Chỉ Hà Nội chúng tôi mới có 36 phố phường, 5 cửa ô, ngàn năm văn hiến

30/07/2012 07:03
Độc giả Trần Bằng
(GDVN) - "Chỉ có Hà Nội mới có 36 phố phường, 5 cửa ô và mùa thu ở thủ đô thì thôi rồi, các di tích lịch sử hồ Gươm, hồ Tây... và nét thanh lịch của người HN đi vào thơ ca, đi vào nhạc...", độc giả Trần Bằng nhấn mạnh
Xung quanh câu chuyện về thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng tại Hà Nội đối với khách hàng được lưu thành những danh xấu "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả. Một trong những ý kiến đó là của độc giả Trần Bằng (Hà Nội) bày tỏ, chỉ Hà Nội mới có những phố phường cổ kính, các cửa ô, có mùa thu với những nét đẹp tuyệt vời, cùng với đó những nét thanh lịch của người Tràng An cũng đã đi vào thơ ca, nhạc họa... Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải nguyên văn bài viết này. Mời độc giả cùng theo dõi: Thời gian ngày gần đây, đã có rất nhiều những ý kiến, bày tỏ khác nhau của bạn đọc xung quanh câu chuyện về thái độ, cung cách, nét văn hóa phục vụ theo kiểu "bún mắng, cháo chửi" của không ít chủ nhà hàng ở Hà Nội.
Bờ Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Internet).
Bờ Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Internet).


Cá nhân tôi là một người Hà Nội thấy rằng, việc còn tồn tại những nét văn hóa phục vụ xấu đó đã và đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mảnh đất, con người Thủ đô. Chính thế, mỗi chúng ta, là khách hàng, là người dân chỉ cần sinh sống trên mảnh đất Hà thành này cũng cần phải có trách nhiệm trong việc lên án, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết với những hành vi, nét văn hóa xấu đó. Văn hóa phục vụ của Hà Nội có tốt lên được không phần nhiều do chính khách hàng quyết định mà thành.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ ràng rằng, văn hóa phục vụ ở một số nơi, một số chỗ của Hà Nội có biểu hiện xuống cấp, tiêu cực là đúng nhưng nếu quy chụp sang tất cả cho rằng, khách hàng ở Hà Nội không bao giờ được coi là thượng đế; văn hóa Hà Nội chỉ còn trong phim ảnh... thì không chính xác. Bởi lẽ, hiếm ở đâu có được một thủ đô với ngàn năm văn hiến như Hà Nội. Những nét văn hiến của mảnh đất, con người nơi đây đã được in sâu vào từng danh thắng, từng câu ca trong văn học, tiếng hát... Tôi dám khẳng chắc chắc và tự hào rằng, không có nơi nào trên mảnh đất này mà chỉ ở thủ đô Hà Nội mới có được 36 phố phường tấp nập, nhộn nhịp, với 5 cửa ô đã đi vào lịch sử của dân tộc. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều chất chứa trong đó những ý nghĩa riêng, rất đời thường và dễ nhớ. Người ta đặt tên theo nghề làm ǎn của bà con hàng phố đó cho dễ nhớ. Chỉ là thế thôi nhưng người ta cảm giác như ôm trọn cả Hà Nội khi đọc những dòng cảm xúc viết về phố phường Hà Nội, như cảm nhận được tiếng nói của phố Hà Nội, người Hà Nội. Nếu ai đã có dịp được đọc các tác phẩm "Đường vào Hà Nội" của nhà vǎn Bǎng Sơn rồi "Hà Nội thanh lịch" của nhà vǎn hoá Hoàng Đạo Thuý, thì sẽ thấy hết được các giá trị đằng sau sự cổ kính đó. Ngoài việc cho ta thấy sự sầm uất của một trung tâm kinh tế, cảnh quan đô thị được ngăn cách thực chất bằng rất nhiều các cửa ô nhưng chúng ta thường biết tới 5 cửa ô thì đây, còn là một biểu tượng về những khía cạnh văn hóa phi vật thể. Đó là nơi hội tụ, kết tinh tinh túy của mọi miền hay nói cách khác đó là nơi chứa đựng những nét văn hóa đậm chất thanh lịch, tao nhã trong giao tiếp, cuộc sống của người dân Tràng An - Hà Nội. Hà Nội còn đẹp với những "mùa thu vàng tỏa nắng" mà không đâu có được. Đó là mùa đẹp nhất trong năm, không chỉ là cái nắng vàng tơ mơn man, ấm áp, là bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn mây giữa trưa, là hương quả đầy mời gọi. Hay như một ai đó đã viết mà tôi đọc được, mùa thu Hà Nội khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ đem hương mùa bãng lãng qua các con phố...   Nhưng hơn thế, mùa thu còn đẹp hơn thế, khi nó còn mang giá trị cao cả, đó là đại diện tiêu biểu cho tính cách, nét văn hóa của con người Hà thành, rất nhẹ nhàng, đằm thắm đến mê hồn.
Người con gái Hà Nội (Ảnh: Internet).
Người con gái Hà Nội (Ảnh: Internet).

Đó cũng còn là những di tích lịch sử đã gắn bó với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm qua như Hồ Gươm, Hồ Tây...   Nét đẹp của Hà Nội còn ở chính con người. Người con gái Hà Nội mang những nét đẹp chung của con gái Việt Nam nhưng là cái đẹp không lẫn vào đâu được. Vẻ đẹp của người con gái Hà Nội không chỉ ở bên ngoài mà đẹp từ trong từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ, hành động. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà con gái Hà Nội trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ say sưa với đề tài Hà Nội, với nỗi lòng đau đáu muốn làm gì đó cho Thủ đô khi luôn mang trong mình tình yêu Hà Nội tha thiết.“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An…” Con gái Hà Nội là vậy cũng là đại diện một phần cho cung cách, ứng xử của người Tràng An xưa. Người ta bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào.  Nếu đang mặc quần áo ngắn, quần cộc, áo cánh thì phải “xin lỗi” khách, mà mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách. Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa... Nói ra những điều như trên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, tuy thực tế đang có những nét văn hóa xấu du nhập, làm tạp nham nhưng cái gốc của văn hóa Hà Nội vẫn mang đậm nét thanh lịch, tao nhã, lịch sự. Điều đó đã được minh chứng qua hàng ngàn năm qua và qua những câu ca, tiếng hát vẫn vang vọng mỗi ngày. Và thực sự vẫn vậy, thưa những người lịch sự, Hà Nội của chúng tôi đã có đến cả ngàn năm văn hiến...* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn "chặt chém" trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Trần Bằng