. Hạn chế xây các chung cư ở nội đô. Di dời các trường ĐH ra ngoại thành.

Lại có những giải pháp vĩ mô. Đó là phải biết lo cho đô thị từ... nông thôn.

Thủ đô Hà Nội, TPHCM cần được trao quyền tự chủ mức cao nhất, giải phóng sức sáng tạo của hai đô thị lớn.

Nhà nước nên tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cơ chế, chính sách đầu tư cho các tỉnh "vệ tinh". Để chính các tỉnh này nâng mình lên về chất lượng sống, văn minh, văn hóa, giảm hiện tượng người dân các tỉnh ly hương, đổ dồn về các đô thị lớn.

Chuyện giao thông, nhưng sâu xa, là gắn liền với việc phát triển các đô thị vệ tinh, tạo sự công bằng trong phát triển và hưởng thụ của người dân giữa tỉnh lẻ và đô thị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Đinh La Thăng liệu có thành công. Hay "Không thành công thì cũng thành ...Thăng" như nhân gian đang nửa đùa, nửa thật?

Liệu hiện tượng Đinh La Thăng có phải cá biệt. Và nó nói điều gì?

Người viết bài tâm đắc với cái nhìn triết học của Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược- Bộ Công an) trả lời trên VietNamNet: Cuộc sống luôn có những lối đi riêng. Ở chừng mực nào đó có thể nói đây là những nhân cách mới, phản ánh xu hướng mới của một xã hội.

Cái mới, bao giờ cũng có số phận riêng của nó. Đó là luôn gặp sự ngáng trở quyết liệt của cái cũ. Trong lịch sử đổi mới hiện đại, có những cái mới đã phải hy sinh. Và chỉ được xã hội thừa nhận, được "phục sinh" một khi chết đi rồi. Kim Ngọc- Bí thư Tỉnh úy Vĩnh Phú (cũ) là một "cái mới" như thế. Vinh quang nhưng đầy cay đắng!

Trước Đinh La Thăng, cũng có một Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính với phát ngôn quyết liệt khiến xã hội bất ngờ: "Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình với tư cách là Bộ trưởng Tài chính...Quản lý Nhà nước phải vì lợi ích của 86 triệu dân, chứ không vì lợi ích của một hay nhóm doanh nghiệp và cá nhân nào".

Bất ngờ, vì lâu nay dai dẳng trong tâm lý xã hội là sự  hoài nghi về cái tâm của nhiều quan chức. Họ làm việc vì dân hay vì ai?

Nhưng số phận cái mới mong manh lắm, lẻ loi lắm.

Đến mức nhân dân phải kêu lên: "Sao chỉ mình Bộ trưởng Thăng lên tiếng?", "Mình Bộ trưởng Thăng, xoay chuyển thế nào?", còn các ngành cứ...im im làm sao ý? (VietNamNet, 3/11/2011)

Hay con người Việt Nam đã quen an phận. Quan chức cũng quen sự...an toàn. Thế nên tốt nhất là không làm gì. Bởi có làm sẽ có sai. Không làm thì không sai. Và ai cho làm?

Ví như Bộ trưởng Vương Đình Huệ, sau phát ngôn ấn tượng, nhân dân vẫn chờ đợi, liệu ông có hành động được như câu nói "vì lợi ích của hơn 80 triệu dân" không? Hay kết cục như Tướng Lê Văn Cương nhận định: Dù có tâm huyết thật, ông cũng đang ở giữa một cơ chế phức tạp rất khó giải quyết, mà Bộ trưởng Tài chính thì có được bao nhiêu quyền?

Cơ chế đó là gì? "Xã hội ta, không làm cái gì nhanh được khi anh là thiểu số.... Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển". Chậm phát triển, thì đến lúc nào đó, cũng sẽ phát triển nhanh. Còn "khó phát triển" thì quả thật là ... rất khó.

Nhưng bản thân con người, cũng có vật cản. Đó là lợi ích cá nhân.

Mới đây, trên VietNamNet có bài trả lời phỏng vấn của nguyên Phó TT Vũ Khoan về tư duy nhiệm kỳ. Ông Vũ Khoan cho rằng, tư duy nhiệm kỳ là hiện tượng phổ biến, là triệu chứng bên ngoài của cơ chế xin- cho hiện nay.

Vì vậy, bất cứ quan chức nào mới lên cũng gắng thể hiện, để lại dấu ấn nào đó trong nhiệm kỳ của mình. Bởi không làm được e sẽ bị nhường ghế cho người khác. Chính tư duy nhiệm kỳ này sẽ luôn gắn với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, trở thành vật cản âm thầm cho sự phát triển.

Thực tế, có những Bộ trưởng phát biểu rất hùng hồn. Vậy mà cả nhiệm kỳ, không thấy ông làm được gì có kết quả "ra hồn". Lại có Bộ trưởng khiêm tốn tuyên bố không muốn tạo dấu ấn, thì quả thật nhiệm kỳ đó, lĩnh vực ông phụ trách thật mờ nhạt. Chỉ dân thất vọng đã đặt niềm tin không đúng chỗ.

Những cái khó vô hình, và cái lợi hữu hình có thể giết chết cả động lực con người ngay trên cái ghế quyền lực. Người ta cảnh báo sự "tha hóa" của quyền lực còn là ở chỗ đó!

Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và các bộ trưởng khác có "tư duy nhiệm kỳ" không? Điều này, chỉ họ hiểu rõ nhất.

Nhưng rõ ràng ông Đinh La Thăng đang hành động theo châm ngôn: "Hãy đốt lửa lên, thay cho ngồi nguyền rủa bóng tối?

Liệu hết nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, giao thông đô thị có thoát vấn nạn hiện nay? Không ai chắc chắn được, kể cả ông- vị Tư lệnh giao thông.

Nhưng nếu cứ ngồi nguyền rủa bóng tối.

Thì ánh sáng cũng sẽ không bao giờ lan tới, dù chỉ là le lói cuối con đường.

Đinh La Thăng đang là một "cái mới".

Nảy nở hay thui chột, như số phận những cái mới trước đây trong một xã hội "khó phát triển"?

Rất khó trả lời!