Có phải giáo viên không … chịu lớn?

15/04/2020 06:44
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Chính cơ chế thiếu cạnh tranh công bằng đã làm giáo viên nói riêng và viên chức nói chung không …chịu lớn.

Bài báo “Vẫn còn đó một bộ phận giáo viên không… chịu lớn” đăng tải ngày 12/04/2020 trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của tác giả Lê Mai, nhận được sự quan tâm của độc giả trong và ngoài ngành giáo dục. 

Tính đến 14 giờ ngày 14/4 đã có 68 lượt bạn đọc bình luận và gần 3500 lượt thích bài viết.

Có nhiều ý kiến bình luận trái chiều quanh quan điểm của bài viết, có ý kiến cho rằng bài viết phản ánh sự thật khách quan trong giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng bài viết còn phiến diện, chưa phản ánh được thực tế ở vùng sâu, vùng xa. 

Nội dung bình luận thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn đọc đến giáo dục, phản ánh nhiều ý kiến bức xúc, mong muốn của nhà giáo.

Đây có thể nói là thành công lớn nhất của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, không dễ có báo hay tạp chí nào hiện nay có được. 

Giáo viên dạy trực tuyến. (Ảnh mang tính minh hoạ: Baoquangninh.com.vn)
Giáo viên dạy trực tuyến. (Ảnh mang tính minh hoạ: Baoquangninh.com.vn)

Bạn PHAN LONG đã viết “Lâu rồi mới thấy bạn viết, sự thật là vậy, nhưng đọc bài của bạn thấy thật quá, vạch áo cho người xem lưng, xót xa quá, trường trung học phổ thông chỗ tôi có nhiều giáo viên còn ko biết tải bài nữa nói gì đến dạy trực tuyến. Buồn!”

Bạn SỰ THẬT lại ủng hộ “Phan Long à, báo chí phải chuyển tải sự thật mới cao quý, Lê Mai đừng nhụt chí, cứ sự thật mà viết”. 

Bạn THÚY THÚY đã viết “Bài viết chê trách giáo viên là sai. Giáo viên là một bộ phận được quản lý và kiểm tra định kỳ, và họ đã đạt yêu cầu. Thì không được mỉa mai họ khi dịch covid xảy đến. Có khó cùng gỡ. Tôn sư trọng đạo.

Mong được chỉ đạo nhiều hơn, đầu tư chất lượng và công nghệ nhiều hơn, mạng mướt hơn để từ sau này về sau có thể khai thác nhiều, học nhiều tại các trang web của nhà trường và bộ giáo dục”.

Bạn PHẠM ĐỨC HƯỞNG viết “Không thể đổ tại cho giáo viên, để học trực tuyến và dạy trực tuyến thầy và trò phải có thời gian, có phần mềm được trang bị bản quyền cùng với đó thày và trò phải được luyện tập, và đặc biệt là thầy và trò phải có đầy đủ công cụ học tập đó là máy tính, internet.

Nếu thiếu một trong các các điều kiện trên sẽ không thể thực hiện được dạy trực tuyến, chưa nói đến trình độ của thầy phải giỏi về máy tính, biết soạn giáo án điện tử và giảng bài, chưa nói đến điều hành lớp học qua thiết bị thông tin”.

Bạn TIỂU QUY viết “Chả riêng gì ngành giáo dục, cứ có chữ "Công" đều như vậy. Chỉ những nơi có chữ "Tư" không được bú mớm nên phải cập nhật công nghệ thông tin sớm để sinh tồn”.

Bạn NGUYỄN CÔNG TOÀN viết: “Những giáo viên không chịu lớn chỉ có ở trường công lập thôi nhà báo ạ”.

Bài báo phê bình ai? 

Bạn ĐỖ NGỌC BÌNH viết “Nhiều bạn nói rằng điều kiện một số nơi không thể học trực tuyến được. Điều đó rất đúng.

Thế nhưng, nếu có điều kiện mà vẫn không học thì tại sao? Tôi nghĩ chắc là tác giả có ý phê phán những giáo viên đó”.

Giảng viên chia sẻ kinh nghiệm quý về dạy tiếng Anh trực tuyến trong mùa dịch
Giảng viên chia sẻ kinh nghiệm quý về dạy tiếng Anh trực tuyến trong mùa dịch

Người viết cũng đồng cảm với bạn Bình, bài viết đang hướng đến đối tượng cụ thể là giáo viên ở vùng không khó, có điều kiện dạy và học trực tuyến, nhưng giáo viên không muốn làm.

Rộng ra nữa cũng phê bình tất cả giáo viên không tự học, đối tượng này không ở vùng miền cụ thể nào cả, bạn không tự học là bạn đáng phê bình; tôi hay bạn không tự học cũng đáng phê bình như thế. 

Có phải giáo viên không …chịu lớn!

Thực tế đã có ý kiến “Một bộ phận công chức, viên chức nước ta sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chính cơ chế thiếu cạnh tranh công bằng đã làm giáo viên nói riêng và viên chức nói chung không …chịu lớn. 

Khách quan mà nói, các trường ngoài công lập tuyển và quản lý giáo viên rất khắt khe, vừa dựa trên bằng cấp và dựa vào thực tế làm việc.

Nếu không làm được việc là thanh lý hợp đồng, rất đơn giản. Vì vậy, giáo viên ngoài công lập phải trau dồi chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật công nghệ thông tin để tồn tại.

Với giáo dục công lập, do lịch sử để lại nên có không ít giáo viên chưa đạt chuẩn của Luật Giáo dục 2019; giáo viên chưa đạt chuẩn thường có tuổi đời cao, sức khỏe đã yếu, tiệm cận tuổi về hưu; kinh nghiệm có thừa nhưng ngoại ngữ, tin học là điểm yếu nhất của họ. 

Nhiều bình luận chỉ rõ, giáo viên muốn lớn cũng … không được vì không có điều kiện để học tập nâng cao trình độ tin học.

Dạy học trực tuyến tại địa phương không thể áp dụng vì học sinh không có thiết bị đầu cuối để học; cơ sở hạ tầng thông tin yếu; cán bộ quản lý cũng yếu, thiếu trình độ; môi trường công tác trong trường học…

Bên cạnh đó, mới có định nghĩa dạy học từ xa, trực tuyến; chưa có chỉ đạo thống nhất dạy học trực tuyến trên cả nước; đặc biệt chưa cung cấp được công cụ, nền tảng để dạy trực tuyến; các địa phương mạnh ai nấy làm, dựa vào phần mềm miễn phí! 

Qủa thật, với những điều kiện như thế muốn lớn cũng khó thật; thế nhưng không phải là không … lớn được. 

Ngay thời điểm này những tấm gương học sinh ở nơi rẻo cao vượt khó tìm chữ qua các bài dạy trực tuyến; những thầy cô giáo thôn bản đến tận nhà học trò giao bài; những tấm gương đó đã lớn hơn chính họ của ngày hôm qua; lớn hơn chính mình hôm qua thế là đủ cho mục đích của giáo dục.

Cơ chế buộc giáo viên …phải tự lớn lên!

Chúng ta sẽ chuyển sang chế độ làm việc theo hợp đồng, trả lương theo vị trí việc làm; siết chặt các điều kiện khi tuyển đầu vào viên chức nói chung và giáo viên nói riêng; muốn đứng làm thầy cô thì buộc phải lớn hơn người khác; muốn tồn tại phải lớn hơn chính mình hôm qua, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ mất việc.

Với cơ chế này, giáo viên không tự học cũng không được, buộc giáo viên phải …lớn!

Vì thế, bạn và tôi phải tự học ngay từ bây giờ, đừng đợi đến ngày mai, có vậy mới không bị bỏ lại phía sau trong thời đại công nghệ số; bỏ lại là coi chừng bị cắt hợp đồng, không tự lớn lên cũng không được!

Sơn Quang Huyến