Học viên học thật văn bằng 2 có thể kiện trường Đông Đô đòi bồi thường

01/12/2020 05:58
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học viên hoàn toàn không thể biết được trường này không được phép đào tạo cho đến khi có kết luận điều tra của cơ quan điều tra, nên họ không có lỗi.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công An đã làm rõ những sai phạm tại trường Đại học Đông Đô trong thời gian vừa qua.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (Văn bằng 2 tiếng Anh).

Nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chỉ tiêu hệ văng bằng 2 chính quy.

Văn bằng 2 tiếng anh của Đại học Đông Đô cần phải được xử lý triệt để. Ảnh: Vũ Phương

Văn bằng 2 tiếng anh của Đại học Đông Đô cần phải được xử lý triệt để. Ảnh: Vũ Phương

Theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, từ tháng 4/2017, Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng và Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân; đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.

Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường Đại học Đông Đô tổng số tiền là 24,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Trường Đại học Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỷ đồng.

Căn cứ vào các tài liệu thu giữ, Cơ quan An ninh điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Toàn bộ 193 bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp cho các cá nhân đều do Dương Văn Hòa ký với tư cách là Hiệu trưởng theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng.

Cơ quan điều tra đã thu giữ được 177 bằng giả, trong đó có 67 bản chính, 110 bản phô tô. Trong đó, Quang ký nháy (ký tắt) trên 42 bằng.

Trong quá trình điều tra đã thu giữ được 84 bảng điểm khóa học, trong đó Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, ký trên 73 bảng điểm, Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng, ký trên 11 bảng điểm.

Trong số 193 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, chỉ có thông tin về Trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền là 2,546 tỷ đồng đồng, 32 trường hợp còn lại không đủ cơ sở để xác định số tiền Trường Đại học Đông Đô đã thu.

Với những trường hợp cấp bằng giả, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý cụ thể phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với số lượng học viên tuyển sinh học học văn bằng 2 tại trường Đại học Đông Đô lên đến cả ngàn người như vậy, những học viên sẽ phải làm gì để đòi hỏi quyền lợi chính đáng nếu họ “học thật, thi thật” và không hề biết rằng việc tuyển sinh của trường Đông Đô không có phép?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng:

Theo quy định của pháp luật thì việc sử dụng bằng giả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cán bộ công chức sử dụng bằng giả để tuyển dụng, bổ nhiệm thì sẽ bị cách chức, buộc thôi việc.

Tuy nhiên cần làm rõ bằng cấp thế nào được coi là giả thì mới có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Theo kết luận điều tra thì trong tổng số bằng đại học văn bằng 2 tiếng Anh của trường đại học Đông đô đã cấp ra thì có những người được cấp bằng không thông qua đào tạo.

Những bằng cấp này được xác định là bằng giả về mặt nội dung, nghĩa là người có bằng đại học nhưng không có trình độ đại học.

Bằng cấp là thứ để ghi nhận trình độ tại thời điểm cấp bằng, bởi vậy nếu cấp bằng đại học cho người chưa được đào tạo, trình độ không tương xứng theo quy định của pháp luật thì đây là bằng giả về mặt nội dung.

Trong số những người đã được cấp bằng thì có những người đã tham gia học thật, thi thật, đã thi đỗ tốt nghiệp, học đủ tín chỉ theo quy định nên không thể coi bằng này là bằng giả được.

Bằng đại học đó được cấp đúng quy trình, đủ số tiết học, trình độ đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc trường này không được phép đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh nhưng vẫn tuyển sinh công khai, tổ chức học cho 3.527 người, thu học phí hơn 24 tỷ đồng.

Vì thế, nhiều học viên hoàn toàn không thể biết được trường này không được phép đào tạo cho đến khi có kết luận điều tra của cơ quan chức năng nên vấn đề này các học viên không có lỗi.

Những bằng cấp của những người đã học thật, thi thật phải được công nhận thì mới đảm bảo công bằng.

Không thể để những sai phạm của cơ quan quản lý, của cán bộ nhà trường Đại học Đông Đô khiến những người học phải chịu, Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng học viên có quyền tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Ảnh: Văn phòng luật sư Chính Pháp

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng học viên có quyền tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Ảnh: Văn phòng luật sư Chính Pháp

Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Văn Cường cũng chỉ ra vấn đề: Theo nội dung kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ công an thì sẽ xem xét đến trách nhiệm của cơ quan quản lý và cơ quan điều tra cũng yêu cầu trường này phải trả số tiền gần 20.000.000.000 đồng cho khoảng 3.000 học viên đã nộp tiền và đăng ký học tại đây.

Bởi vậy, thời gian tới đây cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ quản lý có liên quan.

Chính vì có sự buông lỏng quản lý mới khiến hơn 3.000 học viên đăng ký học trình độ đại học văn bằng hai tiếng Anh và nộp tiền cho trường này (mỗi trường hợp phải nộp học phí hơn 30.000.000 đồng), đến nay thì không được nhận bằng, cũng không được công nhận kết quả đào tạo.

Trong trường hợp nhà trường cố tình không trả tiền cho các học viên thì các học viên có quyền tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại số tiền đã nộp cho nhà trường này.

Bởi vậy với những bằng đã cấp cũng phải chia làm hai loại là những người học thật, thi thật và bằng do những người bỏ tiền ra mua.

Học viên cũng cần phải phân loại là người nộp tiền để lấy bằng và những người tham gia học thật, thi thật.

Cần đảm bảo quyền lợi cho những học viên đã theo học ở đây, số lượng họ được xác định là nạn nhân và được trả lại số tiền đã nộp thì mới đảm bảo công bằng, đúng quy định pháp luật.

Còn đối với những người đã học thật, thi thật và được nhận bằng thì phải công nhận giá trị pháp lý của những bằng này thì mới đảm bảo công bằng.

Đối với những học viên đã học thật, thi thật, đã nộp tiền học phí, đã học đủ các tín chỉ theo nội dung chương trình đào tạo mà chưa được nhận bằng thì cũng phải xem xét cấp bằng cho những học viên đó thì mới đảm bảo công bằng.

Đối với những người không tham gia học, không thi, chỉ bỏ tiền ra để có được bằng đại học văn bằng hai tiếng Anh thì đây là những bằng giả, cần phải thu hồi, hủy bỏ và xem xét xử lý kỷ luật, hủy bỏ kết quả đối với thủ tục mà những người đó đã sử dụng văn bản giấy tờ giả mà có được thì mới đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.

Bộ luật hình sự trước đây quy định là hành vi sử dụng tài liệu giả để “lừa dối cơ quan chức năng” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên kể từ 1/1 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì Điều 341 quy định: “sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật” thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về điều luật này nên rất khó để xác định việc bổ túc hồ sơ có được cho là hành vi trái pháp luật hay không.

Nếu sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi phi pháp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn việc sử dụng giấy tờ giả vào các thủ tục hành chính, pháp lý thì rất khó để xác định là hành vi trái pháp luật.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét làm rõ ý thức chủ quan của người sử dụng bằng cấp này và hành vi có được xác định là trái pháp luật hay không mới có cơ sở để xác định có xử lý hình sự hay không, Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời bị tịch thu Văn bằng, chứng chỉ giả… cụ thể như sau:

“4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự .”

Hoàng Quỳnh