Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Các đại biểu Quốc hội muốn biết vì sao lại xử lý chậm đến vậy"

10/10/2012 07:17
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Tôi không hiểu vì nguyên nhân gì mà những ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu cách đây đã 5 năm về vấn đề tín dụng, ngân hàng nhưng đến nay, việc xử lý lại chậm đến vậy", ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Quốc hội quan tâm đến năng lực điều hành kinh tế vĩ mô
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về những vấn đề nóng sẽ được đưa vào trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 22/10 tới đây, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay: “Ở kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét rất nhiều vấn đề liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trong đó có việc xem xét lời hứa của các thành viên Chính phủ ở các kỳ họp trước. 

Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc điều hành kinh tế - xã hội của các thành viên Chính phủ nhất là trong năm 2012, khi tình hình kinh tế hết sức khó khăn. Cụ thể là từ những vấn đề về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đến những vấn đề về kinh tế vĩ mô, những vấn đề liên quan đến các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Tiến Dũng/VNE)
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Tiến Dũng/VNE)

Những vấn đề đời sống của nhân dân nói chung và những khó khăn của các doanh nghiệp nói riêng đặc biệt là về nguồn vốn cũng rất được quan tâm khi nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn không trả được thuế cho nhà nước. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản”. 

Ông Quyền nói: “Các đại biểu quan tâm đến một loạt vấn đề bức xúc như vậy đi kèm với năng lực của các thành viên Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô ở cấp độ quản lý nhà nước. Chắc chắn các đại biểu Quốc hội bên cạnh việc ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các thành viên Chính phủ thì còn muốn làm rõ được thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. 

Đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là hạn chế việc báo cáo, kể lể thành tích mà phải đi thẳng vào sự thật về những vấn đề của tình hình kinh tế - xã hội bao gồm: những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân căn cơ của những tồn tại đó.

Đồng thời trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, tăng cường trách nhiệm và đề cao những giải pháp hữu hiệu để từng bước tháo gỡ những khó khăn cũng cần được nêu ra”.

Các đại biểu góp ý từ lâu nhưng xử lý chậm

Lấy ví dụ cụ thể, ông Quyền nói tiếp: “Trong lĩnh vực liên quan đến ngân hàng chẳng hạn, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng đặt ra như thế nào trong khi đó các đại biểu Quốc hội đã nói từ khóa XII? Bản thân tôi đã nói về việc để một nền kinh tế như Việt Nam có hàng trăm tổ chức tín dụng cùng tồn tại và hoạt động như vậy là một vấn đề bất bình thường. Nhưng đại biểu Quốc hội nói thì vẫn cứ nói, còn việc tiếp thu của các thành viên Chính phủ là hết sức chậm. 
Hoặc việc các tổ chức tín dụng đi đêm về lãi suất của tiền gửi lưu động thì Ngân hàng Nhà nước với tư các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng phải xử lý ngay chứ. Luật quy định rồi nhưng cũng rất chậm xử lý. Tôi không hiểu vì nguyên nhân gì mà những ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu cách đây đã 5 năm rồi về vấn đề tín dụng, ngân hàng nhưng đến nay, việc xử lý lại chậm đến vậy. Giở lại những biên bản họp ngày ấy thấy các đại biểu đã phát biểu rất gay gắt. Bây giờ mới hoạch định ra kế hoạch để tái cơ cấu ngân hàng thì tôi cho là quá chậm. 

Các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét năng lực điều hành của các Bộ trưởng cũng như là trách nhiệm của họ đối với những vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay mà người dân đang hết sức bức xúc. Những hệ thống về quản lý tín dụng, ngân hàng có thể dẫn đến những đổ vỡ nhất định nếu chúng ta không có giải pháp đồng bộ trong việc siết chặt quản lý. Bây giờ hiện tượng các tổ chức tín dụng vốn thì không có nhưng cứ luân chuyển vốn ảo với nhau. Vậy thì vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước ở đây là như thế nào?”

Ông Nguyễn Đình Quyền nói thêm: “Rồi đến khung pháp lý cho hoạt động của các Tập đoàn, các Tổng công ty nhà nước. Vấn đề này các đại biểu Quốc hội đã nói rất lâu rồi. Nói từ giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến giờ là cần phải tổng kết ngay hoạt động của các các Tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước trên cơ sở từ sự đổ vỡ của Vinashin để rút kinh nghiệm đối với các Tập đoàn khác.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn để khung pháp lý là một văn bản của Chính phủ. Điều này rất chậm chạp. Đáng lẽ đổ vỡ thì chúng ta phải tổng kết ngay lại là có nên thí điểm nữa hay không. Các đại biểu Quốc hội muốn biết tại sao nó chậm như vậy, trách nhiệm của ai và những giải pháp để chúng ta hướng đến một nền kinh tế xã hội có những khởi sắc trong thời gian tới như thế nào…”. 
Xóa sổ 2 tập đoàn xây dựng

Ngày 2/10, Thủ tướng quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam.

Nhìn nhận về việc hai tập đoàn xây dựng bị “hạ cấp”, ông Lê Quốc Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII nói đây là một điều tất yếu. “Chúng ta thực hiện thành lập thí điểm nhưng lại lập ra quá nhiều, trong khi tính pháp lý về đại diện chủ sở hữu vốn, rồi vốn vay, hệ thống quản trị đều chưa rõ.

Khi thành lập lại không có đề án, lộ trình, quy mô được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngay cả việc chuẩn bị về nhân sự lãnh đạo các tập đoàn cũng chưa được chặt chẽ, dẫn đến bổ nhiệm nhiều người thiếu cả về đạo đức, chuyên môn… Tất cả những điều trên dẫn đến việc thành lập ra nhiều nhưng chúng ta không kiểm soát được để các đơn vị đầu tư ra ngoài ngành một cách tràn lan, gây thua lỗ, thất thoát tiền của của Nhà nước” - ông Dung nói.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng lẽ ra khi mới thí điểm thì chỉ nên thành lập vài ba tập đoàn. Sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nếu thấy hiệu quả thực sự mới thành lập thêm vài ba đơn vị nữa, còn không hiệu quả thì phải dừng lại ngay. Chứ thành lập ồ ạt, không kiểm soát được thì rất khó mà hiệu quả.

Tuy nhiên, cả ông Dung và ông Kiêm đều khẳng định dù muộn nhưng việc kết thúc thí điểm thành lập hai tập đoàn trên là điều cần làm trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động của các DN nhà nước. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng đang được Hội nghị Trung ương VI (từ ngày 1 đến 15-10) bàn thảo.

(Theo Báo Pháp luật TP.HCM)
(Còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang