Đài Loan ngừng phái điệp viên sang Trung Quốc?

04/01/2013 07:14
Hồng Thủy (Nguồn: Chinatimes)
(GDVN) - Phòng Tình báo quân sự trước đây chủ yếu phụ trách nhiệm vụ thành lập đường dây điệp viên khai thác các thông tin tình báo quân sự tại Trung Quốc
Mấy ngày qua giới truyền thông đảo Đài Loan xôn xao xung quanh việc cải tổ cơ cấu tổ chức và nhân sự Bộ Quốc phòng sau khi vụ bê bối 87 tướng tá quân đội Đài Loan bị phanh phui tham gia đường dây gián điệp cho Trung Quốc.

Thang Gia Khôn, Trưởng phòng Tình báo quân sự Đài Loan thắp hương cho các điệp viên "hi sinh"
Thang Gia Khôn, Trưởng phòng Tình báo quân sự Đài Loan thắp hương cho các điệp viên "hi sinh"

Viện Lập pháp Đài Loan đang họp bàn việc cắt Phòng Tình báo quân sự thuộc biên chế Cục An ninh quốc gia sang biên chế Phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội trong khi các đơn vị tình báo trinh sát - kỹ thuật sẽ được biên chế về Phòng Phát triển điện tín Bộ Tổng tham mưu.

Với phương án tổ chức mới, số lượng sĩ quan chỉ huy Phòng Tình báo quân sự sẽ bị cắt giảm từ 11 tướng chỉ huy hiện nay xuống còn 5 đến 6 sĩ quan cấp tướng. Tuy nhiên về mặt nghiệp vụ, Cục An ninh quốc gia Đài Loan vẫn đang muốn tiếp tục tham gia điều phối, đây là một vấn đề gây tranh cãi tại Viện Lập pháp Đài Loan.

"Cuộc chiến" giành quyền chỉ huy Phòng tình báo quân sự giữa Bộ Quốc phòng và Cục An ninh quốc gia Đài Loan đã diễn ra dai dẳng trong nhiều năm, ngay cả chuyện bổ nhiệm nhân sự Trưởng phòng Tình báo quân sự cũng trở thành đề tài tranh cãi giữa 2 cơ quan này.

Lực lượng tình báo trinh sát - kỹ thuật thuộc Phòng tình báo quân sự trước đây chuyên thực hiện các điệp vụ đặt máy nghe trộm những nhân vật quan trọng ở Trung Quốc đại lục, tuy nhiên từ khi lên nắm quyền năm 2008, Mã Anh Cửu đã quyết định "không sử dụng các thủ đoạn nghe trộm phi pháp" trong nghiệp vụ tình báo.

Lâm Giới Sơn, một trong 36 thương gia Đài Loan được Phòng Tình báo quân sự biệt phái sang Trung Quốc nhưng đã bị an ninh, phản gián Bắc Kinh tóm gọn
Lâm Giới Sơn, một trong 36 thương gia Đài Loan được Phòng Tình báo quân sự biệt phái sang Trung Quốc nhưng đã bị an ninh, phản gián Bắc Kinh tóm gọn

Trong thời điểm cải tổ hệ thống cơ cấu tổ chức Bộ Quốc phòng, khi nghe tin Phòng Tình báo quân sự sẽ được chuyển từ Cục An ninh quốc gia sang Bộ Quốc phòng, Lý Thiên Vũ, một sĩ quan tình báo thuộc biên chế cơ quan này với lon Trung úy đã bỏ trốn ngày 28/12, đến ngày 1/1/2013 thì sĩ quan này bị bắt.

Phòng Tình báo quân sự trước đây chủ yếu phụ trách nhiệm vụ thành lập đường dây điệp viên khai thác các thông tin tình báo quân sự tại Trung Quốc. Năm 2003, dàn điệp viên mà cơ quan này tuyển dụng từ các thương gia Đài Loan làm ăn tại Trung Quốc đại lục bị lực lượng phản gián Trung Quốc tóm gọn và phạt tù.

Năm 2007, 2 "điệp viên" Trịnh Sí Viễn và Tống Hiếu Khiêm sau khi ra tù đã trở về Đài Loan, kéo đến cổng trụ sở Bộ Quốc phòng Đài Loan yêu cầu cơ quan này luận tội một "kẻ phản quốc" trong Phòng Tình báo quân sự đã tiết lộ bí mật, bán đứng điệp viên khiến một dây 36 điệp viên - thương gia Đài Loan bị an ninh, phản gián Trung Quốc tóm gọn.

Trình Sí Viễn (trái) và Tống Hiếu Khiêm (phải) sau khi ra tù đã đến biểu tình trước cổng trụ sở Bộ Quốc phòng yêu cầu xét xử "kẻ phản quốc" đã bán đứng thông tin 36 điệp viên Đài Loan cho an ninh Trung Quốc
Trình Sí Viễn (trái) và Tống Hiếu Khiêm (phải) sau khi ra tù đã đến biểu tình trước cổng trụ sở Bộ Quốc phòng yêu cầu xét xử "kẻ phản quốc" đã bán đứng thông tin 36 điệp viên Đài Loan cho an ninh Trung Quốc

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cuộc chiến tranh giành quyền chỉ huy, kiểm soát Phòng Tình báo quân sự vẫn chưa ngã ngũ, Cục An ninh quốc gia Đài Loan vẫn tiếp tục đòi được chỉ huy nghiệp vụ đối với cơ quan này và sẽ "nhường" cho Bộ Quốc phòng phụ trách phần nhân sự.

Về mặt nghiệp vụ, một sĩ quan tình báo Đài Loan tiết lộ với tờ Singtao, sau khi chuyển biên chế về Bộ Quốc phòng, Phòng Tình báo quân sự Đài Loan sẽ không phái điệp viên sang Trung Quốc nữa mà sẽ chủ yếu thu thấp tin tức tình báo qua nguồn tin công khai.
Hồng Thủy (Nguồn: Chinatimes)