Chuyện về bộ xương cá voi lớn nhất miền Tây

02/05/2014 06:39
Triệu Mỹ Ngọc
(GDVN) - Bộ xương cá Voi tại Lăng Ông có chiều dài 16 mét, vòng bụng 10 mét, trọng lượng ước khoảng 15 tấn còn rất nguyên vẹn do việc bảo quản khá tốt.

Bằng một sự tính cờ khá may mắn, chúng tôi tìm đến phà nơi thờ Lăng ông Duyên Hải, cạnh phà Cái Cùng, thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu để chứng kiến tận mắt bộ xương cá Voi ( người dân vùng biển gọi là cá Ông) được xem là lớn nhất miền Tây từ trước đến nay. 

Có thể nói rằng, tục lệ thờ cá Voi của ngư dân ven biển Việt Nam nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng có tự lâu đời và luôn được giữ gìn như một nét tâm linh văn hóa truyền thống dân gian quý giá được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhiều địa phương tổ chức lễ hội Nghinh “Ông” rất qui mô như ở huyện Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre); huyện Đông Hải (Bạc Liêu); huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)… Về ngày tổ chức lễ tiến hành vào đúng ngày vớt được xác cá Voi bị “lụy” vào bờ.

Bên ngoài lăng Ông.
Bên ngoài lăng Ông.

Khác với những bộ xương cá Voi được tồn thờ, bảo quản tại các lăng, miếu các tỉnh miền Tây thường vỡ vụn và không trọn bộ, trọng lượng không đáng kể, bộ xương cá Voi tại Lăng Ông này còn rất nguyên vẹn do việc bảo quản khá tốt từ khi kéo xác cá vào bờ đến các công đoạn làm sạch nội tạng, tẩm thuốc…

Ông Trần Văn Vang, hiện là thành viên Ban Trị sự lăng nhớ kể “…Thời điểm đó cả xã nầy nhốn nháo khi được tàu ngoài biển báo về phát hiện xác cá “ông” khổng lồ trôi dạt, vậy là bà con cùng chính quyền tất bật chuẩn bị các khâu tế lễ, an vị xương cốt, chọn nơi để bộ xương, đảm bảo an ninh trật tự…”

Theo lời kể của bà Lê Thị Thanh, cả xóm không ngủ được để trông chờ tận mắt con cá “ông” có chiều dài 16 mét, vòng bụng 10 mét, trọng lượng ước khoảng 15 tấn, lớn nhất từ trước đến nay trên biển Đông.

Còn theo lời kể của ông Vang thì 5 chiếc tàu đánh bắt thủy sản của xã đang ra quân chuyến đầu tiên sau Tết Nguyên đán thì phát hiện vật thể lạ trôi trên biển nên đoàn tàu tiếp cận ngay. Phát hiện xác cá Voi, cả đoàn thông tin về đất liền và nhờ sự chi viện của đồn Biên phòng tiếp ứng. Có một tình tiết rất đặc biệt mà các ngư dân tham gia chuyến “hộ tống” ấy nhớ mãi là khi tàu Biên Phòng tiến đến thì xác cá Voi đã trôi xuống vùng biển thuộc tỉnh Cà Mau. Nhiều chiếc tàu đánh cá của Cà mau đã áp sát xác cá và đề nghị được kéo về địa phương mình cải táng theo tục lệ dân gian. 

Bộ xương cá Voi khổng lồ.
Bộ xương cá Voi khổng lồ.

Cuộc tranh cãi bất phân thắng bại bởi bên tàu phát hiện lẫn tàu tiếp cận đều có lý do chính đáng của mình. Cuối cùng cả hai bên chấp nhận phương án xin “keo” bằng một lon bia đập dẹp và ngư dân xã Vinh Thịnh may mắn thắng cuộc và tiếp tục kéo xác cá về địa phương mình trong khoãng thời gian 24 giờ đồng hồ của chặng đường 27 hải lý.

Chuyện khó khăn chưa dừng lại ở đây bởi kích thước và trọng lượng cá quá to lớn nên địa phương phải chờ đến lúc nước biển lên đầy mới kéo vào sát điểm an táng và dùng đế các phương tiện cơ giới lớn mới thực hiện được việc mang xác cá vào nơi làm sạch nội tạng, phân hủy thịt, tẩm phóc môn và phơi bộ xương trong 15 ngày trong sự canh gác rất cẩn mật. Điều rất lạ là bộ xương nầy hòan toàn không có mùi hôi thối. Sau đó bộ xương khổng lồ trên được bố trí trong khoang nhà kiếng để mọi người có thể tới chiêm ngưỡng, tham quan.

Không biết độ chính xác ra sao nhưng nhiều ngư dân cho rằng các “ông: Tại đây là cá “Bạch”, còn cá “ông” đang được thờ tại Hòn Đá Bạc (Cà Mau) là cá “Sanh”.

Hàng năm vào các ngày 8,9 và 10/1 âm lịch, tại lăng Ông này diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, các nghi thức Nghinh ông ngoài biển Đông rất sôi nổi thu hút hàng ngàn người đến tham gia. 

Ông Trần Văn Vang, thành viên Ban Trị sự lăng còn cho biết thêm: nhà nước đã có kế hoạch mở rộng khu lăng theo hướng kết hợp với du lịch địa phương vừa tăng thêm thu nhập cho người dân vừa giữ được nét đẹp truyền thống tâm linh của ngư dân ven biển.

Triệu Mỹ Ngọc