John Kerry: Các bên tranh chấp Biển Đông có quyền nhờ trọng tài QT

11/10/2013 06:35
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Tất cả các bên tranh chấp có trách nhiệm làm rõ và phù hợp các yêu cầu của mình trước luật pháp quốc tế. Họ có thể nhờ tới sự can thiệp của trọng tài quốc tế và các phương tiện khác của đàm phán hòa bình", Reuters dẫn lời ông Kerry nói trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự ủng hộ ngầm đối với lập trường của Philippines trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc hôm 10.10 khi tuyên bố rằng mọi quốc gia đều có quyền yêu cầu trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

"Tất cả các bên tranh chấp có trách nhiệm làm rõ và phù hợp các yêu cầu của mình trước luật pháp quốc tế. Họ có thể nhờ tới sự can thiệp của trọng tài quốc tế và các phương tiện khác của đàm phán hòa bình", Reuters dẫn lời ông Kerry nói trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei.
"Tự do hàng hải và hàng không là một trụ cột của an ninh tại Thái Bình Dương," ông nói thêm.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hàng năm kết thúc vào 10.10 mà không có tiến bộ đáng kể về vụ tranh chấp lãnh hải, ngoài một tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc nói rằng hai bên đồng ý "duy trì động lực của các cuộc tham vấn chính thức thường xuyên".
Mỹ nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, nhưng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ cũng có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải ở khu vực này.
Trong khi đó, thất vọng trước những nỗ lực ngoại giao chậm chạp của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp, Philippines đã đệ trình lên tòa án Liên Hợp Quốc đề nghị bác bỏ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, vụ kiện của Philippines theo quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Theo các chuyên gia pháp lý, động thái trên của Manila có thể không đạt được kết quả gì như mong đợi, nhưng nó sẽ tạo ra những động lực về đạo đức và chính trị to lớn.
Một số nhà ngoại giao đã bày tỏ lo ngại rằng các cuộc tham vấn ASEAN-Trung Quốc là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trì hoãn một thỏa thuận cuối cùng trong khi họ tranh thủ mở rộng khả năng hải quân của mình và củng cố yêu sách bành trướng lãnh thổ.
Nguyễn Hường