Điểm mặt các cây xăng bị nghi "móc túi” người tiêu dùng

14/12/2011 07:00
Nguyễn Tiến (Tổng hợp)
(GDVN) - Bằng nhiều thủ đoạn như gắn chip, pha trộn xăng kém chất lượng, gian lận trong khi bơm… các chủ cây xăng hàng ngày vẫn “móc túi” người tiêu dùng.

Việc các cây xăng gian lận đã diễn ra từ rất lâu, gây bức xúc cho rất nhiều người dân. Thế nhưng trên thực tế có rất ít những cây xăng gian lận bị phanh phui. Bởi một phần các thủ đoạn, hình thức gian lận hết sức tinh vi và có sự sắp đặt trước rất kỹ. Hình thức gian lận của cây xăng bị các cơ quan chức năng phát hiện mới đây nhất là việc: trộn xăng kém chất lượng vào xăng A92.

Cây xăng tại phường Mai Dịch bị khách hàng nghi ngờ bán xăng chứa tạp chất
Cây xăng tại phường Mai Dịch bị khách hàng nghi ngờ bán xăng chứa tạp chất

Mới đây, hàng loạt những sai phạm tại các cây xăng được cơ quan chức năng TP HCM công bố trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng.

Trong 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu gian lận được công bố thì điểm kinh doanh xăng dầu Trường Anh ở quận 12, TP HCM  có những sai phạm nghiêm trọng. Trong bồn A92 của cây xăng này tồn 1.300 lít, mẫu kiểm tra cho thấy chỉ số octan chỉ đạt 83,4 (chỉ số để đánh giá chất lượng của xăng). Chủ doanh nghiệp từ chối cho biết lý do mà chỉ thừa nhận đã hủy toàn bộ số hàng sai phạm trên và bơm vào loại xăng đúng chất lượng.

Khi khách hàng gặp phải những trường hợp này rất khó phát hiện vì bằng mắt thường không thể quan sát được đâu là xăng kém chất lượng. Người tiêu dùng chỉ có thể phát hiện ra xăng có chỉ số octan thấp bằng cách khởi động xe, nếu xăng có chỉ số octan thấp sẽ khiến máy bị rung, khi lên gas phát ra tiếng “gõ”, khi chạy xe bị ì, không bốc.

Một hình thức gian lận khác là dùng chip điện tử để can thiệp trực tiếp vào quá trình bơm xăng. Điển hình là trong năm 2010 cơ quan chức năng của Hà Nội đã phát hiện cây xăng của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Xuân Lộc (đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm) sử dụng hệ thống chip được đấu nối tinh vi bằng dây dẫn chôn ngầm dưới mặt đất, dẫn vào phòng điều hành phía trong cây xăng. Cứ 10 lít xăng bán ra, người mua bị hụt đi 0,75 lít. Mỗi lít xăng, khách hàng bị móc túi khoảng 1.200 đồng.

Cây xăng này có 3 cột bơm, hai cột bơm xăng và một bơm dầu. Cột bơm thiếu được đặt ở vị trí giữa, chỉ bán cho khách đi xe máy, ô tô. Riêng trường hợp khách hàng mua xăng lẻ bằng can, cửa hàng này sẽ bơm ở cột xăng không gắn chip điện tử gian lận vì sợ lộ khi nhìn bằng mắt thường.

Một hình thức gian lận nữa của cây xăng là các nhân viên tại đây dùng tay trực tiếp can thiệp vào quá trình bơm xăng. Lợi dụng khách hàng không để ý, trong lúc bơm xăng nhân viên bơm xăng không gạt về 0 cho khách mà tiếp tục bơm. Hoặc khi đang bơm nhân viên dùng tay bấm số tiền vượt mức so với số xăng đã bơm. Trương hợp này khách hàng có thể phát hiện nhưng rất khó tranh cãi vì xăng đã được đổ vào bình.

Không những vậy, một số cây xăng lại găm hàng chờ giá lên khiến cho người dân hết sức bất bình. Báo chí đã từng phản ánh rất nhiều lần cây xăng Mai Dịch (đầu đường Lê Đức Thọ) nhiều lần không bán xăng cho người dân. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh xăng dầu này. Mới đây lại có khách hàng phản ánh về việc nghi ngờ cây xăng này có bán xăng chứa tạp chất và cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để kiểm tra xử lí.

Như vậy những cây xăng có hành vi gian dối không chỉ “móc túi” khách hàng mà còn dẫn đến nguy cơ hỏng xe khi dùng những loại xăng không  đạt tiêu chuẩn. Theo đánh giá của nhiều các chuyên gia, xe máy, ô tô sử dụng các loại xăng không đảm bảo chất lượng, trị số octan thấp sẽ rất có hại đối với động cơ có thể dẫn tới nhanh hỏng máy, thậm chí cháy máy gây nguy hiểm cho người sử dụng. Những loại xăng kém chất lượng có thể đã bị pha thêm dầu hỏa, dầu diesel hoặc cồn etanol là những loại nhiên liệu rẻ hơn xăng.

Tuy nhiên, nếu xăng bị pha thêm dầu diesel hay dầu hỏa thì hàm lượng nhựa trong xăng cũng sẽ tăng lên, vượt quá mức cho phép (5mg/100ml) khiến động cơ khi đốt nhiên liệu không cháy hết mà để lại một hợp chất dạng keo bám lên các chi tiết máy gây hỏng động cơ và nhiều “bệnh” khác như khó khởi động, nổ không đều, máy chạy không êm…

Nguyễn Tiến (Tổng hợp)