Chuyện về những người lính 2 màu áo chiến đấu với Covid-19

22/03/2020 06:00
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhóm nghiên cứu bộ kit thử nCoV của Học viện Quân y có đến gần 60% là nữ. Họ khoác trên mình 2 màu áo: áo blouse trắng và màu xanh áo lính.

“Ăn, ngủ cùng virus”

Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng – một trong những thành viên chủ chốt tham gia thực hiện đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới”, đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi bộ kit thử này hoạt động tốt và được đánh giá rất cao.

Năm nay đã 36 tuổi nhưng dáng người nhỏ nhắn và gương mặt luôn rạng rỡ của người con gái xứ Nghệ nên chị Hằng trông trẻ hơn nhiều so với tuổi đời của mình.

Dạy học qua truyền hình nên thống nhất cả nước
Dạy học qua truyền hình nên thống nhất cả nước

Tiến sĩ Hằng khoác chiếc áo blouse trắng, bên trong là bộ quân phục xanh màu áo lính.

Chuỗi ngày kể từ khi được giao nhiệm vụ chế tạo bộ kit thử nCoV đến khi thành công chỉ vỏn vẹn 1 tháng là những ngày nhóm nghiên cứu “ăn, ngủ cùng virus”.

Thời gian làm việc luôn căng thẳng, có những ngày chị Hằng phải làm việc đến đêm hoặc thức trắng.

Chị Hằng tâm sự: “Khi Việt Nam chưa có ca nhiễm nào, bằng linh cảm của người làm khoa học chúng tôi đã luôn trong tâm thế sẵn sàng để chế tạo bộ kit thử. 

Mọi người thắc mắc vì sao nhóm nghiên cứu lại có thể hoàn thành công việc nhanh đến như vậy?

Nguyên nhân là do chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước và cũng đã có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và chế tạo bộ kit thử trong đợt dịch Ebola (2013-2015).

Đến dịch Covid-19 cũng thế, một tuần trước khi nghỉ Tết nhóm nghiên cứu đã họp lại với nhau xác định phải tìm hiểu chủng virus mới này và tạo kit thử. Chúng tôi đã chạy đua với thời gian. Có những áp lực không biết kể sao cho siết”.

Nhóm nghiên cứu bộ kit thử nCoV của Học viện Quân y (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhóm nghiên cứu bộ kit thử nCoV của Học viện Quân y (Ảnh: Vũ Ninh)

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu bộ kit thử nCoV, chị Hằng cho biết: “Chúng tôi bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu bộ kit thử nCoV khi Việt Nam chưa có ca nhiễm bệnh nào. Do đó khó khăn lớn nhất là nguồn trứng dương để phục vụ công tác nghiên cứu. 

Lúc đầu mình sẽ thiết các đoạn trình tự tương tự trên các bệnh nhân. Nguồn thứ hai là phối hợp nghiên cứu trường Đại học Berlin Charite-Berlin, Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Nocht… người ta cung cấp cho mình nguồn trứng dương. Đây là những bước đầu tiên mình thực hiện”.

Thế nhưng, theo chị Hằng khó khăn lớn nhất mà nhóm nghiên cứu phải đối mặt đó chính là áp lực: Không được phép sai lầm.

Tiến sĩ Hằng lý giải: “Khi nghiên cứu về bộ kit thử nCoV chúng tôi rất áp lực.Thứ nhất là nó nguy hiểm, thứ hai là nó nhạy cảm. Nhạy cảm vì mình không thể nói 100% mình thành công được. 

Đặc biệt đơn vị tôi công tác lại là Viện thuộc Quân đội. Mà trong Quân đội thì việc sai sót rất là khó được chấp nhận. Cho nên áp lực dành cho nhóm nghiên cứu cũng rất lớn. 

Chúng tôi đã làm việc với tinh thần của người lính, không cho phép mình nghĩ đến thất bại. Tinh thần đó khiến tất cả anh em tìm mọi con đường. Chuẩn bị thật tốt và chu đáo cho mọi tình huống, kịch bản có thể xảy ra”.

Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng nhiều ngày làm việc quên ăn, quên ngủ (Ảnh:Vũ Ninh)
Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng nhiều ngày làm việc quên ăn, quên ngủ (Ảnh:Vũ Ninh)

Nhận nhiệm vụ chỉ 1 tuần trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y phải gạt bỏ việc cá nhân, việc gia đình, lao mình vào nghiên cứu. 

Những ngày tháng đó, chị Hằng làm việc quên ăn, quên ngủ; là những ngày tháng xa con, vò võ nỗi nhớ con. 

Vì thế sau khi nhận được thông tin bộ kit thử nghiệm lâm sàng thành công, điều đầu tiên mà Tiến sĩ Hằng nghĩ đến là về quê để thăm con và người thân. Nhiều thành viên trong tổ nghiên cứu cũng luôn căng mình làm việc vì trong tim họ là sức khoẻ của đồng bào, cũng phải gạt đi nỗi nhớ gia đình.

Chị Hằng tươi cười: “Hai đứa con tôi phải về quê với ông bà. Tôi may mắn được sự hậu thuẫn của gia đình đặc biệt hai đứa nhỏ rất biết cách động viên mẹ.

Có những hôm đang làm việc căng thẳng chỉ 1, 2 câu í ới của con là bao nhiêu âu lo, mệt mỏi tan biến hết. 

Hai cháu mặc dù còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, hay tranh luận với nhau và không quên dặn dò bố mẹ, người thân trong nhà cẩn thận, bảo vệ sức khỏe”.

Sự thành công của bộ kit thử nCoV do Học viện Quân y sản xuất là nhờ vào các yếu tố chuyên môn, kinh nghiệm và tinh thần làm việc của người lính (Ảnh: Vũ Ninh)
Sự thành công của bộ kit thử nCoV do Học viện Quân y sản xuất là nhờ vào các yếu tố chuyên môn, kinh nghiệm và tinh thần làm việc của người lính (Ảnh: Vũ Ninh)

Cuối buổi trò chuyện, chị Hằng “khoe” những bức hình mà học viên chụp cho chị. 

Chị cũng chia sẻ thêm: “Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng có cả những học viên còn rất trẻ. Tre già măng mọc, thế hệ trước dìu dắt, nâng đỡ thế hệ sau cùng cống hiến cho xã hội – đó là truyền thống và tâm thế của chúng tôi”.

Tinh thần người lính: Không để nước đến chân mới nhảy

Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử đưa cho phóng viên 2 tệp bản thảo A4, mỗi tệp khoảng 3 trang và nói: “Đây, khi bắt đầu nghiên cứu bộ kit thử chúng tôi chỉ có vốn là đúng 2 bài báo khoa học này. 

Một bài báo nghiên cứu của Đức và một bài báo nghiên cứu của Hồng Kông. Ngày 13/12 bài báo này được công bố cảnh báo những đe dọa của dịch này. 

Khi bài báo này công bố họ chỉ dựa trên các thông tin được chia sẻ. Còn Trung Quốc đến tận cuối tháng 12 họ mới bắt đầu gửi thông tin dữ liệu về Tổ chức Y tế Thế giới về một bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân”.

Phát động toàn dân chung tay, đóng góp chống dịch Covid-19
Phát động toàn dân chung tay, đóng góp chống dịch Covid-19

Với tinh thần của người lính: Không để nước đến chân mới nhảy, khi Việt Nam chưa công bố một ca nào nhiễm Covid-19, từ ngày 21/1/2020, Tiến sĩ Sử đã bắt đầu tìm hoá chất về Việt Nam để nghiên cứu loại virus này.

Đến ngày 22/1/2020, Việt Nam công bố 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho đến thời điểm bấy giờ, toàn bộ xét nghiệm tại Việt Nam đều do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp và số lượng cũng hết sức hạn chế. Đầu tháng 2, tại Sơn Lôi bùng phát chùm ca bệnh lớn xâm nhập vào Việt Nam. Để xét nghiệm những ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam buộc phải có những công cụ xét nghiệm. Đó là lý do vì sao nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y phải nghiên cứu và chế tạo bộ kit thử.

Tuy nhiên thông qua những lời kể của Tiến sĩ Sử cho thấy nhóm nghiên cứu hoàn toàn chủ động được về mặt thời gian cũng như đã lường trước được những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tiến sĩ Sử cho biết: “Ngay khi bắt đầu có những ca bệnh tại Thái Lan chúng tôi đã tiến hành đọc tài liệu và nghiên cứu về con virus này.

Thời điểm đó chúng tôi nhận định rằng: Sớm hay muộn Việt Nam cũng sẽ có những ca nhiễm đầu tiên do điều kiện tương đồng với Thái Lan. 

Thời gian đầu khó khăn lớn nhất cả nhóm phải đối mặt đó là thiếu mẫu trứng dương và các hóa chất cần thiết. Tuy nhiên bằng việc huy động nhiều nguồn chúng tôi cũng có những mẫu trứng dương phục vụ nghiên cứu”.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử, người được gọi là thủ lĩnh của biệt đội săn "Cô Vy" (Ảnh:Vũ Ninh)
Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử, người được gọi là thủ lĩnh của biệt đội săn "Cô Vy" (Ảnh:Vũ Ninh)

Thành công của việc chế tạo bộ kit thử nCoV còn xuất phát từ yếu tố kế thừa kinh nghiệm qua nhiều lần đối phó với những trận dịch lớn đặc biệt là dịch Ebola (2013-2015).

Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử: Nhóm nghiên cứu đã có thể tự tổng hợp được đoạn gene của virus corona mới khi cả nhóm gặp khó khăn trong việc tìm nguồn trứng dương.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử được gọi với biệt danh: thủ lĩnh của biệt đội săn Covid-19. Áp lực chạy đua với thời gian nhiều khi khiến vị thủ lĩnh này quên ăn, quên ngủ. Có những ngày làm việc đến 2-3 giờ sáng và có mặt tại cơ quan 7 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, những ngày đó đều đã qua rồi, bộ kit thử nCoV của Học viện Quân y đã rất thành công. 

Thế nhưng trong tâm thế của những người lính 2 màu áo như Tiến sĩ Sử, Tiến sĩ Hằng… những trận chiến mới luôn thôi thúc họ trong tâm thế sẵn sàng xung phong.

Vũ Ninh