Học gì từ cách dùng người của Bác?

24/01/2016 08:06
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Hơn lúc nào hết nhân dân rất muốn có được người tài năng trí tuệ để lãnh đạo, chèo lái đất nước, tất cả sẽ được quyết định bởi sự sáng suốt của Đảng ở Đại hội

LTS: Trong khi Đại hội Đảng lần thứ XII đang diễn ra, Ths Trương Khắc Trà mạnh dạn nói về vấn đề nhân sự, góc nhìn từ bài học trong cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đại hội lần thứ XII của Đảng đang diễn ra, nhiều ngày qua điều khiến dư luận quan tâm nhất vẫn là vấn đề nhân sự sẽ được bố trí và sử dụng như thế nào để chèo lái đất nước, mang lại ấm no hạnh phúc cho muôn dân. 

Âu đó cũng là quyền và lợi ích đáng có và cần có của 90 triệu người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi nói về nghệ thuật dùng người, chúng ta không thể không học tập quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất trọng nhân tài. Rất nhiều bậc trí thức, các học giả, kể cả giáo sỹ, quan lại, cho đến những ông vua đã thoái vị như Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng. 

Cách dùng người của Bác thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết tuyệt đối. Hơn 70 năm đã trôi qua, những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng người tài vẫn còn nguyên giá trị.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”. 

Học gì từ cách dùng người của Bác? ảnh 1

Danh sách Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI

(GDVN) - Danh sách Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.

Ngay sau đó, văn bản này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp cho công bố trên báo Cứu quốc, nội dung có đoạn:

“…trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. 

Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết..
.” [1].

Chính phủ phải là nơi biết lắng nghe và thấu hiểu nhân tài chứ nhất quyết không để nhân sự đi tìm “vị trí”, vì một khi nhân sự tự đi tìm vị trí cho mình bằng nhiều cách thì e rằng khó có sự công bằng, minh bạch. 

Nhân tài “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không phải thùng rỗng kêu to. Cái hay trong quan điểm trên của Người đó là huy động nhân dân tìm hiền tài, nhân tài đi ra từ nhân dân chứ không phải là sự bằng lòng của một vài cá nhân.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc, ngày 4/10/1945 với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên báo Cứu quốc số 58 bài “Thiếu óc tổ chức một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”

Trong bài viết này, song song với việc phê bình nghiêm khắc các khuyết điểm lớn của ủy ban nhân dân các cấp, đó là “bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức, làm việc không có nguyên tắc, nề nếp, phân công trách nhiệm không rõ ràng, bố trí cán bộ sai, cán bộ năng lực yếu”, Người đã chỉ ra biện pháp khắc phục là cần phải “có óc tổ chức”, cần phải sử dụng, trọng dụng nhân tài. 

Ngày nay, trong năm qua, những câu chuyện như cả họ làm quan hay chuyện một xã có 12 người anh em họ hàng nắm giữ các chức vụ chủ chốt, “công chức 100 triệu”,  những “cú” phê bút vào hoàng hôn nhiệm kỳ, những chuyến tàu vét…làm dư luận dấy lên hoài nghi có uẩn khúc trong việc dùng người. 

Tinh giản biên chế đang gặp khó vì chưa biết “tinh” ai “giản” ai thì xuất hiện con số 49% công chức TP. Sa Đéc - Đồng Tháp không đạt yêu cầu! [2]. 

Phải chăng vì “óc tổ chức” (cách dùng từ của Bác) có vấn đề nên bộ máy công chức hiện nay phình ra quá cỡ, sự chồng chéo về nhiệm vụ, chức năng gây lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả trong công việc. 

Học gì từ cách dùng người của Bác? ảnh 2

Nhân sự cấp cao của Đảng, không suy diễn từ thông tin trên mạng

(GDVN) - Nội dung này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đưa ra sáng nay khi trả lời báo chí sáng nay tại buổi họp báo quốc tế.

Tình trạng hô hào, phát động, ra quân tràn lan nhưng làm thiếu hiệu quả, thành tích được nêu bật còn khiếm khuyết, đùn đẩy…đây là hệ quả của thiếu óc tổ chức bộ máy Nhà nước.

Người nhấn mạnh: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy” [3].

Qua cách nhìn nhân văn của Người không có ai là bất tài, vô dụng có chăng chỉ là chúng ta bố trí sử dụng không đúng mà thôi, bởi “tài nhỏ sẽ làm việc nhỏ, tài to sẽ làm việc to”. 

Thời gian qua việc bố trí nhân sự ở nhiều địa phương được xem là đúng “quy trình” là dân chủ, là minh bạch nhưng tại sao lại gặp phải những phản ứng từ dư luận? Phải chăng lòng dân chưa phục?

Chúng ta có nhiều những văn bản quy định về thu hút, bố trí, sử dụng con người, cái gọi là “quy trình” nhưng tính hiệu quả là vấn đề đáng phải suy nghĩ khi nhiều người tài không có cơ hội được trọng dụng vì “vướng” quy định. 

Tại sao không học tập cách làm của Bác là trọng tính hiệu quả, miễn không đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc? Dù cách đây gần một thế kỷ nhưng nhãn quan chính trị và tầm nhìn chiến lược của Bác trong việc dùng người rất phù hợp với thời điểm hiện tại.

Học gì từ cách dùng người của Bác? ảnh 3

Tổng Bí thư được giới thiệu ở lại, Thủ tướng xin rút

(GDVN) - Nội dung này được Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng trao đổi với báo chí chiều nay bên thềm Đại hội 12 của Đảng đang diễn ra.

Đây chính là quan điểm, tư tưởng sử dụng, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kế thừa phương sách “dụng nhân như dụng mộc” của ông cha ta trong lịch sử. 

Ngày 14/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc. Người chỉ rõ: 

Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài.

Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều” [4].

Người kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến ... lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”. 

Câu chuyện ồn ào xung quanh cựu thí sinh Olympia Doãn Minh Đăng và Ban giám hiệu ngôi trường nơi anh công tác và vụ kiện lùm xùm giữa nhân tài và chính quyền Đà Nẵng xảy ra mới đây đã và đang cho chúng ta thật nhiều nghĩ suy về cách dùng người.

Sức mạnh của Đảng là ở muôn dân, sức mạnh đất nước phụ thuộc vào cách dùng người, hơn lúc nào hết nhân dân rất muốn có được người tài năng trí tuệ để lãnh đạo, chèo lái đất nước, tất cả sẽ được quyết định bởi sự sáng suốt của Đảng ở Đại hội lần này.

Tài liệu tham khảo:

1/ Hồ Chí Minh toàn tập, t4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.38,39, 99. [1,3,4]

2/ http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160105/nhieu-cong-chuc-dong-thap-khong-biet-dong-dau/1032661.html [2]

3/ http://thanhnien.vn/thoi-su/mot-xa-co-12-can-bo-cong-chuc-la-anh-em-voi-bi-thu-va-chu-tich-654485.html [2]

Ths Trương Khắc Trà