Chương trình chính thì cắt giảm, sao những môn thu tiền lại giữ nguyên?

05/05/2020 06:36
Mai Hoa
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Cắt giảm chương trình chính nhưng lại vẫn học môn không chính thức (những môn thu tiền của học sinh) thì thật là khó hiểu!

Hiện nay ở nhiều địa phương, học sinh đang được học 2 buổi/ngày.

Thế nhưng đây chỉ là chương trình khuyến khích của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho những tỉnh thành có đủ điều kiện về cơ sở vật chất.

Nhiều địa phương đang áp dụng dạy học 2 buổi/ngày (Ảnh minh họa của Báo Người lao động)
Nhiều địa phương đang áp dụng dạy học 2 buổi/ngày (Ảnh minh họa của Báo Người lao động)

Còn chương trình chính thức của Bộ Giáo dục đang được áp dụng rộng rãi vẫn là học 1 buổi/ngày với tất cả các bậc học.

Để triển khai việc dạy và học 2 buổi/ngày, các địa phương đã tổ chức thu tiền từ phụ huynh.

Mức thu dao động từ 50-200 ngàn đồng/tháng/học sinh.

Do học buổi 2 chỉ là khuyến khích nên chưa có nội dung học tập bắt buộc như chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục quy định.

Như việc, học sinh học những môn gì? Thời lượng từng môn học? Không có quy định nên “trăm hoa đua nở” theo chỉ đạo riêng của từng địa phương.

Có nơi hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ để dạy ngoại ngữ tăng cường, thuê mướn các trung tâm về dạy kỹ năng sống tuần từ 2-4 tiết, dạy luyện viết của địa phương (chủ yếu để bán vở luyện viết một sự đầu cơ của một nhóm lợi ích chứ chẳng mấy tác dụng gì).

Trường lại chú trọng dạy thêm âm nhạc, mỹ thuật, luyện toán, tiếng Việt, tin học... Vì thế, không ít phụ huynh cho rằng, chương trình học buổi 2 chẳng khác gì việc học thêm nhưng là kiểu học thêm hợp pháp.

Chương trình chính đã cắt giảm sao vẫn học những môn thu tiền?

Chương trình chính thì cắt giảm, sao những môn thu tiền lại giữ nguyên? ảnh 2
Dạy học 2 buổi/ngày thế nào để phụ huynh đồng tình?

Nay, do phòng chống dịch Covid-19, học sinh đã nghỉ học quá dài, để đảm bảo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản khá nhiều nội dung kiến thức.

Thế nên nhiều câu hỏi được đặt ra: “Học sinh có còn phải đi học 2 buổi/ngày nữa không?”;

“Nếu vẫn bố trí tiếp tục học 2 buổi/ngày, hóa chẳng phải nội dung học chính khóa phải giảm tải còn nội dung học thu tiền vẫn giữ nguyên hay sao?”

Bạn Nguyễn Thanh Huê tại tỉnh Hải Dương cho biết: “Hiện học sinh vẫn học môn luyện viết (của địa phương), trong khi đó môn chính tả (môn chính) của chương trình chính khóa thì bị cắt giảm 1 tiết.

Môn toán , tiếng Việt nhiều nội dung đã được tinh giản nhưng nhà trường vẫn bố trí học sinh học môn Kĩ năng sống. Cắt giảm chương trình chính nhưng lại vẫn học môn không chính thức (những môn thu tiền của học sinh) thì thật là khó hiểu!  

Ngoài tỉnh Hải Dương, một số tỉnh thành phía Nam vẫn duy trì học 2 buổi/ngày. Và tình trạng, môn chính khóa đã bị tinh giản nhưng học sinh vẫn phải học những môn có thu tiền.

Trường dạy 2 buổi/ngày sao không thực hiện việc dạy một buổi?

Cho đến tận bây giờ, chương trình học buổi 2 vẫn chỉ là tự nguyện, nội dung học tập cũng chỉ là ôn tập lại những kiến thức đã học của mấy môn học được xem là môn chính.

Bởi thế, trong tình hình hiện nay, học sinh trở lại trường bắt buộc phải theo quy định của Bộ Y tế trong việc giãn cách một lớp khoảng 20 em và ngồi cách nhau 1.5m.

Nếu địa phương nào thực hiện đúng như thế thì không thể bố trí cho học sinh học cả ngày mà chỉ học được một buổi.

Bởi, 5 khối lớp sẽ phải chia 2 ca học. Ví như buổi sáng khối lớp 1,2,3 học, buổi chiều là khối lớp 4,5.

Khi các em học một buổi nên có nhiều phòng trống, nhà trường mới có thể thực hiện việc giãn cách học sinh theo quy định.

Mai Hoa