"Cạnh tranh với Mỹ không khác gì giết địch 1000, tự bị thương 800"

11/09/2012 06:00
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Báo TQ mỉa mai đầy đố kị rằng: Để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Mỹ bắt đầu coi trọng những quốc gia mà có lẽ ngay cả Obama cũng không biết gọi tên này và tăng cường viện trợ cho họ.
Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ
Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ

Tờ “Hoàn Cầu” đăng lại bài viết của tờ mạng tin tức bình luận Hồng Kông mang tên “Mỹ mở rộng cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Theo bài viết, gần đây, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Nam Thái Bình Dương trở thành tiêu điểm quan tâm của quốc tế.

Cạnh tranh giữa Trung-Mỹ hầu như từ các khu vực trọng điểm như khu vực trung tâm châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ Latinh đã triển khai tới khu vực không quan trọng lắm là Nam Thái Bình Dương.

Báo TQ mỉa mai đầy đố kị rằng: Để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Mỹ bắt đầu coi trọng những quốc gia mà có lẽ ngay cả Obama cũng không biết gọi tên này và tăng cường viện trợ cho họ.

Trên thực tế, Mỹ luôn xuất phát từ lợi ích tự thân, một khi phù hợp với nhu cầu chiến lược của Mỹ, Mỹ lập tức tuyên bố khu vực nào đó có tầm quan trọng với Mỹ về chiến lược và kinh tế.

Báo Trung Quốc lấy ví dụ cho rằng, năm 2010, tại Hà Nội, Mỹ tuyên bố vấn đề biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ, tìm cớ để can thiệp vào tranh chấp biển Đông.

Vì vậy, Trung Quốc cần chuẩn bị “hai tay”, vừa phải tiến hành hợp tác với Mỹ trên các phương diện có thể hợp tác, vừa phải “luyện tốt nội công”, một khi phải triển khai cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc có thể có sức mạnh này.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Mỹ.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Mỹ.

Sự coi trọng của Mỹ đối với một số nước hoặc khu vực không tách rời nhân tố Trung Quốc, Mỹ hầu như “theo sát” Trung Quốc trên toàn cầu.

Đối với những nước này, do Trung Quốc coi trọng, cho nên cũng đã dẫn đến sự coi trọng của Mỹ. Một ví dụ trên phương diện này trước đây là châu Phi.

Theo báo Trung Quốc thì “Trung Quốc không muốn tranh giành vai trò ảnh hưởng với Mỹ ở những khu vực này, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào những khu vực này chỉ là do nhu cầu phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc biết rõ cạnh tranh với Mỹ ở những khu vực này không khác gì “giết địch 1 nghìn, tự bị thương 8 trăm””.

Thông qua việc Mỹ tăng cường coi trọng đối với khu vực Nam Thái Bình Dương có thể thấy, Mỹ thúc đẩy chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là “dốc hết sức, triển khai đa diện”.

Như Mỹ tuyên bố bổ sung đầu tư hơn 32 triệu USD đối với khu vực Thái Bình Dương, dùng để phát triển kinh tế khu vực này, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tính đa dạng sinh học biển.

Trước đó, Mỹ đã bắt đầu đóng quân ở Australia, tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực này, muốn thông qua răn đe quân sự để kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng, theo báo Hoàn Cầu, Trung Quốc vẫn đang “làm những việc cần làm”, trước khi tổ chức diễn đàn đảo quốc Thái Bình Dương, Trung Quốc, New Zealand và quần đảo Cook đã công bố “Tuyên bố về chương trình hợp tác cung cấp nước quần đảo Cook”, tập trung hỗ trợ cho việc cải thiện dân sinh của những nước này.

Trên thực tế, trong mấy chục năm tới, Mỹ vẫn sẽ chiếm vị thế chủ đạo trên thế giới, đặc biệt là không có nước nào có thể thách thức vị thế của Mỹ về sức mạnh quân sự, nhưng ưu thế sức mạnh kinh tế sẽ từng bước suy yếu.

Nước có thể tạo thách thức cho Mỹ chính là bản thân Mỹ. Sự tương tác giữa Trung-Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đối mặt với vấn đề chu kỳ ngắn và dài (thời gian ngắn và dài).

Sự giải thích, khơi thông và cân đối về chính sách đối với một vấn đề nóng bỏng nào đó giữa Trung-Mỹ là vấn đề chu kỳ, chẳng hạn sự khơi thông về vấn đề biển Đông, vấn đề biển Hoa Đông, vấn đề Syria, vấn đề Iran chính là vấn đề chu kỳ ngắn của Trung-Mỹ.

Còn những mâu thuẫn mang tính kết cấu như quyền chủ đạo châu Á-Thái Bình Dương, lòng tin quân sự, bán vũ khí cho Đài Loan, xung đột thương mại, thâm nhập thị trường, bản quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái tiền tệ là vấn đề chu kỳ dài trong quan hệ Trung-Mỹ, sẽ ảnh hưởng đến sự tương tác giữa hai nước trong một thời gian dài.

Những nhân tố mang tính kết cấu này sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều. Một vấn đề nào đó sẽ nảy sinh trong một lúc nào đó và gây thăng trầm cho quan hệ Trung-Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ

Đương nhiên, Trung Quốc và Mỹ đạt được đồng thuận quan trọng về việc cùng nỗ lực phá bỏ định luật lịch sử về sự đối đầu, xung đột giữa nước lớn đi trước và nước lớn mới nổi, xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng – đây là một sáng kiến chưa từng có.

Nhìn về lâu dài, loại quan hệ nước lớn kiểu mới cùng chung sống không những có lợi cho hai nước Trung Quốc và Mỹ, mà cũng có lợi cho thế giới.

Cho dù loại quan hệ mới này cuối cùng không thể xây dựng, nhưng trong quá trình tìm kiếm xây dựng quan hệ này, vẫn sẽ hình thành một số cơ chế hoặc chế độ mới.

Báo Hoàn Cầu tự tin khẳng định, Trung Quốc và Mỹ đã là người chủ đạo cục diện kinh tế và an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cũng là người tạo dựng cục diện kinh tế và an ninh châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa là người xây dựng cục diện kinh tế và an nih châu Á-Thái Bình Dương.

Vì vậy, hai nước có trách nhiệm đóng góp (cống hiến) cho việc xây dựng cơ chế kinh tế và cơ chế an ninh châu Á-Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh và thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Các kênh trao đổi giữa Trung-Mỹ đã rất nhiều, đối thoại mang tính cơ chế cũng không thể nói là không nhiều, cũng chỉ có giữa Trung-Mỹ mới có nhiều cơ chế đối thoại như vậy.

Báo Hoàn Cầu cho rằng, sự trông đợi của cộng đồng quốc tế đối với hai nước Trung Quốc và Mỹ là, hai nước cần đóng vai trò “dẫn dắt chứ không phải cản trở, xây dựng chứ không phải phá hoại, cống hiến chứ không phải đòi lấy” đối với cộng đồng quốc tế.

Trung-Mỹ cần xây dựng và phát triển một loại quan hệ tương tác “tích cực chứ không phải tiêu cực, hợp tác chứ không phải đối đầu, tốt đẹp chứ không phải xấu” ở châu Á-Thái Bình Dương, loại quan hệ nước lớn kiểu mới này không những quyết định tương lai của quan hệ hai nước, mà còn sẽ quyết định sự phát triển của tình hình quốc tế và hình thành cục diện quốc tế trong tương lai.

Tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ
Tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)