HĐND TP Hồ Chí Minh cho ý kiến về "đề án thí điểm chính quyền đô thị"

27/09/2013 14:32
Ngọc Luân
(GDVN) - Sáng nay, ngày 27/9/2013, tại hội trường Thành ủy, HĐND TP. HCM khóa 8 đã khai mạc kỳ họp thứ 11. Trong kỳ họp lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và cho ý kiến về đề án “Thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM”. Cũng trong khuôn khổ cuộc họp sáng nay, HĐND thành phố đã bầu bổ sung một Phó Chủ tịch UBND TP.

TP. HCM có Phó Chủ tịch mới

Khai mạc kỳ họp sáng nay, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa 8 đã nhanh chóng bầu bổ sung ông Lê Thanh Liêm - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM lên giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. HCM (nhiệm kỳ 2011 – 2016).

Các đại biểu HĐND khóa 8 bỏ phiếu bầu chọn Phó Chủ tịch UBND mới
Các đại biểu HĐND khóa 8 bỏ phiếu bầu chọn Phó Chủ tịch UBND mới

Kết quả bỏ phiếu tại cuộc họp với 77/94 đại biểu hội đồng hiện diện, số phiếu bầu được phát ra là 77 và thu vào 77, không có phiếu bất hợp lệ.  Theo đó, ông Lê Thanh Liêm đạt 72/77 phiếu tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP. HCM (đạt gần 77% tổng số đại biểu).

Từ kết quả này, UBND TP. HCM sẽ ra Quyết định bổ nhiệm ông Lê Thanh Liêm và trình Chính phủ phê chuẩn trong thời gian tới.

Trước đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua đơn xin từ nhiệm và nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM của ông Lê Minh Trí.

Việc bầu ông Lê Thanh Liêm nắm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP. HCM là để thay thế cho ông Lê Minh Trí – người đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động ra Hà Nội làm  Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương từ tháng 4/2013, vừa qua.  

Như vậy, ban lãnh đạo Chính quyền UBND TP. HCM hiện gồm 6 đồng chí. Trong đó có đồng chí Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân, và 5 Phó chủ tịch UBND là: Nguyễn Hữu Tín, Lê Mạnh Hà, Hứa Ngọc Thuận, Nguyễn Thị Hồng và ông Lê Thanh Liêm, vừa được bầu chọn.

Cho ý kiến về đề án “siêu đô thị"

Sau công tác bầu chọn lãnh đạo chính quyền thành phố, trong cuộc họp lần thứ 11 này, các đại biểu HĐND khóa 8 đã tập trung lắng nghe UBND TP trình Hội đồng thành phố xem xét, cho ý kiến và thông qua “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. HCM”.

Tính đến nay TP. HCM đã tổ chức tất cả 6 hội nghị và nhận được gần 1.200 ý kiến đầy trách nhiệm, thẳng thắn và đa dạng, nhiều chiều từ các cấp lãnh đạo Trung ương và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị… đóng góp cho dự thảo “Đề án Thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP. HCM”.

Tại kỳ họp quan trọng lần này của HĐND TP, Ban soạn thảo Đề án này, kỳ vọng tiếp tục nhận được các ý kiến sâu sắc, nhiều tâm huyết của các đại biểu đóng góp cho những mặt còn hạn chế của Đề án. Đây cũng là cơ sở để lãnh đạo Chính quyền thành phố tiếp thu, hiệu chỉnh nhằm hoàn thiện hơn đề án này trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Mô hình Chính quyền đô thị Tp. HCM trình đại biều HĐND thông qua trong kỳ họp lần này
Mô hình Chính quyền đô thị Tp. HCM trình đại biều HĐND thông qua trong kỳ họp lần này

Theo đó, đề án chính quyền đô thị sẽ tạo ra những đổi mới lớn, mà điểm đột phá đầu tiên là TP.HCM sẽ được tổ chức thành chuỗi đô thị với 13 quận nội thành là đô thị trung tâm và các khu vực còn lại sẽ hình thành 4 thành phố vệ tinh: Đông – Tây – Nam – Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình “thành phố trong thành phố”.

Đề án chỉ rõ: với mức độ đô thị hóa như hiện nay TP. HCM sẽ hình thành và phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn gồm: khu đã đô thị hóa, khu đang đô thị hóa và khu nông thôn trong đô thị. Bộ máy chính quyền đô thị có thể được tổ chức thành 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp TP. HCM và cấp 4 thành phố vệ tinh trực thuộc TP. HCM.

Một trong những điểm nhấn chính của đề án này là: hệ thống quản lý hành chính được tổ chức gồm 2 cấp so với 3 cấp hiện tại là: cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở, riêng địa bàn nội thành 13 quận hiện hữu chỉ còn 1 cấp chính quyền. Thành phố sẽ có 4 thành phố vệ tinh được quy hoạch chặt chẽ với các ngành nghề mũi nhọn được tập trung phát triển,  có bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, tinh gọn, với đội ngũ công chức có năng lực cao, phục vụ cho lợi ích của công dân, tổ chức và doanh nghiệp; huy động tối ưu mọi nguồn lực nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cũng theo đề án này, thành phố sẽ tăng số lượng đại biểu HĐND TP. HCM lên tối thiểu là 150 đại biểu so với 95 đại biểu được bầu ở nhiệm kỳ hiện tại - tức tăng thêm 55 đại biểu, đồng thời tăng số đại biểu chuyên trách tối thiểu bằng 1/3 tổng số đại biểu.

Thường trực HĐND TP. HCM sẽ gồm chủ tịch, các phó chủ tịch (hiện chỉ có 1) và các ủy viên là Trưởng các Ban của HĐND TP (chuyển ủy viên thường trực HĐND TP thành Phó Chủ tịch HĐND TP).

Đề án này đề xuất, cơ chế bầu Chủ tịch UBND TP vẫn giữ như hiện tại. Theo đó, Chủ tịch UBND TP do Chủ tịch HĐND TP giới thiệu để HĐND TP bầu và được Thủ tướng phê chuẩn. Điểm đáng lưu ý của đề án này là đề xuất Chủ tịch UBND TP không nhất thiết là đại biểu HĐND cùng cấp chính quyền, khác với hiện nay chủ tịch UBND là đại biểu HĐND.

Dự kiến, sau cuộc họp kéo dài cả ngày hôm nay, các đại biểu sẽ thông qua đề án thí điểm này.

Ngọc Luân