Để cán bộ sai phạm "leo cao", hậu họa rất khôn lường

30/07/2021 06:19
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước có nhiều kết quả đáng ghi nhận, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra, xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được kết luận, xử lý nghiêm minh.

Việc nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả lãnh đạo, cựu lãnh đạo bị kỷ luật vì sai phạm, đã thể hiện được quyết tâm chính trị, trách nhiệm rất lớn của Ðảng và Nhà nước trước nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vụ án gây nhức nhối trong lòng nhân dân vì liên quan đến cán bộ thoái hóa, biến chất.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

Ngày 28/7, Báo điện tử VOV đưa tin, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị can khác về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đây là vụ án liên quan đến việc chỉ định thầu sai quy định cho Nhật Cường với gói thầu Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2016 và 2017.

Đáng lưu ý, trong kết luận điều tra, lực lượng chức năng cáo buộc 01 Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm liên đới về những sai phạm trong quá trình đấu thầu.

Theo kết luận điều tra, vị Phó chủ tịch này mặc dù không trực tiếp chỉ đạo, tham gia quá trình tổ chức đấu thầu thực hiện hợp đồng 2 gói thầu năm 2016, 2017, nhưng căn cứ Điều 32, Điều 61, Luật Ngân sách năm 2015 quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai phạm trong quá trình đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Dù chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với vị Phó chủ tịch này về các hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã tiến hành kiểm tra và đang làm thủ tục xử lý đối với ông.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xử lý ông Phó chủ tịch này theo quy định.[1]

Trong những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh muốn “leo cao bằng mọi giá”.

Chính vì ham muốn chức vụ, muốn leo cao bằng mọi giá, bất chấp năng lực, đạo đức, uy tín, mà không ít cán bộ, đảng viên đã đánh mất mình, đánh mất nhân phẩm của mình.

Điều này nếu không được quyết liệt ngăn chặn sẽ gây ra những cái giá phải trả rất đắt, đó là: Gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước và nhân dân; mất cán bộ; có nguy cơ dần làm thoái hóa, biến chất các cơ quan, tổ chức; làm suy giảm niềm tin trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên và của quần chúng, nhân dân.

Ngày 20/1/2021, trang điện tử phục vụ thông tin đại hội đảng, https://daihoidang.vn/ đã thông tin: Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Các cơ quan đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).[2]

Điều này cho thấy, sự quyết liệt của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả rất quan trọng trong nhiệm kỳ XII và việc phòng, chống tham nhũng sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Tuy vậy, thực tế từ những vụ án đã được đưa ra ánh sáng cho thấy vẫn còn những cán bộ thoái hóa, biến chất chưa được phát hiện sớm nên đã leo lên những vị trí cao.

Việc cán bộ có khát vọng phấn đấu vươn lên một cách đàng hoàng, dựa vào năng lực của bản thân là một điều tốt và được nhân dân hoan nghênh.

Khích lệ được sự nỗ lực phấn đấu ấy của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cơ quan, tổ chức sẽ có một đội ngũ tốt, chất lượng công việc ngày được nâng cao.

Tuy nhiên, đối với những cán bộ có tư tưởng vươn lên bằng mọi giá, sẵn sàng bất chấp kỷ cương, pháp luật thì vô cùng nguy hại.

Những mối quan hệ mờ ám của ông chủ Nhật Cường với một số quan chức thoái hoá, biến chất tại Hà Nội đã phương hại đến lợi ích của nhà nước, nhân dân. Ảnh minh họa: Báo Công an nhân dân.

Những mối quan hệ mờ ám của ông chủ Nhật Cường với một số quan chức thoái hoá, biến chất tại Hà Nội đã phương hại đến lợi ích của nhà nước, nhân dân. Ảnh minh họa: Báo Công an nhân dân.

Những cán bộ có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, vì lợi ích bản thân, có thể biến tổ chức đảng, cơ quan, doanh nghiệp, đồng chí, đồng nghiệp... thành công cụ và nạn nhân của họ.

Càng nguy hại hơn nữa khi những kẻ có tham vọng “leo cao” ấy thường có những vỏ bọc rất dày về tiền bạc, về “uy tín giả”, của các mối quan hệ, những thành tích chuyên môn, những danh hiệu…

Đơn cử như trường hợp của ông Trần Văn Nam - Cựu bí thư tỉnh ủy Bình Dương, dù không được công nhận tư cách đại biểu quốc hội nhưng như chuyên trang công an Thành phố Hồ Chí Minh đưa ngày 10/6/2021 cho thấy, số phiếu mà cử tri dành cho ông này ở mức cao. [3]

Những điều này càng cho thấy sự khôn lỏi, nham hiểm và sự lì lợm của họ trong tổ chức.

Từ những vụ việc được đưa ra ánh sáng thời gian qua (mới nhất là ông Trần Văn Nam), có thể thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mưu đồ “leo cao” và cái “giá” đắt phải trả là những vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật ở các cơ quan, tổ chức có liên quan, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nhân dân.

Những người mắc sai phạm phải trả giá, nhưng nguy hiểm là hành vi của họ, sai phạm của họ đã gây ảnh hưởng, suy giảm niềm tin của nhân dân với tổ chức Đảng tại địa phương.

Vì thế việc những vụ án nghiêm trọng thời gian qua được đưa ra ánh sáng càng có ý nghĩa đối với việc khẳng định quyết tâm của Đảng làm trong sạch, vững mạnh tổ chức.

Đến nay, đã có nhiều tập thể sai phạm bị kỷ luật, nhiều cán bộ có liên quan, trong đó có những cán bộ cấp cao đã phải nhận những án phạt nghiêm khắc của pháp luật, bị khai trừ khỏi hàng ngũ của Đảng, chịu án tù...

Những hình phạt mạnh tay sẽ ngăn chặn những sai phạm, những suy nghĩ, phong cách lệch lạc trong một bộ phận cán bộ; thanh lọc, ngăn chặn cái xấu, từ đó tiếp tục xây dựng môi trường lành mạnh hơn trong các cơ quan, đơn vị và rộng hơn là trong toàn xã hội.

Bởi pháp luật nghiêm minh và trừng trị nghiêm khắc cũng là biện pháp ngăn ngừa và giáo dục hiệu quả, nhất đối với những kẻ tham nhũng.

Kỷ luật để lấy lại sự nghiêm minh là cần thiết, như báo điện tử VTC news đã đưa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng “phải kỷ luật vài người để cứu muôn người”. [4]

Chính vì vậy, để ngăn chặn những cán bộ đang có tư tưởng "leo cao" bằng mọi giá, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ, trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Không để những cán bộ thoái hóa biến chất, mắc sai phạm có thể chui sâu, leo cao.

Ngày 29/9/2017, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có văn bản gửi Sở Tài chính ký bổ sung dự toán năm 2017.

Đến ngày 4/12/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có quyết định về việc bổ sung dự toán từ nguồn ngân sách thành phố năm 2016, trong đó có gói thầu số hóa năm 2017 là hơn 18 tỷ đồng.

Ngày 15/12/2017, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội ký quyết định giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017. Phần kinh phí thực hiện số hóa tài liệu, hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố của Sở Kế hoạch và Đầu tư là hơn 18 tỷ đồng.

Ngày 22/3/2018 đến ngày 9/5/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức đấu thầu gói thầu số hóa năm 2017, có 3 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, cuối cùng Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh lại trúng thầu.

Đối với gói thầu năm 2016, ông Q. khai, thời điểm đó mới làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội từ tháng 7/2017, khi đó liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã trúng gói thầu số hóa năm 2016 và đang thực hiện hợp đồng.

Việc phê duyệt dự toán gói thầu, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng do các Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thực hiện. Cụ thể, Phó Giám đốc Sở chỉ đạo, ký hồ sơ, văn bản. Ông Q. không chỉ đạo, không tham gia, liên hệ bất cứ hồ sơ, chứng từ gì.

Đối với gói thầu năm 2017, ông Q. khai có ký văn bản đăng ký bổ sung dự toán năm 2017 phục vụ công tác số hóa tài liệu đăng ký kinh doanh và giao dự toán gói thầu theo đề nghị của Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

"Việc phê duyệt dự toán gói thầu, tổ chức đấu thầu do các ông Nguyễn Tiến Học, Ph.V.Kh., Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục thực hiện theo phân công công việc của gói thầu năm 2016. Việc nghiệm thu, thanh toán hợp đồng các gói thầu năm 2016, 2017 theo văn bản ủy quyền của Giám đốc và các Phó Giám đốc", lời khai của ông Q. trong bản kết luận.

(Nguồn: VOV.VN)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/phap-luat/bo-cong-an-de-nghi-xu-ly-mot-pho-chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-trong-vu-nhat-cuong-877809.vov

[2] https://daihoidang.vn/nhin-lai-nhiem-ky-xii-quyet-tam-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung/1168.vnp

[3] https://congan.com.vn/tin-chinh/vi-sao-bi-thu-binh-duong-khong-duoc-xac-nhan-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi_114052.html

[4] https://vtc.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-phai-ky-luat-mot-vai-nguoi-de-cuu-muon-nguoi-ar587688.html

Hoàng Quỳnh