Nhìn nhận về VH ứng xử của người Hà Nội hiện nay

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến “đổ vỡ” của văn hóa truyền thống Hà Nội

19/07/2012 10:31
Viết Cường (Thực hiện)
(GDVN) - Theo quan điểm của PGS.TS Phạm Quốc Sử, truyền thông báo chí có lỗi không nhỏ dẫn đến sự “đổ vỡ” của văn hóa truyền thống Hà Nội.

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ khách hàng của một bộ phận các chủ nhà hàng ở Hà Nội phục vụ theo kiểu "bún mắng, cháo chửi", thậm chí còn có những hành động rất thiếu tôn trọng với khách hàng.

Nhiều độc giả cho rằng, văn hóa bán hàng hay văn hóa ẩm thực của người Hà Nội nay đã bị phai nhạt, biến đổi đi rất nhiều, không còn giữ được những nét đẹp của ngày xưa nữa. Vấn nạn chặt chém của nhiều chủ cửa hàng buôn bán, kinh doanh hiện nay tại Hà Nội đang được dư luận quan tâm.

PGS.TS Phạm Quốc Sử - người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa Việt Nam trên giảng đường đại học -  bộc bạch: “Tôi không buồn, không thất vọng nhưng rõ ràng là thấy không ổn, không hài lòng....
 
“Văn hóa người Hà Nội hiện nay là một chiếc bình cổ không nguyên vẹn”

Nói về sự “đổ vỡ” của văn hóa truyền thống người Hà Nội, PGS.TS Phạm Quốc Sử đưa ra ba nguyên nhân cơ bản, trong đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là ảnh hưởng của yếu tố xã hội: “Chúng ta đã có phần nôn nóng muốn xây dựng nền văn hóa mới trước hết bằng việc di xoá, 'phá vỡ' cái cũ đi nhưng chưa hình dung được cái mới là cái gì.

PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: "Một dân tộc phát triển phải có sự kế thừa chứ không thể phủ định. Nếu anh cứ phủ định một cách sạch trơn quá khứ thì anh sẽ phải chịu bi kịch”.(ảnh Viết Cường)
PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: "Một dân tộc phát triển phải có sự kế thừa chứ không thể phủ định. Nếu anh cứ phủ định một cách sạch trơn quá khứ thì anh sẽ phải chịu bi kịch”.(ảnh Viết Cường)
'Phá' xong rồi mà chưa biết xây cái gì, thế mới gay. Hoặc có cố làm, nhưng lại tạo ra một thứ văn hoá “phản văn hoá”. Thế rồi đến một lúc nào đó không xây được, ít nhiều nhận ra sai lầm, quay lại sửa chữa thì cái cũ, cái truyền thống đã đập phá, bị mai một, nên bây giờ chúng ta đang phải nhặt những mảnh vỡ chắp lại, giống như một cái bình cổ đã đập nó đi rồi, giờ nhặt lại những mảnh vỡ còn rơi sót mà chắp lại thì rõ ràng là thành một cơ thể rất “kỳ”, hiện đại không ra hiện đại, cổ điển cũng không ra cổ điển”.

Nói về mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của người Hà Nội, PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: “Giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện nay có một hố ngăn cách, hay một sự “đứt gãy”. Đáng ra đó phải là sự kế thừa những di sản của quá khứ thông qua vài ba thế hệ để đưa văn hoá dân tộc vào lộ trình hiện đại hoá. Thế nhưng chúng ta chưa làm được thế.

Chúng ta vẫn chưa làm tốt được vai trò truyền tải tất cả những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp cho lớp người sau, và đó là điều rất đáng tiếc. Người Hà Nội phát triển phải có sự kế thừa chứ không thể phủ định. Nếu anh cứ phủ định một cách sạch trơn quá khứ thì anh sẽ phải chịu bi kịch”.

Do sự nhập cư ồ ạt vào Hà Nội

Nguyên nhân thứ hai mà PGS.TS Phạm Quốc Sử nhận định là do sự nhập cư ồ ạt vào Hà Nội: “Mươi mười lăm năm nay Hà Nội phát triển rất nhanh, song cũng vì thế mà sự nhập cư diễn ra ồ ạt. Nhập cư là cần thiết, vì nó tăng cường nguồn lực lao động cho đô thị.

Nhưng cái gì ồ ạt, quá tải, thiếu kiểm soát cũng gây nên hàng loạt những hệ luỵ, những hậu quả tiêu cực. Sự du nhập ồ ạt của nhiều thành phần dân cư từ mọi miền về Hà Nội đã làm cho cái văn hoá thanh lịch của người Hà Nội và nhiều yếu tố truyền thống khác vốn đã bị tổn hại sau mấy chục năm thực hiện “văn hoá mới”, nay bị đổ vỡ rất nghiêm trọng.”  

Về lối ứng xử “lỗ mãng” của không ít người Hà Nội hiện nay, PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: “Nó vừa từ mọi nơi mang đến, vừa mới nảy sinh từ đời sống chen chúc, phải mánh khoé, nghiệt ngã để mưu sinh" (ảnh internet)
Về lối ứng xử “lỗ mãng” của không ít người Hà Nội hiện nay, PGS.TS Phạm Quốc Sử cho rằng: “Nó vừa từ mọi nơi mang đến, vừa mới nảy sinh từ đời sống chen chúc, phải mánh khoé, nghiệt ngã để mưu sinh" (ảnh internet)

Về lối ứng xử “lỗ mãng” của không ít người Hà Nội hiện nay, ông cho rằng: “Nó vừa từ mọi nơi mang đến, vừa mới nảy sinh từ đời sống chen chúc, phải mánh khoé, nghiệt ngã để mưu sinh. Người mà đã dám rời bỏ quê hương, dám lên Hà Nội sinh cơ lập nghiệp thì phải nói họ là người rất mạnh mẽ, đáo để và đương nhiên ngôn ngữ của họ cũng hết sức đáo để, đôi khi đến mức thiếu văn hóa.

Cuộc sống phải đối phó căng thẳng cũng làm cho cái lỗ mãng của cả người đến trước lẫn người đến sau càng tăng lên, và trong tình hình ấy, cái thanh lịch, văn hoá chẳng còn đất sống nữa”. 

Lỗi không nhỏ thuộc về truyền thông

Nguyên nhân tiếp theo dẫn tới sự “đổ vỡ” văn hoá truyền thống của người Hà Nội, theo PGS.TS Phạm Quốc Sử còn có lỗi không nhỏ của truyền thông, báo chí. Ông nói: “Người dân đô thị hiện nay tiếp xúc với xã hội, với bên ngoài chủ yếu qua truyền hình, internet.

Nếu ta ở nhà nghỉ một ngày có lẽ rất ít khi ta dành thời gian để qua nhà hàng xóm ngồi chơi, chỉ ở dân quê mới phổ biến việc đó. Ở thành phố như Hà Nội này, chúng ta ngồi ở nhà thì chủ yếu dành nhiều thời gian cho chiếc tivi. Bố thì đọc báo mạng, mẹ và con thì xem tivi, và cứ lặp đi lặp lại như vậy. 
Theo như PGS.TS Phạm Quốc Sử thì Truyền thông báo chí cũng "đóng góp" một phần không nhỏ làm "đổ vỡ" văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội (ảnh internet)
Theo như PGS.TS Phạm Quốc Sử thì Truyền thông báo chí  cũng "đóng góp" một phần không nhỏ làm "đổ vỡ" văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội (ảnh internet)

Rõ ràng truyền thông hiện nay là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Hà Nội nói riêng và của người đô thị nói chung. Hiện nay báo chí truyền thông mang đến cho con người nhiều thứ hay, kết nối chúng ta với thế giới, nhưng cũng mang đến cho công chúng nhiều cái dở, cái không hay.

Người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng ca ngợi vẻ đẹp e ấp, tinh tế chứ không ưa vẻ phô phang thân xác, giải phóng bản năng. Hình như hiện nay việc khoe hàng, ăn mặc hở hang để khoe thân xác đang trở thành một thứ mốt của nhiều người.

Và truyền hình, internet đã trở thành “đất diễn” chủ yếu cho những hành vi đó. Rồi lại tung tóe trên truyền hình những vở diễn, những bộ phim làm ẩu với những hình ảnh thô tục, sống sít, những lời nói chua ngoa, đanh ác còn hơn cả thực tế. Trẻ em hấp thụ nhanh lắm. Người lớn ban đầu tuy không thích nhưng nó cứ ra rả như vậy rồi vô tình trở thành ngôn ngữ hàng ngày của không ít người.

Theo tôi truyền thông có lỗi không nhỏ đến văn hóa ứng xử kém của người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam hiện đại nói chung. Có lúc tưởng như cánh nhà báo phản ánh tiêu cực để phê phán, ngăn chặn, nhưng rốt cuộc để “gây sốt”, để “giật gân” mà họ lại định danh, khắc hoạ thêm cho cái xấu biến thành ấn tượng “không phai mờ” trong đầu óc con trẻ, trong người xem. Do đó theo tôi người làm truyền thông cần phải có văn hóa và ý thức trách nhiệm cao”.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Viết Cường (Thực hiện)