Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Hàng triệu người đi xe không chính chủ có lý do để vui mừng

22/11/2012 06:56
Tuệ Minh
(GDVN) - “Tóm lại, việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe và việc xử phạt khi không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ được áp dụng trong thời gian tới đây không nên đưa vào quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 71/2012/NĐ-CP”, LS. Lê Minh Công kết luận.
Xung quanh vấn đề dư luận đang rất quan tâm là quy định xử phạt khi mua bán xe mà không sang tên đổi chủ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ hay Luật Dân sự, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với LS. Lê Minh Công – Trưởng Văn phòng luật sư số VI (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

LS. Lê Minh Công cho biết: “Trong Luật Giao thông đường bộ có quy định về việc quá số ngày quy định sau mua bán mà không sang tên đổi chủ thì bị phạt là đã “lấn sân” sang Luật Dân sự và một số các văn bản liên quan đến Thuế. Đó là một sự không cần thiết. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Khi không sang tên chuyển chủ thì phạt chủ xe chứ không phạt người điều khiển xe. Mà chủ xe thì chính là người đang đứng tên đăng ký xe. Còn người mua, khi đi làm thủ tục sang tên đổi chủ lại bị phạt vì quá thời hạn thì là không đúng. Nhất là đối với những xe qua nhiều lần mua bán thì việc xác định chủ nào để phạt cũng là một vấn đề”.

Nói đến Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, LS. Công cho rằng hành vi sang tên đổi chủ hay không sang tên đổi chủ khi mua bán xe lại chưa phải là hành vi vi phạm về lĩnh vực giao thông. Ở đây đang có sự nhầm lẫn giữa văn bản pháp luật này với các văn bản pháp luật khác, đang nhầm về đối tượng điều chỉnh. 

Theo ông Công, quy định này cũng không phù hợp với thực tiễn và lịch sử để lại. “Có ai đó nói tỷ lệ đi xe không chính chủ hiện nay khoảng 40% nhưng tôi nghĩ con số đó còn lớn hơn nhiều. Việc mua xe mà không sang tên đổi chủ có nhiều lý do. Từ việc nhờ đăng ký hộ xe cho đến việc thuê xe, chưa kể trước đây Hà Nội còn có quy định là mỗi người chỉ được một chiếc xe… 

Rồi phí và lệ phí có sự chênh lệch giữa các vùng nên có việc nhờ đăng ký hộ. Hiện nay cũng nhiều ý kiến về tỷ lệ phần trăm tiền phải nộp khi sang tên đổi chủ là quá cao. Căn cứ để xác định giá trị thực của xe là một vấn đề lớn. Lại thêm kinh tế khó khăn dẫn đến việc người dân “ngại” làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán xe.

Ví dụ như một người mua một chiếc xe máy của Trung Quốc với giá có khi chỉ hơn 1 triệu nhưng có một điều chắc chắn là khi ra trước các cơ quan chức năng thì chiếc xe sẽ được định một giá khác nhiều (cao hơn) so với giá trị hợp đồng mua bán. Và khi đó số tiền phải nộp khi sang tên đổi chủ sẽ cao hơn. Đó là một sự bất cập, không hợp lý. Từ đó khiến cho nhiều người không làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán. Đây cũng chính là một lý do khiến Nhà nước thất thu thuế rất nhiều”, LS. Công nói tiếp.

Xung quanh quy định xử phạt khi không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2013 tới đây được quy định trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, LS. Lê Minh Công cho biết: “Bản thân Quỹ bảo trì đường bộ cũng là không thích hợp với thực tế bởi phí này liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng của hệ thống giao thông.

Quỹ này thu theo đầu xe. Và đó là điểm bất hợp lý khi có xe đi nhiều và có xe đi ít. Xe đi nhiều thì phải đóng nhiều phí để bào trì đường bộ hơn xe đi ít hoặc không đi chứ. Nếu bây giờ mà đưa vào Nghị định 71/2012/NĐ-CP để CSGT phải đứng ra tạo áp lực rồi xử phạt thì như vậy cũng không đúng. Ông Công lấy ví dụ: "nếu có một anh nào đó mua 10 chiếc Vespa cổ chỉ để trưng bày mà không đi thì cũng phải nộp phí bảo trì đường bộ hay sao?”

“Tóm lại, việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe và việc xử phạt khi không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ được áp dụng trong thời gian tới đây không nên đưa vào quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 71/2012/NĐ-CP”, LS. Lê Minh Công kết luận.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh