Chỉ thị của Thủ tướng và 33 ngày nóng bỏng vụ cưỡng chế ở Hải Phòng

07/02/2012 06:00
Hải Sơn (tổng hợp)
(GDVN) - Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng ngày càng thu hút dư luận cả nước. Nhất là khi Thủ tướng đã có chỉ thị cho các cơ quan chức năng, vụ việc này đã đến hồi kết.
Tính đến hôm nay, (7/2), là mốc 33 ngày nóng bỏng kể từ khi xảy ra vụ việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng – TP. Hải Phòng dẫn đến vụ việc ông Đoàn Văn Vươn "liều mình" với lực lượng chức năng gây trọng thương 6 người. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ thị: sẽ chủ trì buổi gặp gỡ với các cơ quan chức năng và chỉ đạo trực tiếp sự việc này để có những đánh giá chính xác nhất.

XEM THÊM VỀ VỤ CƯỠNG CHẾ ĐẤT Ở HẢI PHÒNG

Báo Giáo dục Việt Nam tổng hợp lại toàn bộ những phát ngôn của đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, ý kiến của các chuyên gia, chính khách, cựu lãnh đạo, người có trách nhiệm liên quan và người dân theo trình tự thời gian sự việc xảy ra. 

Ngày 5/1: Lực lượng chức năng bị chống đối khi cưỡng chế.

Vào khoảng 7h30 sáng ngày 5/1, trong khi tham gia cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đào Văn Vươn (41 tuổi), 6 chiến sỹ Công an của huyện Tiên Lãng đã bị bắn trọng thương bằng đạn hoa cải và 1 số dụng cụ tự chế khác. Trong số 6 người bị thương có Trưởng công an huyện Tiên Lãng.
Đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng gồm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, bộ đội biên phòng và đại diện các ban, ngành chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 50 ha đất đầm nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả vùng bãi bồi tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Diện tích đất này do Đào Văn Vươn (41 tuổi), trú tại thôn Thúy Nẻo - xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng) thuê. Sau gần 20 năm, hạn thuê đất đã hết nhưng Vươn không chịu bàn giao lại tài sản, không chịu đóng thuế đất trong thời gian dài.
Đây cũng là thông tin ban đầu, xuất hiện trên hầu hết các mặt báo. Nhưng sau đó đã trở thành tâm điểm gây chấn động trong dư luận suốt 33 ngày qua.

XEM THÊM VỀ VỤ CƯỠNG CHẾ ĐẤT Ở HẢI PHÒNG
Ông Quý, ông Vươn bị bắt vì chống đối lực lượng cưỡng chế tại Tiên Lãng - Hải Phòng
Ông Quý, ông Vươn bị bắt vì chống đối lực lượng cưỡng chế tại Tiên Lãng - 
Hải Phòng

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng: “Việc thu hồi 38,5 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại bãi bồi sông Văn Úc, khu vực Cống Rộc, xã Vinh Quang do ông Đoàn Văn Vươn quản lý đến nay đã hết thời gian giao đất theo thẩm quyền” (Người Lao động, 5/1).
“Khu đầm nằm trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tạm thời huyện cho thuê để “phát triển kinh tế-xã hội của địa phương” (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 5/1).

Ngày 6/1: Cơ quan CSĐT CA. TP. Hải Phòng ra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Vươn và những người liên quan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và ra lệnh tạm giữ hình sự ba nghi can liên quan là Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Vệ (em trai Vươn) và Đoàn Xuân Quỳnh (con ruột Vươn).
Ngoài Quý, Nguyễn Thị Thương, 42 tuổi, vợ Vươn; Đoàn Văn Sinh, 55 tuổi, trú tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng; Phạm Thị Báu (tức Hiền), 30 tuổi, là vợ Quý; Đoàn Văn Vệ, 38 tuổi, cháu Vươn, trú tại khu 3, thị trấn Tiên Lãng đã bị bắt giữ (theo CAND).

Ông Đoàn Văn Mễ, trưởng thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, Tiên Lãng: "Gia đình còn nghèo nhưng Vươn vay tiền tỉ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng em trai là Đoàn Văn Quý. Năm 1993, vợ chồng Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Con gái đầu của vợ chồng Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang" (theo Tiền Phong).

Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang: "Để thực hiện "canh bạc" với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang... Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công" (theo Vnexpress).

Ngày 7/1: “Nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật"

Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng: “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính”. “Biên bản thỏa thuận này có thể gây hiểu lầm cho người dân khiến họ coi đó là căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc”, (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 7/1).

“Pháp luật về tố tụng hành chính không cho phép tòa án công nhận thỏa thuận của các bên đương sự. Biên bản thỏa thuận nếu có chỉ là tài liệu để lưu hồ sơ, không được trao cho các bên đương sự vì không phải là căn cứ pháp lý” (theo Tuổi trẻ).

Lãnh đạo huyện Tiên Lãng và TP. Hải Phòng
Lãnh đạo huyện Tiên Lãng và TP. Hải Phòng
XEM THÊM VỀ VỤ CƯỠNG CHẾ ĐẤT Ở HẢI PHÒNG

Thẩm phán Ngô Văn Anh: (Văn bản trả lời khi ông Đoàn Văn Vươn có đơn kiến nghị gửi TAND TP Hải Phòng, ngày 25-6-2010): “Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án… Để được thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi UBND huyện Tiên Lãng”, (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh).

Ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT, đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tiên Lãng: “Nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật” (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 7/1).

UBND huyện Tiên Lãng bội ước với dân?
Ông Vũ Văn Luân - người cùng khởi kiện quyết định của UBND huyện Tiên Lãng như ông Vươn:
"UBND huyện Tiên Lãng đã bội ước với tôi. Sau thỏa thuận ở TAND Hải Phòng, tôi rất tin tưởng chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục giao mảnh đất mà chúng tôi đã gắn bó. Nào ngờ họ đã bội ước, thỏa thuận đặt bút ký vào rồi mà về địa phương thì họ bảo cứ phải giao đất rồi mới giải quyết sau". (Tuổi Trẻ 10/1).
"Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, Thẩm phán Ngô Văn Anh làm việc với tôi. UBND huyện cũng thấy yếu lý nên đồng ý thỏa thuận là chúng tôi rút đơn, đổi lại huyện sẽ không thu hồi, tiếp tục cho thuê đất.
Khi làm việc xong vụ của tôi, đóng dấu vào biên bản là đã hơn 11 giờ. Thẩm phán Ngô Văn Anh tiếp tục làm việc với anh Vươn và đại diện UBND huyện là ông Hè. Cũng như tôi, anh Vươn đồng ý rút đơn và ông Hè đồng ý rằng huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất. Tôi cũng ngồi và chứng kiến cuộc làm việc này.
Tuy nhiên, vì quá muộn, cuộc làm việc ấy không kịp lập và đóng dấu biên bản nên thẩm phán hẹn sẽ gửi biên bản về sau. Chia tay, cả thẩm phán và hai bên đương sự đều vui, hẹn nhau ngày 29-4-2010, được nghỉ lễ, sẽ cùng nhau về chỗ đầm hải sản của chúng tôi uống rượu, hòa giải bắt tay nhau. Xem như cả chính quyền và dân đều nhẹ lòng.
Ngày 28-4-2010, nhớ lời hẹn, tôi và anh Vươn phân công nhau chuẩn bị hậu cần để hôm sau đãi khách nhưng gọi lên huyện để mời thì ông nào cũng cáo bận. Sau đó thì chính quyền quay ngoắt", (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1).

Ông Phạm Công Hùng, Thẩm phán TAND Tối cao:

"Nếu do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên người khởi kiện đồng ý rút đơn kháng cáo, đơn khởi kiện khi trong tay họ chỉ có một biên bản ghi nhận ý kiến của UBND huyện, còn quyết định thu hồi đất của họ vẫn đang tồn tại trên thực tế thì hơn ai hết, chính thẩm phán giải quyết vụ án đó phải phân tích cho họ nắm được hậu quả pháp lý của việc rút đơn để họ cân nhắc, quyết định. Chỉ khi làm được điều đó thì việc giải quyết mới triệt để, đúng pháp luật và công minh", (Người Lao Động, ngày 9/1).

Ngày 8/1: "Cưỡng chế, đồng thuận lòng dân?"

Đại tá  Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an TP. Hải Phòng:

“Năm nay tình hình tội phạm nhìn chung là bình thường, không có vấn đề gì cả, tức là vẫn theo quy luật chung ấy. Chỉ có một điểm đặc biệt nhất là vụ việc ở Tiên Lãng mấy ngày gần đây. Đối tượng của vụ việc này, ban đầu đâu phải là tội phạm”, (theo VnMedia, 8/1).
"Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây rất đồng tình. Tuy nhiên vụ việc có cái dở đó là tổ công tác khá chủ quan, không lường hết được các tình huống. Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế", (theo Vnexpress).

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng:

“Sau khi vụ việc xảy ra, quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân các xã khu vực ven biển huyện Tiên Lãng, rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những người cố tình chống đối”, (theo Tuổi trẻ).
Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng
Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“Chúng tôi khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện là hoàn toàn đúng đắn và đúng thẩm quyền pháp luật” (Giáo dục Việt Nam).

 Ngày 9/1: "Việc thu hồi đất đối với hai hội viên là anh Vươn, ông Luân là trái luật”

Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng: "Việc thu hồi đất đối với hai hội viên là anh Vươn, ông Luân là trái pháp luật.  Đại diện cho chính quyền huyện Tiên Lãng đã ký thỏa thuận với người dân để giải quyết vụ án hành chính có sự chứng kiến của TAND TP nay lại lật lọng với thỏa thuận đó" (theo Người Lao Động, ngày 9/1).

Trong ngày 9/1, trên nhiều trang mạng đồng loạt đăng lại bài viết về công dân Đoàn Văn Vươn trên báo Đời sống và Pháp luật, tháng 7/2010.
"Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản" (Đời sống và Pháp luật, tháng 7/2010).
 "Khoảng năm 1992, sau khi nhận bằng kỹ sư nông nghiệp, Đoàn Văn Vươn trở về địa phương thực hiện hành trình lấn biển. Cả đại gia đình đã cật lực lao động trong nhiều năm trời. Họ đã đào đắp hàng chục ngàn mét khối đất, đá tạo hành lang bảo vệ để lấy đất khai thác, nuôi trồng thủy sản. Vừa lấn biển, chỉnh trị thủy triều vừa kiên trì trồng từng bụi sú vẹt để từ bãi triều mênh mông giờ đã thành rừng ngập mặn là tấm khiên phòng hộ, che chắn cho con đê. 
Cuối cùng, ông Vươn đã chỉnh được dòng chảy ngoài đê biển Cống Rộc. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2 m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Từ đó, hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển hình thành. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Dân Tiên Lãng gọi Vươn là "anh hùng lấn biển", (theo Người Lao Động, 9/1).

Ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang:

Tôi thấy huyện ra quyết định thu hồi đất không thỏa đáng. Cả cuộc đời cậu ấy cùng mấy anh chị em bỏ ra bám biển sao không giao tiếp cho cậu ấy để người ta làm ăn trả nợ trả nần. Tòa đã hòa giải rồi, hứa hẹn cho thuê tiếp rồi mà lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi là không cần thiết. Cần giải quyết bằng đối thoại chứ sao lại đối đầu như thế. Bây giờ cho máy móc phá tan nhà hai tầng của anh em cậu ấy khiến cho dân thắc mắc, xì xào khắp nơi (theo Người Lao Động, ngày 9/1).

Ngày 10/1: “Quan hệ giữa chính quyền, công an, tòa án với người dân có nhiều vấn đề”

Ông Phan Văn Thọ, Cục phó Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Tổng cục Quản lý đất đai:

"Trong vụ việc này thấy rõ là người dân bức xúc. Cần phải tìm hiểu là do đâu. Vụ việc này có những vấn đề "bên trong" nhưng chưa biết được. Việc cưỡng chế thu hồi đất có thể chỉ là nguyên nhân ban đầu thôi! Đằng sau sự chống đối tiêu cực của người dân là gì, điều này thì chưa rõ. Giờ bàn luận là rất khó! Hơn nữa đã thành vụ án rồi, nên vụ việc rất phức tạp. Hiện ở một số nơi, quan hệ giữa chính quyền, công an, tòa án với người dân có nhiều vấn đề" (theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 10/1).

Luật sự Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

“Tôi đã đi nhiều "điểm nóng" về khiếu kiện, thu hồi đất đai nhưng chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân (cả người liên quan và không liên quan đến vụ việc) với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này”, (Giáo dục Việt Nam).
Các vấn cưỡng chế ở Tiên Lãng gây sự chú ý của dư luận
Các vấn cưỡng chế ở Tiên Lãng gây sự chú ý của dư luận
"Trong thời gian về tận địa phương tìm hiểu sự việc, đoàn chúng tôi tiếp xúc với 11 người không hẹn trước, trong đó có những đảng viên lão thành, có người nguyên là bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, có người có đất bị thu hồi, có những người không có liên quan gì... Tất cả họ đều không tán thành với việc làm của chính quyền nơi đây. Người dân cho rằng chính quyền có những xử lý trái đạo lý, trái luật pháp. Có nhiều người nói đây là vụ việc bất bình thường", (theo Dân Việt).
"Trong trường hợp này, phải xem khu đất được giao có phải là đất khai hoang, phục hóa không. Nếu đúng vậy, cần phải tìm hiểu quy định về công nhận đất khai hoang của UBND TP.Hải Phòng. Thông thường, ở một số địa phương, chính quyền có thể công nhận toàn bộ diện tích đất khai hoang của các cá nhân, tổ chức đã bỏ công sức, tiền của để khai hoang, phục hóa đất đưa vào sản xuất" (theo Thanh Niên, 10/1).

 Ngày 11/1: "Ông Vươn không phải người tốt, nói đúng ra không có công lao gì"

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng: "Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội" (theo Vnexpress, 11/1).

"...Người ta nói như thế mình cũng phải lưu ý là khi làm cái gì thì làm cũng phải có ý kiến của chính quyền địa phương một chút..." (trích phát biểu của ông Ngô Ngọc Khánh), (theo Dân Việt, 11/1).

Những phát biểu của lãnh đạo TP. Hải Phòng, huyện Tiên Lãng gây ra nhiều tranh cãi?
Những phát biểu của lãnh đạo TP. Hải Phòng, huyện Tiên Lãng gây ra nhiều tranh cãi?

Cũng theo Thanh Niên đưa thông tin về ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng: "Tôi không nắm đầy đủ về luật nhưng địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để giao thấp hơn, 4 năm, 5 năm, 10 năm... miễn là không quá 20 năm. Khi ký vào các văn bản giao đất, các chủ đầm đã đồng ý là hết thời hạn thì phải bàn giao lại cho huyện, không đòi bồi thường".

Phóng viên muốn tác nghiệp tại thực địa phải xin phép?
Một số phóng viên lấy máy ảnh ra ghi hình. Được một lúc bất ngờ xuất hiện một người đi từ trong khu đầm ra xưng là Vũ Hồng Lâm, SN 1970 - Công an viên xã Vinh Quang, và yêu cầu các phóng viên không được ghi hình khi chưa được sự cho phép của ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện, vì ông Hiền có chỉ thị bằng văn bản về việc này. Tiếp đó, một đối tượng tên Khương, phóng xe lên, quệt vào một phóng viên. Vừa dừng xe lại đối tượng này cũng yêu cầu phóng viên không được ghi hình khi chưa có lệnh của chủ tịch... (Dân Việt, 11/1)

Ngày 12/1: “Do sơ suất trong việc nghiên cứu và trả lời đơn khiếu nại của công dân nên thẩm phán này đã có sự nhầm lẫn”

Ông Phạm Vũ Thư, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng:

"Tôi còn bận rất nhiều việc nên chưa thể trả lời về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn. TP còn nhiều việc quan trọng". "Anh mời cơm chứ làm việc thì anh không thể làm việc được ngay, chưa thể trả lời, phải có lịch làm việc. Có phải người phát ngôn lúc nào cũng bố trí để trả lời được ngay đâu", (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1).

Ông Phạm Văn Phích, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng:

"Do sơ suất trong việc nghiên cứu và trả lời đơn khiếu nại của công dân nên thẩm phán này đã có sự nhầm lẫn: Một, giữa ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng; hai, ông Vũ Văn Luân cũng kiện UBND huyện Tiên Lãng về quyết định thu hồi đất", (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1).

Ông Lê Quốc Dung, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

"Chúng ta cần phải thông tin đến người dân, cán bộ chính quyền địa phương để họ hiểu đúng về Luật Đất đai. Không phải đến năm 2013 là thu hồi và chia lại. Đến thời điểm đó, nếu chính sách đất đai vẫn tiếp tục như hiện nay, người nông dân vẫn có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì họ vẫn được sử dụng", (theo Dân Việt, 12/1).
"Thẩm phán Ngô Văn Anh - người thừa quyền Chánh án đã nhầm lẫn giữa trả lời khiếu nại của ông Vũ Văn Luân (một chủ đầm tôm xã Quang Vinh cũng thuê đất nuôi trồng thủy sản) thành trả lời khiếu nại dành cho ông Vươn, (theo Dân trí).
Sau khi sự việc xảy ra, quần chúng nhân dân rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh những người cố tình chống đối, coi thường pháp luật, (Cổng Thông tin Điện tử huyện Tiên Lãng).
Hải Phòng thừa nhận cưỡng chế 'quá tay'
Sau nhiều lần từ chối cung cấp thông tin với báo chí, sau một tuần xảy ra cưỡng chế, Hải Phòng đã chính thức tổ chức cuộc họp báo về vụ cưỡng chế đầm tại hộ Đoàn Văn Vươn vào chiều ngày 12/01/2012.
Mặc dù rất nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí bị né tránh trả lời, nhưng cuối cùng, Hải Phòng cũng thừa nhận đã “cưỡng chế quá tay” vụ thu hồi đầm của Đoàn Văn Vươn (theo Vietnamnet).

Ngày 13/1: “Thời hạn giao đất cho ông Vươn đến năm 2017 mới hết hạn”

 Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng:
"Các quyết định giao đất đều đã quy định rõ hết thời hạn chủ sử dụng phải bàn giao không được bồi thường" "Huyện thu hồi không bồi thường căn cứ theo Điều 38 Luật Đất đai" (theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 13/1).

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường:

"Luật Đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Chính quyền địa phương không thể làm trái luật. Nếu trong quyết định của UBND huyện Tiên Lãng ghi là 14 năm thì phải coi như là giao cho người dân trong 20 năm, tính từ ngày ký, tức là năm 1997. Trong quyết định ghi tính từ năm 1993 là không đúng quy định. Như vậy, thời hạn giao đất cho ông Vươn đến năm 2017 mới hết hạn". 
"Phá nhà vì khi đó đối tượng cố thủ và tấn công lại lực lượng cưỡng chế "
Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang:
"Có thể vị trí nhà bị sập nằm trong phần diện tích 21 ha chưa bị cưỡng chế nhưng đây là địa điểm xảy ra vụ án", (theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1).
Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng:
"Ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế. Lúc đó căn nhà bị đập là "áp dụng các biện pháp...". (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)
"Vì đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp"  "đến giờ chúng tôi còn chưa rõ khu vực này còn mìn hay không", (theo Vnexpress, 12/1).
"Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế nhưng đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà", (Người Lao Động, 13/1).
"Có xảy ra việc cưỡng chế khu vực nằm ngoài diện tích có trong quyết định cưỡng chế. Mặc dù ngôi nhà này không nằm trong diện tích cưỡng chế thu hồi đất theo Quyết định 461, nhưng do ngôi nhà này đã xảy ra vụ tấn công vào lực lượng cưỡng chế, là địa điểm xảy ra việc phạm tội nên cơ quan chức năng của H.Tiên Lãng phải sử dụng biện pháp phá ngôi nhà" (theo Vietnamnet, 13/1).

Ngày 14/1: “Chúng tôi xem đây là bài học lớn”
Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

"Chúng tôi rất đau lòng về sự việc xảy ra hôm cưỡng chế. Chúng tôi xem đây là bài học lớn. Chúng tôi đã có một phần chủ quan, nghĩ là cưỡng chế dễ dàng nhưng không ngờ lại gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân. Nếu sau này thực hiện các cuộc cưỡng chế, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ càng và chu đáo hơn", (theo Dân Trí, 14/1).

Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn:

"Để có được thành quả như hiện nay, chồng tôi đã phải vay nợ ngân hàng cũng như người thân nhiều tỷ đồng, đặc biệt là sự trả giá cho việc mất đi đứa con gái đầu lòng vào năm 2001 tại khu đầm nơi chồng tôi và những người thân lao động nuôi trồng thủy sản..." (Dân Trí, 14/1).
 Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam khoá 2002 - 2007:
"Nếu Đoàn Văn Vươn là một người lương thiện được người dân địa phương quý mến, vậy lý do gì khiến anh ta phải có hành vi tiêu cực như vậy. Điều này cần khẩn trương làm rõ. Thứ hai, tại sao sự việc lại để kéo dài nhiều năm, tại sao có sai sót mà không quản lý được, phải chăng chính quyền địa phương có sự buông lỏng quản lý. Gần hai chục hecta chứ đâu phải nhỏ như chiếc chén" (Giáo dục Việt Nam, 14/1).

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

"Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước" (Tuần Việt Nam, 14/1).
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ông Vũ Mão
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ông Vũ Mão

Ngày 15/1: Chỉ thị của Thủ tướng

Liên quan đến vụ cưỡng chế tại Hải Phòng có nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, ngày 15/1/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Ngày 16/1: “Xu hướng lạm dụng lực lượng vũ trang trong cưỡng chế hành chính, nhất là khi liên quan đất đai”

TS Hoàng Ngọc Giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam):

"Điều nữa tôi cũng rất lo ngại là phía chính quyền, những người thực thi công vụ, đang có xu hướng lạm dụng lực lượng vũ trang trong cưỡng chế hành chính, nhất là khi liên quan đất đai" (theo Tiền Phong).

Đại ta Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an TP. Hải Phòng:

"Công an Hải Phòng đã tham gia  hàng trăm vụ cưỡng chế, đều đạt kết quả tốt. Nhưng có phương pháp đúng là mọi việc êm đẹp ngay. Kể cả khi đối tượng đã tỏ thái độ chống đối rồi thì giải thích, thuyết phục vẫn có thể đem lại kết quả.
Nhà của Đoàn Văn Vươn bị phá hủy
Nhà của Đoàn Văn Vươn bị phá hủy

Bản chất vấn đề là bảo vệ lợi ích. Mà đã gọi là lợi ích thì sẽ có thiệt, hơn. Lấy lời phải ra mà khuyên giải họ, dẫu có không đạt được sự quy phục ngay thì cũng sẽ hiệu quả trong việc giảm bớt mức độ chống đối.
Từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính. Tôi xin nhắc lại lần nữa là không thể coi đối tượng giải phóng mặt bằng là tội phạm, đừng để họ đối đầu với mình khi không cần thiết" (theo Công an Nhân dân, 16/1).

Ngày 17/1: "Lực lượng cưỡng chế không phá mà do nhân dân bất bình phá nhà ông Vươn"

 Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng:

"Lực lượng cưỡng chế không phá mà do nhân dân bất bình (với hành vi, thái độ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn - PV) nên đã phá" (theo Đất Việt, 17/1).
 "Đây chỉ là gian nhà xây lên để trông coi. Sau khi vào, tổ công tác cần rà phá bom mìn cho cả khu vực có tìm được vũ khí, vật liệu nổ. Tổ định không phá nhưng do nhân dân bất bình nên phá vỡ" (Sài Gòn Tiếp Thị, 17/1).

"Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do nhân dân bất bình nên vào phá, chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này" (theo Dân Việt).

Ngày 18/1: Lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế đất Hải Phòng

Tại cuộc họp sáng 18/1, một số ý kiến băn khoăn về cách làm của huyện Tiên Lãng từ khâu giao đất đến thu hồi, cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng như các hộ dân khác. Đoàn liên ngành gồm Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Trung ương MTTQ Việt Nam...
Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, các ý kiến thống nhất nhận định vụ việc không còn là chuyện riêng của Tiên Lãng hay Hải Phòng mà là mối quan tâm chung của cả nước. Vì vậy, cần lập đoàn giám sát tại địa phương.
Theo ông Kim, đoàn sẽ làm rõ nhiều nội dung. Hành vi nổ súng, chống người thi hành công vụ của gia đình ông Vươn là sai, song Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét và cho ý kiến về các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ. Đặc biệt, đoàn sẽ dành thời gian để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, sử dụng cho đến thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (theo VnExpress).
Dân chứng kiến lực lượng  cưỡng chế phá nhà ông Vươn
Anh Nguyễn Bách Khải ở xóm Chùa Dưới bày tỏ: "Hôm đó, chúng tôi ra đê xem còn bị công an ngăn cấm, hỏi sao dân xuống được khu vực trang trại của ông Vươn. Nói dân phá nhà ông Vươn là nói nhắng. Các ông ấy nói thế là các ông ấy làm giảm lòng tin của dân vào chính quyền" (Giáo dục Việt Nam).
.Ngày 19/1: Dân “phản pháo” bị đổ lỗi phá nhà Đoàn Văn Vươn và quan chức hưu trí lên tiếng

Ông Nguyễn Duy Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Quang:

"Nhà của ông Vươn là do lực lượng chức năng dùng máy xúc phá" (Người Lao Động, 19/1).
 Ông Vũ Hồng Khê (thôn Đông Dưới, xã Vinh Quang):
"Việc của ông Vươn không chỉ là chuyện riêng của xã Vinh Quang mà Nhà nước cần vào cuộc, làm rõ. Chính quyền lại dùng máy xúc san phẳng nhà dân rồi để người lạ đến chia "chiến lợi phẩm" từ gà chó, chặt chuối đến cả việc bắt cá tôm. Dân bất bình lắm", (theo Người Lao Động, 19/1).

Lực lượng cưỡng chế ngày 5/1
Lực lượng cưỡng chế ngày 5/1

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước:

"Bảo dân làm việc đó là không có. Dân đâu có quyền, mà dân không bao giờ làm được", (Giáo dục Việt Nam, 19/1)
 GS.Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
"Nói và làm phải căn cứ trên luật chứ đừng có nói linh tinh, tại sao một cán bộ ở tầm của Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà lại nói lăng nhăng như thế được? Cần phải hỏi cho rõ là vị lãnh đạo này của Hải Phòng nói như vậy là căn cứ vào điều luật nào, hay là anh tự nghĩ ra?" (Giáo dục Việt Nam, 19/1).

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng):

"Nếu chính quyền địa  phương không ra lệnh, thì không ai dám phá nhà người khác. Với những người hiểu về pháp luật, không khó gì trong việc tìm ra cái sai của chính quyền địa phương. Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình" (Giáo dục VN, 19/1).

Ngày 22/1: Các lực lượng và “người lạ” mới rút khỏi khu vực đầm của gia đình ông Vươn?

Bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý, em ông Vươn, cho biết đến hết ngày 22-1 (29 tháng chạp), các lực lượng và “người lạ” mới rút khỏi khu vực đầm của gia đình ông Vươn, nơi chưa có quyết định cưỡng chế (21 ha). “Sau khi họ rút đi, gia đình tôi mới dám ra dựng lều ở ngoài đầm, nơi ngôi nhà đã bị san phẳng, để ở tạm giữ đầm” - bà Hiền cho biết.
Người thân Đoàn Văn Vươn không được nhận quà Tết 2012
Người thân Đoàn Văn Vươn không được nhận quà Tết 2012

Trả lời về việc này, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, ông Lê Văn Liêm (em trai Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền), khẳng định: “Chẳng có chuyện thu hồi đầm mà trả lại…” (?). Trong khi đó, bà Hiền cho biết tôm, cá, cua giống và chuối… ở trong khu vực đầm của gia đình sắp đến lúc thu hoạch đã bị những “người lạ” vơ vét. Đó là tài sản cuối cùng sau bao năm đổ công sức gầy dựng của gia đình bà (theo Người Lao động).

Ngày 28/1: Một luật sư bào chữa miễn phí cho nhà ông Vươn

Ngày 28/1, luật sư Nguyễn Duy Minh, Văn phòng Luật sư Duy Minh (quận 1 - TPHCM) cho biết đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thương đề nghị bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chồng bà là ông Đoàn Văn Vươn. Ông Vươn bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng khởi tố về tội “Giết người” do liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
 Ngày 31/1: "Sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó”
 Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:
"Từ khi sự việc bị những kẻ côn đồ sử dụng vũ lực thì chưa ai hỏi thăm những người bị thương trong vụ cưỡng chế mà chỉ đưa ra các "tiểu tiết" thể hiện huyện Tiên Lãng toàn cường hào, ác bá" (Người Lao Động, 31/1)

Ngày 30/1: "UBND huyện đổi cho dân phá nhà Đoàn Văn Vươn?"

"TP chưa khẳng định người dân bức xúc phá nhà hay chính quyền phá nhà dân mà theo báo cáo ban đầu của huyện Tiên Lãng là người dân phá." (Tuổi Trẻ, 30/1).

Ngày 1/2: "Dân phá nhà ông Vươn do bức xúc?"

"Nguyên văn câu nói đầy đủ của tôi là: theo báo cáo của UBND huyện Tiên Lãng gửi lên UBND TP Hải Phòng, việc phá nhà ông Vươn là do một số người dân bức xúc. Một số tờ báo đã dẫn không đầy đủ ý này của tôi. Điều này làm tôi rất buồn" (theo VTC, 1/2).

Bà Nguyễn Thị Hiếu ở xóm Kỳ, Vinh Quang:

"Ngay chiều 5/1, công an và một số lực lượng khác tiến hành đốt lều của nhà ông Vươn, khói ngập khu đầm. Hôm sau, họ lại đưa máy cẩu ra phá hủy toàn bộ khu nhà, công an cũng có mặt ở đó. Các ông ấy nói thế oan cho dân chúng tôi quá" (VTC, 20/1).

Chính quyền nói: Nhà ông Vươn bị phá do dân bức xúc?
Chính quyền nói: Nhà ông Vươn bị phá do dân bức xúc?

Anh Nguyễn Bách Khải ở xóm Chùa Dưới, Vinh Quang:

"Hôm đó, chúng tôi ra đê xem còn bị công an ngăn cấm, hỏi sao dân xuống được khu vực trang trại của ông Vươn. Nói dân phá nhà ông Vươn là nói nhắng. Các ông ấy nói thế là các ông ấy làm giảm lòng tin của dân vào chính quyền" (VTC, 20/1).

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

"Sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước" (Tuần Việt Nam 14/1).
"Không có dân thì không thể có nước. Chỉ cần mỗi tỉnh có 1 huyện xảy ra vụ việc như thế này, thì đất nước ta sẽ trở thành gặp nguy hại như thế nào?" (Giáo dục Việt nam).

Ngày 1/2: "Phải hỏi huyện, xã không nắm được"

Ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch xã Vinh Quang (em trai ông  Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Tiên Lãng):

"Nhà của ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Việc nhà ông Quý bị giật sập và huy động máy xúc để cưỡng chế thì "phải hỏi huyện, xã không nắm được" (Giáo dục Việt Nam).
Về vụ trộm cá trong đầm "Việc này lực lượng công an xã không báo cáo nên chính quyền xã không nắm được. Hôm nay các đồng chí nói thì tôi mới biết" (theo Tuổi Trẻ, 1/2).
 Ông Vũ Đức Bốn, trưởng Công an xã Vinh Quang:
"Không có sự việc đầm nhà ông Vươn bị mất trộm cá. Gia đình ông Vươn đã tự te kích điện đánh bắt cách đây một tháng trước khi cưỡng chế. Không thấy anh em làm nhiệm vụ quản lý tại đầm báo cáo lại sự việc mất trộm cá này...". (Tuổi Trẻ, 1/2).

Ngày 2/2: "Ai sai sẽ xử lý người đó"

Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

"Công an trong lực lượng cưỡng chế không được lệnh phá. Và CBCS công an không phá căn nhà vì sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi, có lực lượng công an khác đến ghi nhận hiện trường rồi cũng rút chứ không phá gì cả. Hiện trường còn lại thuộc trách nhiệm của huyện." (Giáo dục Việt Nam, 2/2).
"Tôi không ra lệnh anh em phá dỡ nhà của hai đối tượng Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý", (theo Vietnamnet, 2/2).

Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng:

"Sẽ không bao che cấp dưới. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật trong vụ cưỡng chế đất đầm của Đoàn Văn Vươn sẽ được xử lý nghiêm theo pháp luật" (Vietnamnet, 2/1).

Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng (ảnh internet)
Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng (ảnh internet)

"Quan điểm của tôi rõ ràng, cứ theo luật mà làm. Ai sai thì xử lý người đó, còn việc chống người thi hành công vụ thì phải xử lý. Nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan nào, cá nhân nào thì cũng xử lý, không bao che. Đúng thì phải khẳng định, sai đến đâu xử đến đấy, đồng chí nào sai thì phải xử lý theo sai phạm đó", (theo Vnexpress, 2/1).

Ngày 3/2: "Chúng tôi lấy làm tiếc..."

Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng:

"Chúng tôi cho rằng sự việc ở Tiên Lãng là đáng tiếc, do việc tổ chức cưỡng chế làm không thật cẩn thận, không chu đáo và chọn thời điểm chưa thích hợp. Lãnh đạo thành phố trong những cuộc họp gần đây đã rút kinh nghiệm trong chỉ đạo các cấp, các ngành để không xảy ra những chuyện tương tự. Câu chuyện thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng là câu chuyện hằng ngày đối với Hải Phòng trong quá trình đầu tư, mở rộng và phát triển.Sự việc xảy ra ở Tiên Lãng là một bài học quan trọng đối với thành phố cũng như các cấp: Chúng ta phải dựa vào cơ sở luật pháp nhưng cũng phải trao đổi, làm rõ thấu tình đạt lý để hợp lòng dân." (theo VOV, 3/1).

Ngày 4/2: "Quan chức hưu trí nhầm lẫn"

Ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng:

"Ở đây có một sự nhầm lẫn. Thậm chí cả một số quan chức ở trung ương về hưu vẫn cứ nói đây là đất sản xuất nông nghiệp nên phải giao cho người ta 20 năm".
"Không thể nói ông Vươn có công lớn bảo vệ đê điều và đầu tư trồng cây nắn dòng chảy nên không bị vỡ đê. Người ta nói ông ấy đóng góp nhiều là hoàn toàn không đúng. Huyện giao từ năm 1993, 7 năm đầu ông ấy không phải đóng bất cứ một thứ gì. Còn từ năm 2000 đến giờ đã 12 năm, tất cả ông nộp có 48 triệu đồng, chủ yếu là môn bài.
Lãnh đạo huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng nói: "Quan chức hưu trí hiểu nhầm"
Lãnh đạo huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng nói: "Quan chức hưu trí hiểu nhầm"
Ông ấy cho một người ở gần đó thuê có 6 ha mà mỗi năm ông ấy thu 30 triệu đồng. Người dân Vinh Quang mà phải thuê đầm của một người ở nơi khác. Một năm ông ấy không làm gì cũng có ít nhất 20 triệu đồng. Huyện chỉ có yêu cầu là phải chuyển sang đất cho thuê theo Luật Đất đai năm 1993 thế nhưng ông ấy không muốn thuê.
Thế mà ngày hôm qua, ông Đặng Hùng Võ lại vẫn còn từ Hà Nội không xuống dưới đây xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn như thế", (theo Pháp luật TP HCM, 4/1).

5/2: Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng trả lời rõ ba việc:

Thứ nhất: Việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cá nhân nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, cách thức tiến hành cưỡng chế có đúng không, sai ở điểm nào? Nếu sai, ai chịu trách nhiệm?
"Tinh thần chung là xử lý đúng pháp luật. Tất cả các tổ chức, cá nhân nào đúng, sai đều công khai, minh bạch trách nhiệm, sai đến đâu, xử lý đến đấy. Kết quả cuộc họp này cũng sẽ được cung cấp thông tin công khai cho báo giới". Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam truyền đạt tinh thần của Thủ tướng, (theo Vietnamnet, 5/1).


Đại tá  Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng: "Đây là việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay"
Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. 
Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả, (theo VnMedia).
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội:
Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng "vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng", tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP. Ông Ca dùng các cụm từ "rất là hay", "rất là đẹp" nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.



Thông tin hấp dẫn:

Cô gái bị xăm rết

Quan chức chơi cờ tiền tỷ

Những con đường đầy bao cao su

Bạo hành dã man ở Vĩnh Phúc

Bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản TƯ

Lạc vào thế giới đêm Hà Thành

Điều kỳ diệu về cụ rùa Hồ Gươm

Những câu chuyện ở Trường bắn

Chọc gậy bánh xe

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Tra tấn ôsin dã man

Sát thủ Lê Văn Luyện

Các chùm ảnh: Hay, đặc sắc

Hình ảnh cực độc chỉ có ở Việt Nam

Hình ảnh ghi tư các lễ hội Việt Nam

Hình ảnh cực độc: Ngộ nghĩnh như trẻ em




Hải Sơn (tổng hợp)