Giáo án soạn cũng chỉ để cho có nên nhiều thầy cô chọn...mua cho tiện

04/05/2020 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ngành giáo dục cũng cần có quy định những giáo viên lâu năm, giáo viên dạy 2-3 năm một khối lớp được miễn kiểm tra giáo án một cách hình thức như hiện nay.

Đọc bài viết: “Thật buồn với chuyện bán mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…của một số giáo viên” của tác giả Kim Oanh đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 3/5, chúng tôi cũng đồng cảm với những băn khoăn, trăn trở của tác giả:

Giáo án được soạn trên vi tính nhưng vẫn phải in ra thể này để kiểm tra (Ảnh tác giả)
Giáo án được soạn trên vi tính nhưng vẫn phải in ra thể này để kiểm tra (Ảnh tác giả)

“Giáo viên đi dạy học mà không tự soạn được giáo án cho mình thì nên đánh giá về người thầy nằm ở ngưỡng trình độ nào đây?”.

Thế nhưng, do cũng là nhà giáo nên chúng tôi hiểu được vì sao nhiều thầy cô giáo lại không tự soạn giáo án mà chọn cách đi xin, copy, đi mua, thậm chí là mua trọn gói (từ công đoạn soạn đến in và trao tận tay)?

Thế nào là giáo án?

Người ta hay ví người nông dân ra ruộng phải có con trâu, cái cày, cái bừa hay cái cuốc…

Giáo viên lên lớp phải có giáo án để giảng dạy. Nếu theo định nghĩa của Từ điển bách khoa Việt Nam bachkhoatoanthu.vass.gov.vn), thì giáo án chính là “kế hoạch và dàn ý giờ lên lớp của giáo viên...”.

Giáo án soạn cũng chỉ để cho có nên nhiều thầy cô chọn...mua cho tiện ảnh 2
Thật buồn với chuyện bán mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…của một số giáo viên

Bộ Giáo dục và đào tạo (2011) định nghĩa “Giáo án là kế hoạch giảng dạy của giáo viên dự định thực hiện cho một bài học, một tiết học hay một buổi lên lớp”.

Như vậy, giáo án là một bản kế hoạch mà từng giáo viên lập ra cho mình để giảng dạy trên cơ sở mục tiêu chung của chương trình quy định.

Bảng kế hoạch ấy, không quy định phải soạn dài dòng, chi tiết mà soạn ngắn gọn đến mức tối đa.

Có thể nói, giáo án của giáo viên ngày nay, đã được tối giản hóa chỉ còn những bước lên lớp, một số phương pháp triển khai trong tiết dạy và thời gian cho từng hoạt động (mang tính dự kiến)…

Giáo viên lên lớp có cần giáo án để giảng dạy không?

Đối với giáo viên vừa ra trường mà làm công tác giảng dạy thì việc soạn giáo án là bắt buộc và vô cùng cần thiết.

Giáo án soạn càng kỹ, thầy cô càng tự tin lên lớp giảng dạy, và cũng nhờ đó mà tiết dạy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Với giáo viên tiểu học còn đỡ, giáo viên bậc trung học trong khi giảng bài, khi cho học sinh ghi những nội dung cần nhớ vào vở để về học nhiều thầy cô giáo mới ra trường còn phải nhìn giáo án cho chuẩn.

Nhưng với những thầy cô giáo dạy lâu năm thì sao?

Những thầy cô giáo này chỉ cần cầm sách giáo khoa và đọc tên bài cần dạy thì nội dung kiến thức cần truyền tải, nội dung ghi bài, hình thức tổ chức lớp học sao cho hiệu quả sẽ được hình thành ngay chứ chẳng cần gì phải bám giáo án để dạy.

Giáo án soạn cũng chỉ để cho có nên nhiều thầy cô chọn...mua cho tiện ảnh 3
Giáo viên muốn bỏ soạn giáo án, ngán ngẩm các hội thi

Cô giáo H. ở Bình Thuận (người có thâm niên dạy 20) cho biết, mình chỉ nghe tên bài học thì trong một phút đã nói vanh vách nội dung của bài, các câu hỏi, phần bài tập, các hình thức và phương pháp triển khai cho tiết dạy.

Thầy giáo M. giáo viên dạy địa lý bậc trung học cơ sở có 30 năm trong nghề nói rằng, mình chẳng bao giờ cần tới giáo án nhưng vẫn có thể giảng bài trơn tru, cho học sinh ghi bài học mà chẳng sai một chữ.

Và hàng chục, hàng trăm thầy cô giáo đã có thâm niên công tác hàng chục năm tự tin khẳng định như vậy.

Thế nhưng, điều đáng nói là tất cả các thầy cô giáo từ người mới ra trường đến người chuẩn bị về hưu vẫn phải soạn giáo án như nhau.

Trong thực tế, giáo án hiện nay soạn xong chỉ để nhà trường kiểm tra hành chính

Phần lớn giáo án hiện nay, giáo viên không dùng để giảng dạy mà chủ yếu dùng giáo án để nhà trường kiểm tra, ghi nhận hồ sơ giáo viên đầy đủ để căn cứ xếp loại thi đua.

Thường người ta quy định, cứ 2 tuần tổ trưởng ký duyệt giáo án một lần. Một năm nhà trường kiểm tra giáo án 2 lần vào cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2.

Đến kỳ kiểm tra, giáo viên chỉ việc in ra, ký duyệt là bộ giáo án ấy đã hoàn thành vai trò trách nhiệm của mình.

Giáo án soạn xong chỉ để ký, vì thế, cũng chẳng mấy thầy cô mặn mà với việc đầu tư chất xám để soạn giáo án cho mất công nên thường sao chép, copy cho nhanh hoặc đặt đồng nghiệp soạn sẵn và trao tay khi nhà trường có đợt kiểm tra.

Dù không đầu tư soạn bộ giáo án kỹ lưỡng, dù chỉ là copy, sao chép nhưng những tiết dạy của nhiều thầy cô giáo vẫn rất hiệu quả.

Điều này đã được minh chứng qua nhiều tiết thao giảng, dự giờ hay kiểm tra dự giờ đột xuất ở nhiều trường học.

Để tránh tình trạng soạn giáo án đối phó, tránh việc giáo viên copy, mua bán giáo án như hiện nay ngành giáo dục cũng cần có quy định những giáo viên lâu năm, giáo viên dạy 2-3 năm một khối lớp được miễn kiểm tra giáo án một cách hình thức như hiện nay.

Phan Tuyết