GS Võ Quý: "Hình ảnh con khỉ mang thai bị giết vẫn luôn ám ảnh tôi"

27/07/2012 13:26
Hoàng Lực
(GDVN) -Trước những hành động săn bắt giết hại động vật dã man hiện nay, GS.TSKH Võ Quý nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 20 năm, khi ông có dịp đến đất nước Colombia. Ở đó có một tộc người không săn bắt động vật vì suy nghĩ đơn giản: “động vật nó cũng biết đau...”.


Ở cái tuổi 83, nhưng những ký ức những chuyến đi rừng sống cùng thiên nhiên với GS.TSKH Võ Quý vẫn còn nguyên như ngày nào. Chia sẻ với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khi xem những hình ảnh giết hại hai con voọc xám mới đây, với riêng ông vẫn là một cú sốc. Là nhà khoa học đầu ngành về sinh học, với kiến thức sâu rộng về thiên nhiên, các loài động vật ở Việt Nam nên ông quen mặt biết tên từng loài động vật và đặc tính của nó.
Ngay khi những hình ảnh đầu tiên được đăng tải lên mạng xã hội facebook về việc giết hại dã man hai con voọc. Có người gửi ảnh nhờ ông xác định tên và đặc tính loài khỉ này. GS.TSKH Võ Quý kể: “Khi vừa mở mail, nhìn những bức ảnh như thế tôi thật sự sợ hãi, từ đó đến nay những hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi”.

Nhìn cảnh săn bắt thú rừng tận diệt, GS.TSKH Võ Quý thấy đau lòng (ảnh nguồn Internet)
Nhìn cảnh săn bắt thú rừng tận diệt, GS.TSKH Võ Quý thấy đau lòng (ảnh nguồn Internet)


Với GS.TSKH Võ Quý hành động giết hại hai con voọc là mất hết nhân tính, kẻ giết hại con vật như thế không đáng là một con người. Theo GS.TSKH Võ Quý loài voọc xám bị hai thanh niên giết hại có đặc tính cộng đồng rất cao. Có thể con voọc bị bắt đã chịu đau để giải cứu cả đàn.
Loài voọc này cũng có tình mẫu tử rất cao, khi việc chăm sóc voọc con hầu hết do con cái. “Nếu là người tinh ý khi nhìn sâu vào đôi mắt con voọc bị hành hạ ta thấy dường như nó đang khóc, những giọt nước mắt van xin tha mạng cho con nó trong bụng” – GS.TSKH Võ Quý ngậm ngùi chia sẻ.
Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 20 năm khi ông có dịp được đến thăm một bộ tộc người cổ có tên Kogi tại vùng núi Sierra, Colombia. Một bộ tộc ít người luôn trốn tránh người da trắng. May mắn khi được một người bảo trợ bộ tộc dẫn đường, vượt qua hàng trăm cây số vượt lên đỉnh núi cao hơn 4000 m. Cùng với 2 ngày đi bộ xiên rừng, khi tiếp cận bộ tộc phát hiện nhiều điều kỳ thú.

Có lẽ bất ngờ nhất là ngay giữ làng, những loài động vật tự nhiên như hươu, nai, gấu, lợn rừng thỏa mái đi lại. Bộ tộc này có quan niệm rất đơn giản: “Động vật nó cũng biết đau...”. Chính vì thế trong suốt cuộc đời họ hầu như không ăn thịt động vật, cá săn bắt được. Người thuộc bộ tộc này chỉ sử dụng một lượng nhỏ thịt động vật chăn nuôi được.
Tuy vậy tuổi thọ trung bình của bộ tộc này từ trên 100 tuổi trở lên. Quá  bất ngờ khi ngay cả những động vật hung dữ như hổ, báo luôn quanh quẩn quanh làng nhưng không hề quậy phá. Qua lời một trưởng lão, thì do bộ tộc này không săn bắn động vật nên ngược lại các loài động vật cũng không phá hại hoa mầu con người.
GS Võ Quý có thể ngồi lặng hàng giờ để ghi lại tiếng chim (ảnh nguồn Internet)
GS Võ Quý có thể ngồi lặng hàng giờ để ghi lại tiếng chim (ảnh nguồn Internet)
Từ câu chuyện về một bộ tộc xa xôi, GS.TSKH Võ Quý cho rằng: “Chúng ta còn phải học bộ tộc Kogi tính nhân văn, nhân đạo. Những việc làm tra tấn, giét hại hai chú voọc của hai thanh niên kia, nếu là người bộ tộc Kogi sẽ bị đuổi vào rừng bị cộng đồng xa lánh và chắc chắc sẽ bị thiên nhiên trừng trị”.
Giải đáp những hành động giết hại động vật kiểu tận diệt như ở nước ta, GS.TSKH Võ Quý cho rằng do cách nhìn nhân của xã hội về môi trường thiên nhiên còn thấp.

Nhớ lại những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, khi ta có chủ trương khai thác rừng. Chính GS.TSKH Võ Quý là người có nhiều công trong việc đưa ra ý kiến nhằm quy hoạch việc khai thác rừng tránh việc săn bắt động vật, khai thác rừng tràn lan.
Có lần ông may mắn được gặp Tổng bí thư Lê Duẩn, sau khi trình bày tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. GS.TSKH Võ Quý được nhận lời khen của Tổng bí thư Lê Duẩn, cùng với đó là lời động viên phải cố gắng hơn nữa trong việc tuyên truyền kiến thức bảo vệ thiên nhiên, tầm quan trọng của nó xuống từng địa phương.
Nói đến những việc giết hại động vật, săn bắn coi đó là món ăn đại bổ, GS.TSKH Võ Quý nhận định: “Không phải ăn cái gì tốt cái đó đâu, tôi vào rừng bao năm chưa từng giết hại hay ăn thịt một động vật nào mà giờ vẫn khỏe mạnh. Đấy chỉ là cái cớ biện minh cho sự dã man, mất nhân tính của con người”.
Đồng thời theo GS.TSKH Võ Quý để giảm đi việc săn bắt giết hại, trước hết phải ngăn chặn từ nguồn cầu. “Ai có tiền ăn thịt thú rừng? Ăn thịt thú rừng ở đâu? Từ đó xử phạt nghiêm thập chí truy cứu hình sự với kẻ chế biến, bán tiêu thụ thịt thú rừng sẽ giảm ngay việc săn bắn, vì người đi săn chủ yếu người nghèo do hoàn cảnh nên họ mới phải làm như vậy” – GS.TSKH Võ Quý cho biết.
Cũng theo GS.TSKH Võ Quý, các lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương cần có cách nhìn mới về tầm quan trọng bảo vệ môi trường. Nó không chỉ quan trọng về vấn đề khí hậu, môi trường sống mà nó còn liên quan đến an ninh quốc gia.

>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn

>>>TRA CỨU ĐIỂM THI ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG 2012
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Hoàng Lực