Học sinh bỏ học sau Tết và nỗi trăn trở của giáo viên chủ nhiệm

30/01/2020 06:40
NHẬT DUY
(GDVN) - Học sinh bỏ học sau Tết là điều mà các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thường trăn trở nhiều nhất.

Những trường phổ thông ở thành phố hay những khu vực mà kinh tế của người dân phát triển thì tỉ lệ bỏ học thường rất thấp. Ngược lại, những trường ở khu vực mà điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, phụ huynh phải đi làm ăn ở xa thì tỉ lệ bỏ học thường rất cao.

Nhất là sau Tết Nguyên đán thường có số lượng bỏ học cao nhất trong năm học. Chính vì thế, các trường học thường có những kế hoạch và phân công cụ thể sau Tết là đến nhà những em học sinh có nguy cơ bỏ học, hoặc đã theo cha mẹ đi làm ăn xa để trở lại trường học.

Một số trường học có tỉ lệ bỏ học sau Tết rất cao (Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)
Một số trường học có tỉ lệ bỏ học sau Tết rất cao (Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)

Học sinh bỏ học là điều mà các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thường trăn trở nhiều nhất. Bỏ học giữa chừng, nhất là những em học sinh đang học tiểu học hoặc trung học cơ sở cũng đồng nghĩa là các em sẽ khổ cực vô cùng, tương lai không biết sẽ đi về đâu.

Bởi vì, nếu như học sinh trung học phổ thông có bỏ học thì các em cũng đã lớn, các em có suy nghĩa chín chắn hơn và cũng đã có thể lao động để kiếm tiền sinh sống. Nhưng với những em tiểu học và trung học cơ sở thì hoàn toàn ngược lại, các em đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Các em chưa thể lao động để kiếm tiền, chưa có cơ sở nào dám thuê các em làm. Vì thế, đa phần là làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc sa chân vào các thói quen xấu…

Tình thương của thầy cô, của nhà trường đối với các em học sinh nhỏ thường lớn hơn bởi tương lai của các em sẽ bấp bênh hơn rất nhiều so với những em lớn tuổi? Vậy nên, sau Tết mà trong lớp có học sinh bỏ học là giáo viên chủ nhiệm phải đi đi lại lại nhiều lần để động viên các em và gia đình cho học sinh trở lại lớp học.

Có nhiều trường hợp vận động thành công nhưng cũng có nhiều trường hợp giáo viên chủ nhiệm phải ngậm ngùi để học sinh bỏ học vì không thể liên lạc được hoặc có điện thoại thì gia đình học sinh cũng không muốn bắt máy. Đến nhà thì những trường hợp này lại thường đã đi làm ăn xa ngay sau khi hết Tết.

Tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, nguyên nhân thì nhiều nhưng tựu trung lại có mấy nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất là một số phụ huynh lâu nay đi làm ăn xa quê, con em họ thường được gửi ở nhà với ông bà, người thân của mình. Tuy nhiên, vì không có sự sát sao, kèm cặp của cha mẹ nên nhiều em học hành chểnh mảng và sa sút.

Vì vậy, khi Tết đến, cha mẹ về nhà thấy con học hành không tốt, tương lai cũng chẳng đi đến đâu nên thường đem con em của mình lên chỗ cha mẹ đang làm công nhân nhằm kèm cặp và nếu các em đã lớn thì có thể xin một công việc phù hợp nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Thứ hai là những em học sinh bỏ học thường là những em chán học, nhất là các em từ lớp 8 trở lên- cái tuổi các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên có những sở thích đua đòi cùng chúng bạn.

Chính vì sự kèm cặp của gia đình không tốt cho nên các em nhiễm nhiều thói quen xấu. Tết đến, có dịp được tiếp xúc với nhiều bạn bè, nhiều lời rủ rê lôi kéo vào những trò chơi vô bổ càng khiến cho các em chán học nhiều hơn.

học không vào, đến lớp thì cũng chỉ ngồi cho có người, thầy cô giảng dạy không tiếp thu được. Vậy nên, Tết cũng là dịp để các em tiếp xúc với nhiều người thân đi làm ăn ở phương xa về nên xin cha mẹ bỏ học…

Thứ ba là có một số em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ thường có những suy nghĩ chưa tích cực. Học cũng chỉ để kiếm tiền, không học lại càng kiếm tiền sớm hơn. Cộng với một số sinh viên ra trường thất nghiệp đã tạo cái cớ để cha mẹ “động viên” con nghỉ học sớm.

Thực tế, giờ đây rất ít học sinh ham học, có ý chí và phụ huynh thiết tha cho con học nhưng vì nghèo mà phải bỏ học bởi các trường học đều có những chính sách hỗ trợ, vận động giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn.

Miễn là các em đến trường, có động lực học tập là thầy cô sẵn sàng giúp các em gần như tất cả. Từ tiền chi phí học tập, gạo, xe đạp, quần áo và các dụng cụ học tập cần thiết khác…

Học sinh bỏ học sau Tết và nỗi trăn trở của giáo viên chủ nhiệm ảnh 3Cha mẹ và thầy cô hãy đồng hành cùng học sinh vui học sau Tết

Cũng vì những em có nguy cơ bỏ học, hoặc đã nghỉ học không có động lực học tập và không có sự hợp tác của cha mẹ mới dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Và đây, cũng chính là nỗi vất vả của thầy cô chủ nhiệm.

Có những lúc giáo viên đến gặp được phụ huynh hoặc điện thoại cho phụ huynh nhưng họ không hợp tác và có những lời lẽ khó chịu với giáo viên, không muốn thầy cô làm phiền họ và theo phụ huynh thì họ tự lo cho tương lai của con mình.

Chính vì có những lời lẽ bất cần, không hợp tác với giáo viên chủ nhiệm nên nhiều trường hợp giáo viên chủ nhiệm đành phải báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường bởi giáo viên đã bất lực không thể nào vận động được.

Muốn giảm và tiến tới không còn tình trạng học sinh bỏ học có lẽ một mình thầy cô giáo không làm được. Điều cố yếu nhất là động lực học tập của học trò và sự hợp tác của phụ huynh học sinh.

Một khi phụ huynh và học sinh không muốn học thì thầy cô cũng đành bất lực vì không thể đến nhà hay gọi điện để thuyết phục mãi được. Vì vậy, sự động viên, định hướng của phụ huynh mới đóng vai trò then chốt nhất.

Những nỗi buồn của thầy cô giáo ở những trường có tỉ lệ học sinh bỏ học cao như một điệp khúc, cứ “đến hẹn lại lên” nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm, rất khó thuyết phục được học trò trở lại trường và thuyết phục được phụ huynh cho con đi học trở lại.

Tương lai nào cho học sinh bỏ học sớm thì ai cũng có thể đoán định được. Nhưng, học trò không có động lực, mục tiêu học tập và phụ huynh đã không muốn con họ đến trường thì dù trăn trở đến bao nhiêu giáo viên cũng rất khó vận động học sinh đi học trở lại sau những ngày Tết Nguyên đán.

NHẬT DUY