Học giả Trung Quốc: Thống nhất bán đảo Triều Tiên là "giấc mơ xa vời"

22/01/2014 13:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ là vấn đề giữa hai quốc gia, mà là một vấn đề quốc tế liên quan tới cục diện chiến lược Đông Bắc Á".
Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên vẫn còn là "một giấc mơ xa vời" trong bối cảnh Chiến tranh lạnh vẫn còn ác liệt trên bán đảo, Yonhap dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc ngày 22/1 cho biết.
Hàn Quốc có thể xem Đức là một tấm gương tuyệt vời về thống nhất đất nước, Sái Kiện - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Phúc Đán nhận định.
Biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc.
Biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc.

Theo ông, di sản Chiến tranh Lạnh đang là một trở ngại lớn cho hai miền Triều Tiên đạt được ước mơ thống nhất đất nước. 

"Khi nước Đức thống nhất, Liên Xô - một đồng minh của Đông Đức - đang đối mặt với khủng hoảng tan rã do đó không thể hỗ trợ lớn cho Đông Đức. Điều đó, khiến việc thống nhất đạt được dễ dàng hơn", Sái Kiện viết trong một bài xã luận đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Trong khi đó, hai miền Triều Tiên vẫn bị bao phủ bởi các di sản của Chiến tranh Lạnh và các bên liên quan trong khu vực gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản. 
"Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ là vấn đề giữa hai quốc gia (Triều Tiên và Hàn Quốc) mà là một vấn đề quốc tế liên quan tới cục diện chiến lược Đông Bắc Á nói chung", ông Kiện nhận xét.

Hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh kể từ sau khi cuộc chiến năm 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. 

Sái Kiện, chuyên gia về các vấn đề Bắc Triều Tiên, đại học Phúc Đán, Trung Quốc.
Sái Kiện, chuyên gia về các vấn đề Bắc Triều Tiên, đại học Phúc Đán, Trung Quốc.
Trong thông điệp đầu năm mới 2014, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bày tỏ một cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực thống nhất bán đảo. 
Thêm vào đó, vụ thanh trừng Jang Song-thaek, nhân vật quyền lực số 2 và là người chú rể của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm dấy lên các cuộc tranh luận ở Hàn Quốc về khả năng thống nhất đất nước. 
Tuy nhiên ông Kiện cho rằng, sự nôn nóng thống nhất đất nước của giới trẻ Hàn Quốc đang giảm do những lo ngại về tác động kinh tế của nó.
"Một tình huống phức tạp cũng đang lan tràn ở hai miền Triều Tiên. Tây Đức đã thực hiện mọi sự chuẩn bị cho quá trình thống nhất đất nước trước năm 1990, nhưng sự hỗ trợ mục tiêu này từ người dân Hàn Quốc đang sụt giảm rõ rệt trong thời gian gần đây", chuyên gia Trung Quốc cho biết thêm.
Theo một cuộc thăm dò mới nhất, chỉ có 25% người Hàn Quốc mong muốn thống nhất, giảm 32% so với năm 2010 và giảm 46% so với năm 1997. 
Tất cả các yếu tố ở trong và ngoài hai miền Triều Tiên trên đã làm giấc mơ thống nhất ngày càng trở nên "xa vời", ông kết luận./.
Nguyễn Hường