Chosun: Trung Quốc hãy thận trọng với hậu quả tham vọng lãnh thổ

28/09/2012 09:10
Anh Vũ (Nguồn Chosun Ilbo)
(GDVN) - Bắc Kinh phải nhận ra rằng các hành động của mình đang khiến các nước láng giềng bị đe dọa sẽ tạo thành một liên minh chống Trung Quốc.

Ngày 28/9, tờ Chosun Ilbo có bài xã luận về vụ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Seoul về dải đá ngầm Ieodo. Tờ báo cho biết, Cục Quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã công bố vào tháng 3 năm nay rằng dải đá ngầm đảo Ieodo nằm trong số những nơi được các tàu tuần tra và máy bay giám sát theo dõi.

Đây là bãi ngầm nằm trong khu vực chồng lấn của vùng đặc quyền kinh tế Hàn Quốc và Trung Quốc. Hôm Chủ nhật (ngày 23/9), Trung Quốc tuyên bố chương trình triển khai các máy bay không người lái là một phần trong hệ thống điều khiển từ xa để giám sát hòn đảo.

Trạm nghiên cứu khoa họccủa Hàn Quốc ở bãi đá Ieodo.
Trạm nghiên cứu khoa họccủa Hàn Quốc ở bãi đá Ieodo.

Bãi đá Ieodo nằm cách 149 km về phía tây nam của hòn đảo cực nam Mara của Hàn Quốc, trong khi hòn đảo của Trung Quốc gần nhất là Xà Sơn ngoài khơi bờ biển Thượng Hải, cách đó 287 km. Mặc dù các vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc và Trung Quốc bao gồm cả dải đá nhưng Hàn Quốc tuyên bố khu vực này thuộc thẩm quyền của mình. Hàn Quốc đã tuyên bố vùng biển xung quanh bãi đá Ieodo là một phần lãnh thổ của mình vào năm 1952 và xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học vào năm 2003.
Trong 16 năm qua, Hàn Quốc đã kêu gọi Trung Quốc làm rõ biên giới trên biển giữa hai bên ở vùng biển phía nam của đảo Jeju, nhưng Bắc Kinh đã trì hoãn các cuộc đàm phán cho đến bây giờ. Sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc làm rõ ranh giới nhằm mục đích bảo vệ các ngư dân Trung Quốc đang đánh bắt ở vùng biển này.

Tuy nhiên, trong năm 2006, Trung Quốc đột nhiên đặt tên là cho đảo Ieodo là "Suyan Rock" (đá Tô Nham). Năm ngoái, khi một tàu Hàn Quốc cố gắng cứu hộ một tàu bị chìm ở đó, Trung Quốc đã phái một con tàu công vụ chính phủ đến và tuyên bố khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Bản đồ vị trí dải đá ngầm Ieodo.
Bản đồ vị trí dải đá ngầm Ieodo.

Hiện giờ, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các tàu tuần tra hải quân và thậm chí cả máy bay không người lái để theo dõi khu vực một cách thường xuyên. Tờ Chosun Ilbo cho rằng, rõ ràng họ muốn biến nơi này thành vùng tranh chấp. Động thái của Trung Quốc xuất phát từ tham vọng muốn giành quyền kiểm soát các vùng biển trải dài từ biển Hoàng Hải và kéo qua Hoa Đông xuống đến Biển Đông). 

Trong mùa hè năm nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield, quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough ở Biển Đông thuộc chủ quyền của mình và điều binh lính tới một số khu vực. 
Trung Quốc cũng đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông đối với nhóm đảo Senkaku. Đài Loan cũng liên quan đến tranh chấp, khi các tàu Đài Loan và Nhật Bản phun vòi rồng đáp trả nhau ở vùng biển xung quanh các hòn đảo hôm thứ Ba (25/9).
Tờ Chosun Ilbo cảnh báo, chính phủ Trung Quốc nên suy nghĩ thận trọng về hậu quả tham vọng lãnh thổ của mình, đó là một biểu hiện của sức mạnh ngày càng tăng trên trường quốc tế. Bắc Kinh phải nhận ra rằng các hành động của mình đang khiến các nước láng giềng bị đe dọa sẽ tạo thành một liên minh chống Trung Quốc.
Không thể nói về những gì Trung Quốc sẽ làm tiếp theo. Bài xã luận nhận định, chính phủ Hàn Quốc không nên lãng phí thời gian trong việc kết thúc các cuộc đàm phán đặc quyền kinh tế với Trung Quốc để có thể bảo vệ chủ quyền trên biển của Hàn Quốc. Đồng thời, cần tăng tốc độ xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju, không xa dải đá Ieodo, vốn đã bị chậm lại vì sự phản đối từ phe cánh tả.
Anh Vũ (Nguồn Chosun Ilbo)