Giáo dục, Xây dựng, đất đai Hà Nội “ngổn ngang”, trách nhiệm lãnh đạo ở đâu?

05/12/2018 06:49
Nhật Minh
(GDVN) - Không khó để nhận ra, nửa nhiệm kỳ vừa qua, các lĩnh vực giáo dục, xây dựng, quản lý đất đai tại Hà Nội luôn là vấn đề nóng với nhiều vụ việc nổi cộm.

Lớp học quá tải, đánh đố thi cử học sinh cuối cấp và giáo dục đi lo… bán sữa học đường

Gần đây nhất, sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận với giáo dục Thủ đô lại không mấy liên quan đến giáo dục.

Đó lại là chuyện ồn ào liên quan đề Đề án Sữa học đường được triển khai ở các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thủ đô.

Giáo dục, quản lý đất đai, Xây dựng còn "ngổn ngang trăm mối tơ vò". Ảnh minh họa: N.M
Giáo dục, quản lý đất đai, Xây dựng còn "ngổn ngang trăm mối tơ vò". Ảnh minh họa: N.M

Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã có công văn số 7125/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện chương trình Sữa học đường, trong đó viết rõ:

"Giao Sở Y tế làm đầu mối phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động thương binh - Xã hội và các ban ngành liên quan xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường của tỉnh” để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường".

Tuy nhiên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao công việc này cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Thực tiễn triển khai cho thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể tổ chức phân phối sữa vào trường học rất tốt với đầy đủ lớp lang, ban bệ và cả cách hướng dẫn các hiệu trưởng, giáo viên quảng cáo cho loại sữa Hà Nội đặt hàng làm riêng, chỉ Thủ đô mới có.

Nhưng quan trọng nhất là công cụ kiểm soát năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu của nhà thầu cũng như quy trình sản xuất ly sữa tươi chất lượng, an toàn và đồng nhất, thì bài thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn toàn bỏ qua.

Giáo dục, Xây dựng, đất đai Hà Nội “ngổn ngang”, trách nhiệm lãnh đạo ở đâu? ảnh 2Nhiều trường ở Hà Nội sĩ số lớp học lên đến 50, 60 em

Tạm gác vấn đề sữa học đường lại, dư luận vẫn hẳn chưa quên câu chuyện quá tải xảy ra như chuyện cơm bữa ở Hà Nội.

Theo khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có 19/772 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học.

Cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp tập trung ở quận Cầu Giấy

Có 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp học.

Cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trong đó có 3 trường có sĩ số từ 60 học sinh trở lên/lớp.

Ở khối Trung học cơ sở, có 13/599 trường công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp. (1)

Đặc biệt về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố dù chưa thi nhưng đã gây rất nhiều lo lắng.

Theo đó, đối với lớp 10 trung học phổ thông không chuyên, sẽ thực hiện thi tuyển 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư.

Trong đó, bài thi thứ 4 được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở).

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chọn bài thi môn thứ tư vào tháng 3.

Những cơn “đau đầu” do giáo dục tạo nên cho người dân Thủ đô thì với trách nhiệm là người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Chử Xuân Dũng khó có thể nói đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vi phạm xây dựng vẫn còn tràn lan

Theo thống kê 8 tháng đầu năm 2018, các đơn vị chức năng của thành phố đã tiến hành kiểm tra 15.299 công trình có tính chất xây dựng (đạt 100% các công trình xây dựng trên địa bàn).

Trong đó, có 824 công trình vi phạm (giảm 867 trường hợp so với cùng kỳ 2017); đã giải quyết, xử lý 680 công trình và đang trong quy trình xử lý giải quyết 144 công trình vi phạm còn lại…(2)

Trước đó, từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017, lực lượng thanh tra xây dựng đã phát hiện trên 1.900 công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Giáo dục, Xây dựng, đất đai Hà Nội “ngổn ngang”, trách nhiệm lãnh đạo ở đâu? ảnh 3Sở Xây dựng Hà Nội mới chỉ nghe nói, chưa thấy chỉ đạo gì của Chính phủ

Trong số này, chiếm lớn nhất là các công trình không phép (gần 800 công trình), công trình sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế (gần 400 công trình)…(3)

Tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố vào tháng 7 vừa qua, việc quản lý vận hành nhà chung cư tại Hà Nội còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc.

Trong đó, các vấn đề như tranh chấp phần diện tích chung riêng, không bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì, hoạt động của ban Quản trị, trách nhiệm quản lý Nhà nước ra sao cũng được chọn là vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn.

Địa điểm kinh doanh tầng 1 của các nhà tái định cư do cư dân sử dụng không đúng phép, nhưng hiện nay còn 12 địa điểm chưa thu hồi, vậy nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm do ai? Trách nhiệm của sở Xây dựng về việc chưa có chế tài xử lý việc chậm thành lập ban Quản trị, chậm bàn giao hồ sơ?

Các vấn đề này đến nay vẫn còn là những vấn đề bức xúc hiện hữu tại nhiều chung cư. Và trách nhiệm của người đứng đầu Sở Xây dựng là ông Lê Văn Dục ra trong những tồn tại này?

Quản lý đất đai tồn tại nhiều sai phạm dai dẳng

Những sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thời gian qua tốn không ít giấy mực của báo chí.

Đáng nói, tại 2 địa phương này ngoài những sai phạm cũ chưa được giải quyết thì lại xuất hiện thêm cả sai phạm mới liên quan đến quản lý đất đai đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Trước đó, vào ngày 13/8, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Giáo dục, Xây dựng, đất đai Hà Nội “ngổn ngang”, trách nhiệm lãnh đạo ở đâu? ảnh 4Hà Nội thừa nhận chậm trễ xử lý vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trong lời dẫn đề đã nêu: "Sau đợt giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân Thành phố vừa qua về các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố đối với 8 sở ngành và 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân". (4)

Theo báo cáo tại phiên giải trình, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23....(5)

Với những tồn tại trên, người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường là ông Nguyễn Trọng Đông sẽ còn phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo phân công quản lý.

Danh sách 36 chức danh lấy phiếu tín nhiệm gồm:

Khối Hội đồng Nhân dân Thành phố gồm: Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch; Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch thường trực; Bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó chủ tịch; Bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách; Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế; Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị; Ông Trần Thế Cương - Trưởng ban Văn hóa Xã hội; Ông Lê Minh Đức - Chánh văn phòng.

Khối Ủy ban Nhân dân Thành phố có các chức danh gồm: Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch; Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch Thường trực; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch; Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch; Ông Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch; Ông Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch; Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó chủ tịch.

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng; Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Ông Vũ Đăng Định - Giám đốc Sở Ngoại vụ; Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao; Ông Hà Minh Hải - Giám đốc Sở Tài chính; Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế; Ông Nguyễn An Huy - Chánh Thanh tra; Ông Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố; Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ; Ông Khuất Văn Thành - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương; Ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp; Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc; Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc; Ông Phạm Quý Tiên - Chánh Văn phòng.

Nguồn:

(1):  http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhieu-truong-o-Ha-Noi-si-so-lop-hoc-len-den-50-60-em-post193052.gd

(2): https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-100-cong-trinh-xay-dung-duoc-kiem-tra-ky-luat-nhieu-thanh-tra-xay-dung-co-vi-pham/784012.antd

(3):https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2807524/8/tang-cuong-chan-chinh-ky-cuong-ky-luat-trat-tu-xay-dung.html;jsessionid=q+c02hD3C2JlEjBqhJa7cZoo.app2

(4): http://kinhtedothi.vn/phien-giai-trinh-ve-du-an-von-ngoai-ngan-sach-cham-trien-khai-322945.html

(5):  https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-noi-co-hon-380-du-an-cham-trien-khai-3791634.html

Nhật Minh