Hành pháp không nghiêm, voi ở Việt Nam sẽ tuyệt diệt

31/08/2012 06:04
Hương Thu/vnexpress
Các chuyên gia bảo tồn cho biết họ thấy chua xót khi chứng kiến cảnh hai con voi bị giết dã man ngay trong vườn quốc gia, và cảnh báo rằng voi ở Việt Nam có thể bị tuyệt diện nếu thực thi luật không nghiêm.
Tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, xác hai con voi một đực một cái được phát hiện cuối tuần qua trong tình trạng bi thảm. Voi đực bị xẻ lấy một phần cwng mặt. Nhiều khả năng chúng đã chết trước đó một tháng. Tiến sĩ Scott Roberton, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS) nói: "Thật chua xót khi chứng kiến cảnh tượng voi chết". Roberton hy vọng các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nhanh chóng sự suy giảm của voi ở Việt Nam, nhấn mạnh rằng cần hành động thay chứ không chỉ có lời nói. "Với việc hai con voi bị chết ở Yok Đôn, giới chức cần có điều tra nghiêm túc để xác định và bắt giữ những kẻ tội phạm đằng sau thảm kịch này, để chúng phải chịu tội", Roberton nói. "Nếu luật không được thực thi, loài voi sẽ sớm tiếp bước theo tê giác một sừng tuyệt chủng ở Việt Nam". Ông Văn Ngọc Thịnh, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) nhận định, trong thời gian qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong bảo tồn, song vẫn còn những trường hợp cá biệt làm xấu đi nỗ lực này, đe dọa trực tiếp đến những loài có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn vụ việc giết voọc tại Tây Nguyên. "Xác hai con voi tại Yok Đôn là một trong những minh chứng điển hình cho tình trạng này", ông Thịnh nói.
Xác một con voi bị giết hại trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: H.Vy.
Xác một con voi bị giết hại trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: H.Vy.
Hiện WWF đang hỗ trợ bảo tồn quần thể voi tại các khu bảo vệ Virachey của Muldukiri, Campuchia, khu vực giáp biên với Việt Nam tại Yok Đôn. WWF dự định sẽ tiến hành nghiên cứu quần thể voi, xác định các nguy cơ đe dọa trực tiếp và đề xuất giải pháp quản lý bảo vệ tại khu vực Yok Đôn, là một trong những nơi còn lại số lượng quần thể voi lớn nhất Việt Nam.

Suy giảm số lượng
Tại Đắk Lắk, voi nhà và voi rừng chiếm số lượng lớn nhất cả nước. Trong đó, voi rừng tập trung chủ yếu ba khu vực: Vườn quốc gia Yok Đôn, phía bắc - tây bắc huyện Ea Súp và phía tây bắc huyện Ea H’leo. Theo khảo sát mới đây của Khoa Nông lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80 đến 100 con voi rừng thuộc loài voi châu Á, sinh sống ở những cánh rừng nguyên sinh. Từ năm 2012, tỉnh Đắk Lắk có gần 10 con voi hoang dã bị chết. Riêng trong tháng 3 năm nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã phát hiện 3 con voi rừng chết thuộc huyện Ea Súp. Trong đó, một con voi đực trưởng thành nặng gần 2 tấn tại khu vực xã Ea Bung, phần đầu bị đục phá, đế bàn chân bên trái bị cắt. Các chuyên gia bảo tồn nhận định, số lượng voi hoang dã ngày càng ít đi cộng thêm việc không có voi mới sinh đã khiến cho số lượng đàn voi tại Đắk Lắk có nguy cơ sụt giảm rất lớn. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch hội động vật Việt Nam, cho biết số lượng voi con ít là do khả năng sinh sản của voi rừng ngày càng thu hẹp, vì bị ảnh hưởng bởi vùng canh tác đất và làm nương rẫy. Trong những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk còn giao cho các doanh nghiệp trồng cao su, nên một số loài thực vật là thức ăn của voi bị cạn kiệt. Mục đich của những kẻ săn voi thường là lấy ngà và lông để bán. "Do niềm tin của nhiều người vào các bộ phận voi, đang khiến chúng trở thành mục tiêu của thợ săn", ông Huỳnh nói. .Chậm bảo tồn Để bảo tồn voi, từ năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch khẩn trương đến năm 2010 bảo tồn voi với 3 khu vực trọng điểm là Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay, công việc vẫn chưa được hoàn tất. Cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm địa điểm xây dựng Trung tâm Bảo tồn voi. Bên cạnh đó, các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã cho rằng, những nội dung mà Trung tâm Bảo tồn voi hiện nay thực hiện chủ yếu tập trung vào voi nhà, trong khi voi rừng mới cần bảo tồn bền vững. Ngoài ra, trong hàng trăm ngàn ha rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp, Vườn Quốc gia Yok Đôn và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Buôn Đôn ít bị tác động bởi hoạt động sản xuất của công ty lâm nghiệp, còn các khu vực khác đều là nơi voi sinh sống nhiều. Nhưng, mục tiêu chuyển hàng trăm nghìn ha rừng nghèo kiệt sang rừng đặc dụng để voi sinh sống vẫn chưa thực hiện. Nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai chương trình bảo tồn voi như ở Indonesia thành lập 6 trung tâm bảo tồn voi từ năm 1985. Ấn Độ thành công trong việc thiết lập hành lang, phục hồi cách di trú truyền thống của các đàn voi hoang dã.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hương Thu/vnexpress