Đừng để “lời hứa gió bay”!

18/06/2017 08:21
Diệu Linh
(GDVN) - Người Đức có một câu ngạn ngữ rất thâm thúy: "Lời hứa càng dễ dàng bao nhiêu thì càng dễ quên bấy nhiêu".

Trước Quốc hội, các Bộ trưởng trả lời chất vấn đều đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục những hạn chế, xử lý những tồn tại trong thời gian tới. Về mặt này, các Đại biểu Quốc hội đã ghi nhận trách nhiệm ban đầu của các tư lệnh ngành.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đặt ra vấn đề là thế nào giám sát được lời hứa của các Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề: "Qua theo dõi 2 phiên chất vấn 2 ngày rưỡi này cho thấy, khi các Bộ trưởng trả lời với vai trò là tư lệnh ngành để xác định trách nhiệm của mình đều thấy rất khó, rất vướng. Vướng về mặt pháp lý, thủ tục, quy trình, vướng trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện. Rõ ràng có những việc sau nhiều bộ cùng thực hiện, vậy trách nhiệm cuối cùng là thuộc về bộ nào?

Ngay cả bản thân các địa phương trong mấy ngày vừa rồi, lãnh đạo các địa phương cũng có nhiều ý kiến phát biểu cho thấy sự hài lòng giữa các địa phương với các bộ là chưa được hài lòng, cho nên hệ quả là tồn tại hạn chế kéo dài và chậm trễ, ách tắc trong triển khai thực hiện".

Đồng thời, Đại biểu Hoa cũng nêu lên lo lắng về tư duy nhiệm kỳ đã và đang tồn tại ở các ngành, các cấp và có thể thấy rất rõ, chính vì vậy dẫn tới tình trạng có sự cắt khúc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp, cũng như có sự phân tán trong nguồn lực đầu tư, dẫn tới đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Bổ nhiệm cán bộ là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội thời gian qua. ảnh minh họa trên Pháp luật TP. Hồ CHh Minh.
Bổ nhiệm cán bộ là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội thời gian qua. ảnh minh họa trên Pháp luật TP. Hồ CHh Minh.

Trong khi đó Đại biểu  Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) Phú Yên thì bày tỏ quan điểm: "Trước đây, nếu nói doanh nghiệp nhà nước và các dự án kinh tế đầu tư từ nguồn đầu tư công là nắm đấm thép thì nay, sự đắp chiếu của các dự án này và nợ công tăng cao đã trở thành nắm đấm thép hướng tới sự lo lắng, bất an của người dân. Một đứa trẻ vừa mới sinh ra cũng không tránh khỏi lo lắng này.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và lợi ích nhóm ngày càng có xu hướng tương đồng về đặc tính, đảm bảo quy trình theo pháp luật nhưng yếu tố "người nhà", "giọt máu đào hơn ao nước lã" là yếu tố quyết định. Tiến độ thực hiện thì phải hết sức thần tốc.

Pháp luật nghiêm minh, chính sách công khai, thông tin quy trình minh bạch nhưng con đường tìm đến công lý của người dân vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Đừng để “lời hứa gió bay”! ảnh 2

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Tư duy nhiệm kỳ thì không xứng đáng làm cán bộ"

Cho đến nay những tiêu cực, sai phạm về kỷ cương phép nước, thực trạng khó khăn đời sống của người dân vẫn không giảm mà có dấu hiệu phức tạp hơn, gây mệt mỏi cho nhân dân".

Tại Quốc hội chiều 15/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trả lời một phần các nội dung mà ba Đại biểu Quốc hội nêu ra, nêu rõ là Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó phân định rõ và khắc phục tối đa việc bỏ trống hay chồng chéo nhiệm vụ.

Chính phủ đã và đang phê duyệt các nghị định quy định này. Việc phối hợp thực hiện được thể hiện rõ trong quy chế làm việc của Chính phủ, vừa được ban hành.

Chính phủ thực hiện một tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương theo hướng cấp nào sát việc nhất thì cấp đó thực hiện, tránh tình trạng nhiều cấp trung gian, các bộ, ngành không ôm đồm làm thay các địa phương và tập trung ban hành cơ chế, chính sách thanh tra, kiểm tra.

Nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật trên tinh thần xem xét các ban chỉ đạo, không để chồng chéo, không hiệu quả.

Thậm chí, ông Trương Hòa Bình còn nói rằng: “Người được bầu, được bổ nhiệm, phê chuẩn vào các vị trí công tác thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, phải là những cán bộ có đầy đủ chuẩn mực và khi thực thi công vụ thì phải thực hiện đúng theo tinh thần trên.

Những trường hợp như đại biểu nêu thì có thể đó là cán bộ không xứng đáng, cũng có thể do quá trình bầu, bổ nhiệm xuất phát từ khâu quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, đánh giá cán bộ rồi bổ nhiệm chưa chính xác.

Điều này đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ phải làm cho đúng theo các quy định của Đảng và các quy định của pháp luật về việc lựa chọn người xứng đáng để bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn vào các vị trí công tác này”.

Thực tế thì những vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu ra không còn mới, mà đã được đề cập nhiều lần ở Quốc hội ở khóa XIII.

Nhưng điều đáng suy ngẫm là cho đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, những vấn đề tưởng như “xưa cũ” vẫn phải nêu lại và vẫn được coi là vấn đề thời sự, là những chuyện gây bức xúc trong dư luận xã hội, đó là: Tư duy nhiệm kỳ; bổ nhiệm người thân tràn lan; tham nhũng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; nông dân được mùa mất giá; hết nông sản rồi lại đến thịt heo phải “giải cứu…

Thế nên đã có Đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi: Không biết tới đây còn phải giải cứu những gì?

Những vấn đề ấy được nêu ra quả thực không mới, nó cho thấy rằng các bộ, ngành vẫn chưa tìm thấy những giải pháp căn cơ, cho nên cứ vội chạy theo “giải cứu” hết lần này đến lần khác.

Nói như Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Có một số bộ nhận trách nhiệm, sau đó chuyển biến rất tốt nhưng cũng có bộ nhận trách nhiệm, nhưng sau đó chất vấn lại, vẫn chưa có chuyển biến. Thậm chí, nhiệm kỳ sau chất vấn lại vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể”.

Vậy đó có phải "lời hứa gió bay?!".

Diệu Linh