Iskander thừa sức đe dọa Mỹ và châu Âu

24/10/2011 15:27
Theo báo Đất Việt
Các tổ hợp Iskander-M mà BQP Nga triển khai ở Luga, Leningrad là một trong những biện pháp đáp trả của Kremlin với hệ thống AMD của Mỹ ở châu Âu.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng những biện pháp này là thừa, bởi radar ở Thổ Nhĩ Kỳ không thể theo dõi được việc phóng các tên lửa Nga về phía Mỹ, còn các tên lửa bố trí ở Romania – không thể đánh chặn chúng.

Mỗi xe mang phóng tự hành của tổ hợp Iskander mang được 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Mỗi xe mang phóng tự hành của tổ hợp Iskander mang được 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Cộng tác viên của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin giải thích: “Thậm chí từ Ba Lan, nước nằm ở phía Bắc Romania, các tên lửa đánh chặn cũng không thể đuổi kịp các tên lửa của Nga nếu chúng được phóng về phía Mỹ”.

Dù vậy, cứ mỗi lần xuất hiện tình thế căng thẳng liên quan việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa AMD ở châu Âu, Nga lại có những phát biểu về “đòn đáp trả của chúng ta đối với hệ thống phòng thủ chống tên lửa AMD”.

Năm 2008, khi Mỹ lần đầu tiên định triển khai các thành tố của hệ thống AMD ở Ba Lan, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đe doạ bố trí các tổ hợp Iskander ở tỉnh Kaliningrad. Khi đó các tổ hợp tên lửa này chưa sẵn sàng.

Tháng 2/2010, Tư lệnh Lục quân lúc đó là Thượng tướng Alexander Postnikov công bố về việc trang bị lại cho lữ đoàn tên lửa đóng ở thành phố Luga tỉnh Leningrad các tổ hợp tên lửa mới. Đã có lời hứa, trong tương lai gần sẽ trang bị cho tất cả các lữ đoàn tên lửa của Lục quân loại tên lửa này.

Quá trình biên chế tổ hợp tên lửa mới diễn ra rất chậm. Đến cuối năm 2010, lữ đoàn ở Luga chỉ nhận được có một tiểu đoàn tên lửa mới. Phải đến đầu mùa Hè năm 2011, các tổ hợp tên lửa Iskander mới thay thế toàn bộ tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka–U.

Đáng lưu ý, Iskander có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, từ lãnh thổ Belarus – tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ sẽ triển khai các tên lửa đánh chặn SM–3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga nhận định, không có nhu cầu phải vô hiệu hoá các tên lửa đánh chặn ở Romania, bởi vì đằng nào chúng cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga nếu những tên lửa này được phóng về phía Mỹ.

Theo báo Đất Việt