Giáo viên, người dân toát mồ hôi vì giá vé tàu ra đảo Cô Tô tăng

23/04/2019 06:33
LÃ TIẾN
(GDVN) - Giá vé vận chuyển khách tuyến Vân Đồn- Cô Tô (Quảng Ninh) tăng đột ngột khiến người dân, du khách và giáo viên đang giảng dạy trên đảo “toát mồ hôi”.

Tay cầm sách vở, đồ dùng học tập, lưng đeo ba lô, cô giáo Bùi Bích P. mặt biến sắc và tỏ ra bức xúc khi nhân viên bán vé tàu khách thủy tuyến Cô Tô- Vân Đồn thông báo giá vé tăng lên 250.000 đồng/lượt.

Theo cô giáo P., tuần trước cô từ đảo Cô Tô về chỉ phải mua vé với giá 200.000 nghìn đồng, nhưng không hiểu sao sang tuần này giá vé lại tăng chóng mặt như vậy.

“Tôi là giáo viên giảng dạy ngoài đảo Cô Tô nhưng gia đình lại sinh sống tại trung tâm huyện Vân Đồn.

Vì thế, cứ chiều chủ nhật hoặc sáng thứ 2 tôi mua vé tàu ra đảo, đến cuối tuần lại mua vé về với gia đình.

Vé tàu tăng cao như vậy, tôi và các đồng nghiệp sẽ phải tính toán hạn chế về thăm gia đình để tiết kiệm chi phí”, chị P. nói.

Người dân sinh sống trên đảo Cô Tô bức xúc vì giá vé tàu ra đảo tăng (Ảnh: Lã Tiến)
Người dân sinh sống trên đảo Cô Tô bức xúc vì giá vé tàu ra đảo tăng (Ảnh: Lã Tiến)

Bà Đoàn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô cho biết: “Toàn ngành có khoảng 40 giáo viên đang sinh sống trong đất liền nhưng công tác trên đảo, phần lớn các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn.

Các thầy, cô giáo phải bỏ tiền túi ra mua vé tàu ra ngoài đảo làm việc, trong khi thu nhập từ nghề dạy học lại thấp nên họ bức xúc về việc tăng giá vé là điều dễ hiểu”.

Theo phản ánh của nhiều người dân đang sinh sống trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh), từ ngày 21/4/2019, các doanh nghiệp vận tải khách thủy tuyến Vân Đồn – Cô Tô và ngược lại đã đồng loạt tăng giá vé .

Theo đó, năm nay, giá vé tăng đồng loạt từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng/người/lượt.

Giá vé tàu khách tuyến Vân Đồn - Cô Tô và ngược lại tăng lên 250.000 đồng/người/lượt. (Ảnh: Lã Tiến)
Giá vé tàu khách tuyến Vân Đồn - Cô Tô và ngược lại tăng lên 250.000 đồng/người/lượt. (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Nguyễn Đức Long (50 tuổi, trú tại huyện Cô Tô) cho biết: “Đây không phải là lần đầu các doanh nghiệp vận tải khách thủy tăng giá vé.

Năm ngoái, cũng vào khoảng thời gian này, giá vé dành cho người dân trên đảo tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng; vé cho du khách tăng từ 200.000 đồng lên 230 nghìn đồng”.

Ông Long cho rằng, việc các doanh nghiệp tăng giá vé là bất hợp lý, nhất là những người thường xuyên vào đất liền như ông.

“Mỗi tuần tôi phải vào trung tâm huyện Vân Đồn ít nhất 2 lần để lấy hàng cho cửa hàng của gia đình.

Với giá vé như hiện nay, tôi phải chịu thêm 50.000 đồng mỗi lượt, tính ra cả tháng tôi mất thêm cả triệu bạc tiền mua vé tàu. Trong khi đó, chúng tôi cũng không thể tự ý tăng giá bán các mặt hàng”, ông Long bức xúc.

Nghịch lý giáo viên hợp đồng: Lương thấp, làm việc nhiều và ít được coi trọng

Cũng theo ông Long, hiện nay, tại khu vực cảng Cái Rồng có một số hàng tàu như: Ka Long, Nguyên Việt, Mạnh Quang, Quang Minh, Toàn Trang…

Các hãng này đã liên doanh lại với nhau, tăng giá vé đồng loạt nhưng không cho người dân, du khách được lựa chọn hãng tàu họ thích.

Người dân, du khách và giáo viên phải mua vé, xuống tàu theo sự sắp xếp của nhân viên của các hãng tàu.

Điều đáng nói là, các doanh nghiệp vận tải không chỉ tăng giá vé tàu, mà còn thu vé đối với trẻ em trên 1 tuổi.

Việc tăng giá vé tàu có tác động lớn đến người dân đang sinh sống trên đảo Cô Tô, khổ nhất là các gia đình có người bị ốm đau phải vào đất liền điều trị.

Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Bích có con trai bị thiếu máu. Mỗi tháng một lần, gia đình anh Bích phải đưa con ra Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp máu.

Mỗi lần đi như vậy, anh Bích phải mất khoảng 2 triệu tiền vé tàu. Do đó, anh Bích mong muốn các cấp chính quyền có giải pháp bình ổn giá vé để giúp những người dân như anh không phải chịu thiệt thòi.

Theo một số chủ khách sạn, nhà nghỉ tại huyện Cô Tô, việc tăng giá vé tàu khách thủy tuyến Vân Đồn - Cô Tô và ngược lại còn tác động mạnh tới ngành du lịch của huyện đảo.

Năm nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành không chọn Cô Tô để tổ chức tua cho du khách vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 khiến thời điểm này nhiều khách sạn vẫn trống phòng.

Trong khi đó, các năm trước, vào thời điểm này, các khách sạn, nhà nghỉ đều “cháy” phòng.

Giáo viên, người dân và du khách đều tỏ ra bức xúc vì giá vé tàu ra đảo Cô Tô tăng (Ảnh: Lã Tiến)
Giáo viên, người dân và du khách đều tỏ ra bức xúc vì giá vé tàu ra đảo Cô Tô tăng (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp vận tải hành khách có vài lần tăng giá vé vào dịp cao điểm như: ngày lễ, hè.

Lý do các doanh nghiệp đưa ra, họ tăng giá vé vì phải đầu tư nâng cấp tàu, giá xăng dầu tăng…

“Trước đợt tăng giá vé năm nay, Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Cô Tô- Vân Đồn và ngược lại bình ổn, giữ nguyên giá vé vận chuyển khách để bảo đảm an sinh xã hội.

Các doanh nghiệp chỉ tăng giá vé khi có biến động tăng về giá nhiên liệu theo quy định hoặc có sự đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng bến và chất lượng dịch vụ”, ông Vũ nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, đến nay, Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh.

LÃ TIẾN