Cam Ranh có nằm trong dự định xây binh đoàn chiến dịch của Nga?

05/04/2013 07:55
Việt Dũng
(GDVN) - Tư lệnh Hải quân Nga thấy cần thiết phải triển khai một binh đoàn chiến dịch hoạt động thường xuyên ở hai đại dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Căn cứ vịnh Cam Ranh, Việt Nam thời kỳ Liên Xô
Căn cứ vịnh Cam Ranh, Việt Nam thời kỳ Liên Xô

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc dẫn lời ông Viktor Chirkov, Tổng tư lệnh Hải quân Nga ngày 17/3 cho biết, khi cần thiết Hải quân Nga sẽ cân nhắc triển khai binh đoàn chiến dịch thường xuyên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ông Chirkov nói: “Hải quân chúng ta từng có kinh nghiệm xây dựng hạm đội ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu cần, chúng ta sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng, Chính phủ và Tổng thống triển khai binh đoàn chiến dịch thường xuyên ở đó”. Phát biểu “từng xây dựng hạm đội ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” của ông Chirkov chính là chỉ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Tiền thân của Hạm đội Thái Bình Dương là Hải quân Viễn Đông Nga, nhiệm vụ là bảo vệ biên giới Đông Á của Liên Xô và Nga sau này, nó được cho là căn cứ chủ yếu để bảo đảm lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Binh lực chủ yếu của Hạm đội Thái Bình Dương được triển khai ở 2 khu vực trọng yếu chiến lược là bán đảo Kamchatka và Primorsky Krai.

Thời kỳ đỉnh cao của Hạm đội Thái Bình Dương là vào thập niên 70 của thế kỷ 20, tổng binh lực đạt 130.000 quân, sở hữu khoảng 700 tàu chiến các loại. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, sự phát triển của Hạm đội Thái Bình Dương chuyển sang giai đoạn suy yếu.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey Nga

Thiếu tướng Doãn Trác, chủ nhiệm Ủy ban chuyên gia thông tin hóa Hải quân Trung Quốc cho rằng, lần này Nga có kế hoạch tái triển khai binh đoàn chiến dịch thường xuyên – sẽ có khả năng tấn công rất mạnh.

Doãn Trác cho rằng: “Hiện nay, họ lấy biên đội tàu tuần tra, tàu khu trục làm hạt nhân, chẳng hạn tàu tuần dương động cơ hạt nhân, tàu này kết hợp với tàu tuần dương và tàu khu trục khác sẽ hình thành một biên đội tàu tuần dương-tàu khu trục, khả năng tấn công của nó tương đối mạnh.

Ngoài ra, họ còn có rất nhiều máy bay trực thăng có khả năng săn ngầm, trên thực tế cũng không thể loại trừ họ vẫn còn có một số tàu ngầm hạt nhân tấn công thường trú, tàu ngầm này trước đây từng triển khai dài ngày ở bờ biển phía tây nước Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công của Nga phân ra làm 2 loại, một loại là tàu ngầm hạt nhân tấn công chống tàu sân bay, còn loại kia là tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình. Hai loại tàu ngầm này tạo ra mối đe dọa to lớn đối với Hải quân Mỹ, đây cũng là lực lượng được Nga triển khai lâu dài ở khu vực Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương, nhưng khả năng chủ yếu triển khai tàu chiến mặt nước là lớn hơn”.

Tàu tuần dương tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga
Tàu tuần dương tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga
Việt Dũng