Nghịch lý giáo viên hợp đồng: Lương thấp, làm việc nhiều và ít được coi trọng

15/04/2019 06:47
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng tâm sự: Cách nhà trường đối xử giữa giáo viên hợp đồng với giáo viên biên chế cũng có sự phân biệt trong khi cống hiến là như nhau.

Nếu vì đồng lương đã không chọn nghề giáo viên

Đến thời điểm này, nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội đã xác nhận bỏ nghề vì thời gian gửi hồ sơ dự thi viên chức cũng đã hết.

Tuy nhiên họ cũng muốn có một tiếng nói công tâm. Cô T.T.H giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn cho biết:

"Chúng tôi ngay từ đầu khi có thông tin thi viên chức nhiều người đã xác định bỏ nghề.

Nghịch lý giáo viên hợp đồng: Lương thấp, làm việc nhiều và ít được coi trọng ảnh 1Cuộc đời bị lãng quên của những giáo viên hợp đồng ở Hà Nội

Tuy nhiên điều chúng tôi mong xã hội hiểu cho: Chúng tôi gắn bó với nghề giáo không hoàn toàn vì một chỗ trong biên chế.

Tất nhiên ai đi dạy cũng mong mình được vào biên chế nhưng đó không phải là sự kỳ vọng lớn nhất vào nghề giáo.

Nếu vì đồng lương thì càng không phải. Bởi có nhiều chị em làm thêm và trở nên giàu có.

Có những người kinh doanh, nhà cửa khang trang rộng rãi nhưng vẫn đi dạy. Như vậy họ đâu chấp nhận phụ thuộc vào lương nhà giáo.

Họ vẫn sống đàng hoàng và mức lương thấp không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ".

Thầy T.H.N sau 8 năm hợp đồng đã bỏ nghề vào miền Nam để lựa chọn một con đường khác:

"Đến thời điểm này mình không kỳ vọng vào việc có được ký hợp đồng hay biên chế hay không? Bởi niềm tin cũng như sự hy vọng đã mất từ lâu rồi.

Mình còn trẻ mình có thể thay đổi được môi trường làm việc và nói thẳng mình không sống vì đống lương.

Nếu như ai đó cho rằng những giáo viên hợp đồng lo sợ bị mất việc làm thì cũng đúng nhưng không đủ.

Nhiều thầy cô giáo họ đi dạy vì tình yêu nghề thực sự. Nếu vì đồng lương thì họ đã kiến nghị hoặc bỏ nghề từ lâu rồi".

Cô T.T.L giáo viên hợp đồng 21 năm tại Mỹ Đức bộc bạch:

"Nếu vì đồng lương vì một suất biên chế thì bao nhiêu năm nay chúng tôi đã bỏ nghề hoặc đã kiến nghị rồi.

Nhưng mọi người thấy đó từ trước đến nay giáo viên có kêu ca phàn nàn gì về mức lương đâu.

Chúng tôi vẫn cống hiến ngày đêm cho sự nghiệp giáo dục và có đòi hỏi gì đâu, họ trả lương như thế nào thì chúng tôi nhận lương như vậy.

Nhưng điều chúng tôi cảm thấy uất nghẹn là cách đối xử với những giáo viên hợp đồng như chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương".

Cô L cũng cho biết: Đây là một "dịp may" để có thể cắt đứt mối lương duyên với nghề:

"Họ trả lời với chúng tôi rằng vì họ quá nhân đạo nên mới giữ giáo viên hợp đồng đến ngày hôm nay.

Nhưng xin thưa có những người dạy gần 20 năm mà thu nhập còn không bằng lương cơ bản.

Nếu họ nhân đạo thì đã trả lương cho chúng tôi như những nơi khác và đóng bảo hiểm cho chúng tôi chứ không phải đến tận ngày hôm nay mà chúng tôi chưa được đóng 1 tháng bảo hiểm nào.

Thà trước đây họ cứ cắt hợp đồng của chúng tôi thì chúng tôi còn có một con đường khác để đi.

Thế nhưng Huyện cứ giữ giáo viên lại rồi tuyển dụng ồ ạt và sa thải. Đến ngày hôm nay chúng tôi nhận lại trái đắng".

Nhiều giáo viên hợp đồng có đóng góp không thua kém gì so với giáo viên biên chế (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều giáo viên hợp đồng có đóng góp không thua kém gì so với giáo viên biên chế (Ảnh: Vũ Ninh)

Nhiều giáo viên phản ánh động lực để họ tiếp tục dạy hợp đồng xuất phát từ tình yêu nghề và sự hi vọng sẽ được đối xử một cách bình đẳng.

Đối với những giáo viên hợp đồng lâu năm nhiều người giữ chức vụ tổ trưởng, tổ phó nhiều năm liền.

Chị N.T.N giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn tâm sự:

"Nhiều trường họ cũng buồn khi giáo viên hợp đồng bị mất việc.

Bởi các chị ấy dù sao cũng công tác lâu năm trong ngành lại giữ chức vụ của trường.

Có chị làm tổ trưởng chuyên môn, có chị phụ trách hoạt động Đoàn, đội.

Bây giờ chúng tôi nghỉ các giáo viên biên chế họ cũng sốt vó đấy. Bởi chúng tôi nghỉ thì họ sẽ phải dạy nhiều hơn, sẽ vất vả hơn.

Như trường tôi dù thứ 7, chủ nhật nếu có việc thì giáo viên hợp đồng vẫn sẽ phải đến giải quyết.

Trong khi đó nhiều giáo viên biên chế họ còn ỷ lại việc cho chúng tôi".

Nhiều giáo viên hợp đồng đưa ra nghịch lý: Chúng tôi lương thấp nhưng làm việc chẳng kém ai thậm chí còn năng suất và hiệu quả hơn nhiều giáo viên biên chế.

Nghịch lý giáo viên hợp đồng: Lương thấp, làm việc nhiều và ít được coi trọng ảnh 3Giáo viên hợp đồng tại Ba Vì rơi nước mắt làm đủ thứ nghề để sống

Lý giải về điều này, chị N. cho biết:

"Bên cạnh tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, chúng tôi phấn đấu với sự hi vọng lớn lao sẽ được ghi nhận và đặc cách vào biên chế.

Vì thế nhiều giáo viên hợp đồng không ngại khó, không ngại khổ. 

Nhiều người hỏi tại sao chúng tôi bỏ nghề?

Vì cứ đến khi chúng tôi chán nản thì lại có người rỉ tai cứ cống hiến đi biết đâu được vào biên chế. Vậy là chúng tôi cống hiến và chờ đợi".

Sự bất công từ trong chính các trường học

Cô Đ.T.N giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì uất nghẹn:

"Đến thời điểm này tôi muốn nói một tiếng công bằng cho những giáo viên hợp đồng như chúng tôi.

Điều chúng tôi cảm thấy buồn nhất đó là cách hành xử theo lối vắt chanh bỏ vỏ.

Chúng tôi không được ghi nhận dù cống hiến bao nhiêu năm. Đùng một cái hàng nghìn người bị sa thải.

Đối với chúng tôi việc ký tiếp hợp đồng không phải là điều quan trọng nhất là là nỗi buồn khi sa thải.

Chúng tôi sẽ đối diện với dư luận xã hội như thế nào, với những phụ huynh với những học sinh ra sao.

Người tốt cảm thông còn người xấu thì sẽ nói vì chúng tôi không đủ chuyên môn nên mới bị đuổi trong khi chúng tôi đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh".

Thầy T.H.N thì "tủi thân" vì đến tận buổi dạy cuối cùng cũng không được một lời tri ân từ ngôi trường thầy gắn bó nhiều năm:

"Miệng thì họ nói công bằng nhưng thực tế giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế luôn có sự phân biệt rõ ràng.

Lấy ví dụ chúng tôi không được tham gia dự thi giáo viên giỏi, không được bình xét thi đua.

Trong khi đó những công việc nặng và không tên toàn giao cho giáo viên hợp đồng.

Những năm trước giáo viên hợp đồng còn không được kết nạp Đảng. Một vài năm nay thì họ nới lỏng quy định hơn.

Từ việc nhỏ như việc đi quà cho sếp giáo viên hợp đồng cũng phải đóng góp nhiều hơn".

Nhiều giáo viên hợp đồng cảm thấy bức xúc vì bị phân biệt đối xử ngay trong chính ngôi trường mình đang công tác (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều giáo viên hợp đồng cảm thấy bức xúc vì bị phân biệt đối xử ngay trong chính ngôi trường mình đang công tác (Ảnh: Vũ Ninh)

Sự bất công và phân biệt giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế đã được cô T.T.L chỉ rõ:

"Năm đó tôi may mắn được cử đi thi giáo viên dạy giỏi bởi vì chị giáo viên cùng trường năm đó sinh em bé.

Nhà trường không có ai để cử đi thì mới đến lượt mình.

Đấy cũng là năm duy nhất có giáo viên hợp đồng trong trường được đi thi còn không thì chẳng đến lượt chúng tôi.

Sau đợt này trường tôi có 14 giáo viên hợp đồng nghỉ việc. Nhà trường cũng như các giáo viên biên chế cũng lo lắm chứ.

Vì nhiều khi công việc nặng toàn chúng tôi làm, thời gian dạy còn nhiều hơn giáo viên biên chế. Nên họ cũng chẳng thích chúng tôi nghỉ đâu".

Một giáo viên hợp đồng (xin phép được dấu tên) bức xúc với cách hành xử của một số huyện:

"Mặc dù thành phố đã có chỉ đạo không tuyển thêm giáo viên hợp đồng nhưng huyện và trường tôi vẫn ồ ạt tuyển.

Năm nào cũng có thêm 1-2 giáo viên hợp đồng về trường. Bây giờ sa thải thì sa thải một loạt.

Tôi hỏi từng ấy năm trường vẫn thiếu chỉ tiêu viên chức sao huyện không giải quyết mà cứ dùng dằng đến tận bây giờ.

Rồi tình trạng tuyển ồ ạt sau đó thì sa thải mới đẩy chúng tôi vào tình cảnh này.

Cách hành xử kiểu vắt chanh bỏ vỏ như thế này khiến chúng tôi cảm thấy thực sự thiếu công bằng".

Vũ Ninh