Hải quân Ấn Độ hôm nay nhận tàu chiến nội địa lớn nhất INS Calcutta

16/08/2014 09:44
Việt Dũng
(GDVN) - Hải quân Ấn Độ sẽ nhận 2 tàu chiến mới gồm tàu khu trục INS Calcutta và tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta, ngoài ra muốn mua tàu ngầm lớp Amur của Nga...

Tàu nội địa lớn nhất INS Calcutta Ấn Độ 

Tàu chiến nội địa lớn nhất Ấn Độ, tàu khu trục INS Calcutta sẽ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào ngày hôm nay (16/8) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhưng vũ khí phòng không chủ yếu của nó sẽ chưa được trang bị.

Tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta, Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta, Hải quân Ấn Độ

Thiếu tướng Hải quân Singh cho biết, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa (LR-SAM) Ấn Độ đang do công ty liên doanh Ấn Độ-Israel nghiên cứu chế tạo, dự kiến sau khi hoàn thành thử nghiệm vào tháng 9 sẽ trang bị cho tàu Calcutta; tàu khu trục lớp 6.800 tấn này sẽ có hệ thống vũ khí tầm gần và 2 pháo chính hiệp đồng bảo vệ.

LR-SAM là vũ khí phòng không chủ yếu của tàu chiến tương lai Hải quân Ấn Độ, nhưng do sự cố công nghệ nên có kế hoạch bị trì hoãn. Quan chức Hải quân cho biết, 4 động cơ phía sau của hệ thống tên lửa này đã có kế hoạch gửi tới Israel tiến hành kiểm tra, nhưng do Tây Á liên tục xảy ra xung đột nên phải giữ lại ở Hàn Quốc, động cơ này hiện đã bị triệu hồi, sau đó sẽ gửi đến Israel.

Quan chức hải quân còn cho biết, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) từng tự nghiên cứu phát triển thiết bị định vị thủy âm kéo (sonar kéo), nhưng cuối cùng thất bại, vì vậy tàu chiến Calcutta sẽ không thể lắp sonar kéo.

Bộ trưởng Quốc phòng Arun Jaitley sẽ chủ trì lễ biên chế tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo vào ngày 23 tháng 8 tới, tàu này do nhà máy đóng tàu Garden Reach (GRSE) ở Calcutta chế tạo.

Tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta, Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta, Hải quân Ấn Độ

Tàu khu trục INS Calcutta sẽ gia nhập Hạm đội miền Tây, Bộ tư lệnh miền Tây, Hải quân Ấn Độ, còn tàu INS Kamorta sẽ gia nhập Hạm đội Bộ tư lệnh miền Đông ở Visakhapatnam.

Một quan chức lâu năm của Hải quân Ấn Độ cho biết, chi phí của hai chương trình nên trên đang không ngừng tăng lên, chiếc đầu tiên trong chương trình 3 tàu khu trục Project-15 là INS Calcutta bị trì hoãn kéo dài, chi phí từ 305,1 tỷ rupee ban đầu từng bước tăng lên 1.166,2 tỷ rupee hiện nay – đây là chi phí chưa từng có của Ấn Độ. 60% tàu INS Calcutta là do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo, tàu này có tính năng tàng hình rất tốt và trang bị hệ thống vũ khí và theo dõi tiên tiến nhất của Ấn Độ.

Quan chức hải quân cho biết, chương trình 28 (Project 28) sẽ chế tạo 4 tàu hộ vệ trong đó có tàu INS Kamorta, do chương trình đã kéo dài hơn 2 năm, chi phí chương trình từ 305,1 tỷ rupee ban đầu không ngừng tăng lên. 90% tàu hộ vệ INS Kamorta do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo, tất cả vũ khí trên tàu cũng do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo.

2 tàu chiến lớp Calcutta gồm INS Chennai và INS Cochin dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2015, tức 16 tháng sau.

Biên đội tàu chiến Ấn Độ (ảnh minh họa)
Biên đội tàu chiến Ấn Độ (ảnh minh họa)

Trước đó, tàu khu trục Type P15 đầu tiên mang tên Calcutta ban đầu có kế hoạch bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2010, nhưng do vấn đề công nghệ nên phải trì hoãn. Đây là tàu khu trục cỡ lớn có khả năng phòng không nhất định do Ấn Độ tự thiết kế chế tạo.

Tàu này áp dụng rất nhiều tư tưởng thiết kế phương Tây, bề ngoài có sự khác biệt rõ rệt so với tàu chiến kiểu Nga, nhưng tên lửa phòng không tầm xa trang bị cho nó vẫn đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo ở Israel. Hải quân Ấn Độ có kế hoạch trang bị 3 tàu khu trục Type P15.

Còn tàu hộ vệ hạng nhẹ săn ngầm Type P28 đầu tiên mang tên INS Kamorta khởi công chế tạo vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, hạ thủy vào ngày 19 tháng 4 năm 2010, dài 110 m, lượng giãn nước 3.400 tấn, tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ, có 13 sĩ quan và 176 thủy thủ. Hải quân Ấn Độ có kế hoạch trang bị 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ săn ngầm Type P28.

Hải quân Ấn Độ muốn mua 2 tàu ngầm lớp Amur của Nga

Trang mạng tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngày 2 tháng 8 còn cho biết, kế hoạch đấu thầu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD của Bộ Quốc phòng Ấn Độ bao gồm mua 6 tàu ngầm thông thường có công nghệ hệ thống không khí tuần hoàn độc lập (AIP).

Một mô hình tàu ngầm lớp Amur Nga
Một mô hình tàu ngầm lớp Amur Nga

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, một đoàn đại biểu cấp cao của Rosoboronexport Nga gần đây đã đến New Delhi, tiến hành tham vấn với phía Ấn Độ về việc bán hoặc cho thuê 2 tàu ngầm lớp Amur. Các nguồn tin cho biết, Trung Quốc cũng đang tìm cách để sở hữu loại tàu ngầm này.

Hải quân Ấn Độ còn có kế hoạch căn cứ vào trao quyền của Cục đóng tàu Hải quân Pháp, chế tạo 6 tàu ngầm thông thường lớp Scorpene ở nhà máy đóng tàu Mazagao, Mumbai. Theo kế hoạch, chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm này bàn giao cho hải quân vào năm 2012, nhưng hiện đã điều chỉnh bàn giao vào năm 2016.

Thượng tá hải quân nghỉ hưu Shyam Kumar Singh Ấn Độ cho biết: “Việc bàn giao chậm trễ tàu ngầm Scorpene và trì hoãn kế hoạch tàu ngầm 75-I khiến cho sức mạnh của lực lượng tàu ngầm Ấn Độ bị suy yếu rất lớn. Chiếc tàu ngầm mới tiếp theo phải đến năm 2018 mới có thể gia nhập lực lượng tàu ngầm. Vì vậy, chúng tôi cần gấp mua tàu ngầm của Nga”.

Vào năm 1984, Nga cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân Chakra, Nga là nước duy nhất cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 Ấn Độ thuê của Nga

Tàu ngầm hiện có của Hải quân Ấn Độ bao gồm 7 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và 4 tàu ngầm SSK do Đức chế tạo, trong đó chiếc tàu ngầm SSK cuối cùng đưa vào biên chế cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.

Quy mô của biên đội tàu ngầm Hải quân Ấn Độ đã từ 21 chiếc vào thập niên 1980 giảm xuống còn 14 chiếc hiện nay. Một quan chức Ấn Độ cho biết, Hải quân Trung Quốc có trên 60 tàu ngầm, khiến cho Hải quân Ấn Độ lo ngại.

Mỹ muốn mở rộng hợp tác hải quân với Ấn Độ

Mỹ đã thể hiện mối quan tâm đến sự phát triển của Hải quân Ấn Độ và mong muốn hợp tác hải quân với quốc gia Nam Á này. Ngày 19 tháng 7, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho biết, sau khi chính phủ mới ở Ấn Độ lên nắm quyền, Mỹ hy vọng có thể mở rộng hợp tác hải quân với Ấn Độ.

Tướng Greenert cho biết, Mỹ hy vọng Ấn Độ tham gia diễn tập ở Tây Thái Bình Dương, mục đích là khôi phục quan hệ hợp tác với Ấn Độ đến mức vào giữa thập niên 2000.

Biên đội tàu chiến Mỹ-Nhật-Ấn trong cuộc tập trận Malabar-2014
Biên đội tàu chiến Mỹ-Nhật-Ấn trong cuộc tập trận Malabar-2014

Được biết, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 7, Hải quân Ấn Độ đã cử biên đội tàu chiến đến vùng biển Tây Thái Bình Dương tham gia tập trận chung với Hải quân Mỹ và Nhật Bản, song song với 3 cuộc tập trận trên 4 vùng biển lớn (biển Bột Hải-Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông) của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, tàu chiến Ấn Độ còn thăm và tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với phía Việt Nam. Hoạt động giao lưu bình thường này bị truyền thông Trung Quốc nói ra nói vào.

Việt Dũng