Học sinh nghỉ học, sao lại hạ điểm thi đua giáo viên?

02/02/2020 06:26
Đỗ Quyên
(GDVN) - Một số thầy cô giáo đã sử dụng “bí kíp” biến những học sinh bỏ học ấy thành việc các em xin chuyển trường. Nhà trường biết nhưng cũng phải làm lơ...

Cứ sau một mùa Tết, ở nhiều trường học trong cả nước thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học.

Cô giáo Phan Thị Duyên huyện Kỳ Sơn đi vận động học sinh ra lớp (Ảnh CTV)
Cô giáo Phan Thị Duyên huyện Kỳ Sơn đi vận động học sinh ra lớp (Ảnh CTV)

Học sinh nghỉ học có khá nhiều nguyên nhân như ham chơi chán học nên nghỉ, do học quá yếu không thể theo kịp chương trình, do gia cảnh khó khăn thiếu thốn, nghỉ để phụ giúp cha mẹ, do cha mẹ bất đồng nên bỏ xứ dẫn theo con, do ở với ông bà già nên không ai quản lý nên ham chơi, chán học…

Gia đình các em đôi khi cũng bất lực trong việc buộc con trở lại trường nhưng nhiều lãnh đạo nhà trường, ban ngành liên quan lại cột trách nhiệm lên đầu giáo viên chủ nhiệm cứ y như học trò nghỉ học là tất cả do thầy cô.

Có nơi, người ta quy hẳn trách nhiệm không kéo được học trò tới lớp thì thầy cô phải bị trừ thi đua dù có dạy tốt thế nào.

Gian nan vận động học trò đến lớp  

Một đồng nghiệp của chúng tôi ở tận Nghệ An cho biết, khi học sinh nghỉ học giáo viên vô cùng vất vả để đi vận động các em trở lại lớp.

Trước là thương học sinh bỏ học sớm sẽ hư hỏng vì đang còn quá nhỏ, sau là thương chính mình vì nếu không vận động được các em trở lại lớp thầy cô sẽ bị đánh giá làm công tác chủ nhiệm chưa tốt và ảnh hưởng đến việc xếp loại cuối năm.

Thế là, cả ngày đi trường, tối đến tranh thủ tới nhà học sinh vận động. Có khi đi nguyên ngày thứ bảy, chủ nhật vì đường đèo dốc khá xa.

Đi nhiều lần do không thể gặp được phụ huynh. Có thầy cô phải hỏi đường lên rẫy để trực tiếp gặp cha mẹ các em vận động.

Bên cạnh đó kết hợp với thôn, xóm, xã nhờ cán bộ tác động thêm.

Một số giáo viên ở Bình Thuận cũng cho biết, khi lớp có học sinh bỏ học thầy cô chủ nhiệm phải đến tận nhà học sinh.

Khi không thể đưa các em trở lại lớp mới báo cáo nhà trường để cán bộ phổ cập, Ban giám hiệu cùng đại diện xã vào tận nhà phụ huynh.

Có người hợp tác, có người còn “lên lớp” thầy cô, đưa yêu sách như phải giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập…

Cột trách nhiệm vào giáo viên có hợp lý?

Như trên chúng tôi đã trình bày, học sinh bỏ học giữa chừng có muôn vàn lý do. Có những lý do giáo viên có thể giúp ví như em học yếu, kém thầy cô có thể đề xuất lên nhà trường kèm dạy miễn phí.

Không có tiền đóng góp thì nhà trường có thể miễn giảm, không có sách vở, áo quần có thể vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ…

Nhưng gia cảnh quá khó khăn cần các em đi kiếm tiền để lo cho gia đình, cha mẹ bất hòa dẫn con đi luôn…những lý do này thì giáo viên cũng bất lực, sao có thể giúp?

Vì thế, lấy thi đua để buộc giáo viên phải duy trì sĩ số chính là việc làm gây khó cho thầy cô.

Một số thầy cô giáo chia sẻ trường mình có quy định giáo viên chủ nhiệm để học sinh nghỉ học sẽ bị trừ 5 điểm. Một lớp chỉ cần một em bỏ học xem như thầy cô giáo ấy không thể xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù đủ tiêu chuẩn.

Để hai em nghỉ học không thể xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ, và ba em bỏ học xem như chỉ còn lại hoàn thành thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ.

Tự “cứu” lấy mình

Có thầy cô nói thẳng: “Không thể để chuyện bất hợp lý này xảy ra vì công sức mình bỏ ra, cống hiến cả năm nhưng chỉ vì một lý do khách quan học trò phải nghỉ học thì bao nỗ lực, bao công sức ấy đều đổ sông đổ biển.

Thế là một số thầy cô giáo đã sử dụng “bí kíp” biến những học sinh bỏ học ấy thành việc các em xin chuyển trường.

Việc làm này, nhà trường biết nhưng cũng làm lơ vì nếu làm căng thầy cô chấp nhận xếp loại thi đua thấp để buông xuôi thì chính nhà trường cũng sẽ khốn đốn.

Nếu tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng mỗi năm của trường không đạt thì chính hiệu trưởng nhà trường cũng chẳng được yên thân. Vậy là, vì quyền lợi của mình tất cả cùng im lặng.

Việc duy trì sĩ số học sinh hàng năm luôn rất cần thiết. Trách nhiệm này phải là sự kết hợp của rất nhiều ban ngành có liên quan mới mang lại hiệu quả. Không thể mang việc khống chế thi đua giáo viên để giữ chân học trò.

Làm thế, chẳng khác nào buộc giáo viên phải dùng "thủ thuật" bảo đảm sĩ số nhưng chỉ là kiểu giữ chân mang tính hình thức còn thực chất những học sinh này vẫn bỏ học giữa chừng.

Đỗ Quyên