Cựu lính Gạc Ma: Chúng tôi sẵn sàng quay lại Biển Đông

18/05/2014 01:12
Thắng Lợi
(GDVN)- Tình hình Biển Đông đang diễn biến căng thẳng những người lính Gạc Ma cũng nêu cao quyết tâm sẽ quay lại Biển Đông bất cứ lúc nào khi đất nước cần.

Cựu lính Gạc Ma tự hào về lực lượng Cảnh sát biển

Trong những ngày qua, nhân dân cả nước luôn hướng về Hoàng Sa thân yêu, nơi Trung Quốc đang ngang ngược đặt giàn khoan 981. Ở nơi đầu sóng ngọn gió đó, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta đang kiên trì, mềm mỏng nhưng cũng quyết đoán để đấu tranh với một lực lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám, tàu quân sự, tàu cá của Trung Quốc, đang vi phạm vùng biển của Việt Nam.

Nhưng khác với những thái độ ôn hòa, giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình của lực lượng Cảnh sát biển nước ta thì tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc liều lĩnh, ngang ngược dùng vòi rồng áp lực lớn phun thẳng vào tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Không những vậy lực lượng tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc còn đâm thẳng vào lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang tìm cách tiếp cận giàn khoan 981 để tuyên truyền Trung Quốc sớm rút giàn khoan này ra khỏi vùng biển Việt Nam, làm hư hỏng nhiều trang thiết bị của tàu Cảnh sát biển của ta.

Mọi thông tin về biển, đảo của tổ quốc từ trước đến nay luôn được cựu lính Gạc Ma, Lê Hữu Thảo theo dõi sát sao
Mọi thông tin về biển, đảo của tổ quốc từ trước đến nay luôn được cựu lính Gạc Ma, Lê Hữu Thảo theo dõi sát sao

Để muốn thể hiện sự bành trướng của mình Trung Quốc liên tiếp gia tăng số lượng tàu hải cảnh, hải cảnh, tàu quân sự, tàu cá vỏ sắt công suất lớn tại vùng biển xâm phạm chủ quyền vủa Việt Nam để gây hấn, cản trở tàu chấp pháp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Cho đến ngày 17/5 Trung Quốc đã đưa ra vùng biển này 126 tàu các loại để cản trở tàu chấp pháp của Việt Nam.

Trước sức ép của Trung Quốc nhưng lực lượng Cảnh sát biển nước ta vẫn kiên trường bám trụ và có những biện pháp khôn khéo, kiên quyết để yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan 981 cùng toàn bộ tàu thuyền bảo vệ ra khỏi vùng biển nước ta. Có nhiều chiến sĩ Cảnh sát biển đã bị thương khi tàu Trung Quốc phun vòi rồng. Nhưng khi vết thương chưa lành các anh lại tiếp tục xin đứng lên để ra điểm nóng tiếp tục nhiệm vụ. Những tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng được đưa vào nơi sửa chữa xong ngay lập tức lên đường ra vùng biển nơi Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của nước ta tiếp tục nhiệm vụ.

Cũng như bao cựu lính Gạc Ma năm xưa ông Phạm Xuân Trường cho biết luôn sẵn sàng quay lại Biển Đông khi đất nước cần
Cũng như bao cựu lính Gạc Ma năm xưa ông Phạm Xuân Trường cho biết luôn sẵn sàng quay lại Biển Đông khi đất nước cần

Những việc làm đó của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn được cộng đồng theo dõi và ủng hộ. Những chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đang đảm nhiệm sứ mệnh cao cả và luôn được mọi người dân tin tưởng vào sự can trường cũng như những đóng góp của các anh.

“Chúng tôi là những người lính đã từng sống và chiến đấu với Trung Quốc trong thời điểm lịch sử năm 1988 tại Trường Sa. Hàng ngày chúng tôi luôn dõi theo và ủng hộ trước cách xử lý tình huống và kiên quyết của các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trước hành động xâm chiếm biển Việt Nam của Trung Quốc. Là những người lính chúng tôi rất tự hào vì những gì lực lượng Cảnh sát biển nước ta đã làm những ngày qua nơi điểm nóng trên Biển Đông. Chúng tôi luôn bên cạnh các bạn và tin tưởng những chiến sĩ Cảnh sát biển sẽ có những hành động kiên quyết, cứng rắn nhưng cũng khôn khéo với Trung Quốc”, chiến sĩ Gạc Ma, Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh) tự hào nói.

Cựu lính Gạc Ma, Lê Hữu Thảo cho biết sau khi xảy ra việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền Biển Đông Việt Nam những người lính Gạc Ma năm xưa đã liên lạc với nhau và nêu quyết tâm: "Khi đất nước cần luôn sẵn sàng quay lại Biển Đông".
Cựu lính Gạc Ma, Lê Hữu Thảo cho biết sau khi xảy ra việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền Biển Đông Việt Nam những người lính Gạc Ma năm xưa đã liên lạc với nhau và nêu quyết tâm: "Khi đất nước cần luôn sẵn sàng quay lại Biển Đông".

“Chúng tôi tự hào vào những gì mà lực lượng cảnh sát biển nước ta đã làm được. Là người lính đã từng chiến đấu ở Trường Sa trước quân Trung Quốc chúng tôi hiểu giờ họ cũng đang phải chịu nhiều nguy hiểm nhưng những hành động khôn khéo trước sự liều lĩnh, manh động của Trung Quốc như vậy của họ thật là đáng ghi nhận. Hãy vững tâm trước sự bành trướng, manh động của Trung Quốc nhé các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam anh dũng”, ông Phạm Xuân Trường (quê Hà Tĩnh) cựu lính Gạc Ma chia sẻ.

Chúng tôi luôn sẵn sàng khi đất nước cần  

Mặc dù những người lính Gạc Ma năm xưa hầu hết nay đã rời quân ngũ trở về địa phương cùng với gia đình. Nhưng trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông trước hành động Trung Quốc ngang ngược, bành trướng đưa giàn khoan 981, cùng với đội tàu lớn đi theo bảo vệ gấy hấn với lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam thì họ đều nêu cao quyết tâm của người lính năm xưa. Tất cả khi được hỏi đều kiên quyết khẳng định “nếu bất cứ lúc nào đất nước cần chúng tôi sẵn sàng quay trở lại Trường Sa”.

Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tấn công tàu Việt Nam quanh khu vực giàn khoan trái phép Ảnh: Hoàng Dũng
Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tấn công tàu Việt Nam quanh khu vực giàn khoan trái phép Ảnh: Hoàng Dũng

Với họ 26 năm trước khi đau đớn chứng kiến 64 đồng đội của mình bị quân đội Trung Quốc bắn hy sinh thì nỗi căm hờn không khi nào nguôi. Cùng với đó là người lính đã cùng đồng đội phải đổ xương máu để giữ lấy biển đảo của tổ quốc nên họ hiểu rằng “một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đau đớn”.

“Ngày nào tôi cũng dõi theo mọi diễn biến ngoài Biển Đông. Hành động ngang ngược, bành trướng của Trung Quốc rất đáng lên án. 26 năm trước chúng tôi cũng đã phải chứng kiến 64 đồng đội của tôi hy sinh khi Trung Quốc xâm lược đảo Gạc Ma. 26 năm sau Trung Quốc lại có hành động xâm chiếm như vậy cho thấy chính quyền nước này không từ bỏ tham vọng xâm chiếm biển, đảo nước ta. Bây giờ tôi luôn sẵn sàng quay lại Trường Sa và thậm chí đến điểm nóng trên Biển Đông hiện nay khi đất nước cần để làm bất cứ việc gì đóng góp được công sức cho đất nước bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”, ông Lê Văn Dũng (trú tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cựu lính Gạc Ma năm xưa đưa ra quyết tâm.

Cảnh sát biển Việt Nam theo sát sự di chuyển của tàu Trung Quốc ở khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép. Ảnh: vnexpress
Cảnh sát biển Việt Nam theo sát sự di chuyển của tàu Trung Quốc ở khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép. Ảnh: vnexpress

“Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 cùng với đội tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tôi và các đồng đội năm xưa đã liên lạc với nhau. Hành động xâm chiếm Biển Đông Việt Nam của Trung Quốc như vậy là không thể chấp nhận được cần lên án gay gắt. 26 năm trước cũng vì xâm lược đảo Gạc Ma, quân đội Trung Quốc đã nhẫn tâm bắn pháo vào đảo và tàu làm 64 đồng đội của tôi hy sinh. Chúng tôi liên lạc và ai cũng quyết tâm sẵn sàng mọi thứ khi đất nước cần sẽ quay lại Biển Đông bất cứ lúc nào”, ông Lê Hữu Thảo, cựu lính Gạc Ma cho biết.

Cựu lính Gạc Ma, Phạm Xuân Trường cũng nêu rõ quyết tâm: “Mặc dù đã xuất ngũ hàng chục năm về nhà làm nông dân, nhưng giờ đây khi đất nước cần thì tôi sẵn sàng quay lại Biển Đông. Dù ít hay nhiều tôi cũng muốn đóng góp công sức còn lại của mình để bảo vệ toàn vẹn biển, đảo của tổ quốc. Hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển chủ quyền Việt Nam như vậy thể hiện rõ sự bành trướng của chính quyền nước này. 26 năm sau việc xâm lược đảo Gạc Ma chính quyền Trung Quốc vẫn không từ bỏ dã tâm đó”.

Thắng Lợi