Kéo lùi bánh xe lịch sử để làm gì?

24/03/2016 06:58
Ngọc Quang
(GDVN) - Bản thân tôi thấy không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử về 26 năm trước, không có việc gì mà chúng ta bắt thanh thiếu niên từ 16 –18 tuổi trở về với trẻ em.

Là đại biểu thứ ba phát biểu về dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) dẫn giải, công ước về quyền trẻ em ra đời năm 1989 nói rõ, dưới 18 tuổi là trẻ em trừ trường hợp luật pháp của các nước có quy định độ tuổi nhỏ hơn.

"Hơn ¼ thế kỷ qua tại Việt Nam quy định trẻ em là dưới 16 tuổi, từ 16 tuổi trở lên là người thành niên, có nghĩa là không vi phạm công ước này. 

Luật pháp của chúng ta phân chia rất rõ đối với trẻ em thành niên và chưa thành niên. 26 năm qua chúng ta không vi phạm công ước về quyền trẻ em. Vậy thì vì lý do gì mà năm 2016 chúng ta lại đem khái niệm trẻ em là dưới 18 tuổi áp dụng vào luật này, để làm gì?", ông Nghĩa đặt vấn đề

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Cũng theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy luật phát triển của con người nói chung, hiện nay ở rất nhiều quốc gia, trẻ em ngày càng trưởng thành, vì vậy tuổi chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trẻ dần. Trước đây là 16 bây giờ 14, có những quốc gia quy định 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, luật của chúng ta quy định từ 8 tuổi đã chịu trách nhiệm hành vi năng lực dân sự, tăng dần cho tới 16 – 18 tuổi thì trách nhiệm nhiều hơn.

Nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự và cả Bộ Luật hình sự phải tính toán lại. Thí dụ đó là vấn đề kết hôn, giao cấu trẻ em…. Như vậy, chúng ta đang đi ngược lại với xu hướng phát triển của thế giới.

Đối với vấn đề lao động, Đại biểu Nghĩa cho hay, ở nước ta quy định 16 – 18 tuổi không phải trẻ em, do đó rất nhiều em được ký kết hợp đồng lao động. Nay chúng ta coi độ tuổi 16 đến dưới 18 là trẻ em thì chúng ta đã tính toán đến những trường hợp này chưa?

Ông Nghĩa nói thẳng: "Tôi không đồng ý với giải trình là không có xung đột với luật hiện hành. Tôi hỏi rất nhiều đại biểu ở đây công tác ở nhiều ngành khác nhau và các đại biểu cũng không biết là xử lý thế nào khi có xung đột với những quy định hiện hành.

Bản thân tôi thấy không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử về 26 năm về trước, không có việc gì mà chúng ta bắt thanh thiếu niên từ 16 – 18 tuổi trở về với trẻ em. Với công tác phòng chống tội phạm hoàn toàn không phù hợp khi nâng độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 tuổi. 

Nếu chúng ta muốn chăm sóc cho lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 thì cần gì ta chăm sóc cái ấy. Chúng ta không cần thiết biến họ thành trẻ em để chăm sóc".

Nếu tổng động viên, có gọi trẻ em không? 

Đồng tình với phân tích trên, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng yêu cầu phải xem xét lại việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi (luật hiện hành) lên mức dưới 18 tuổi (dự thảo luật sửa đổi).

Bà Lan phân tích: "Hiện nay, trẻ em trưởng thành sớm hơn trước. Chúng ta không hạ độ tuổi trẻ em xuống thì thôi mà lại tăng lên. Nó gây ra hai vấn đề: Thứ nhất, không tương thích các vấn đề khác, tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội. Thứ hai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo giải trình thì ngân sách hầu như không ảnh hưởng, vậy thì tôi suy ra là trẻ em cũng đâu có được hưởng gì thêm từ việc điều chỉnh độ tuổi.

Vấn đề thứ hai, theo giải trình thì việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên không mâu thuẫn với các luật khác, nhưng thực tế thì đồng bào dân tộc ở các vùng miền ở độ tuổi 16, thậm chí thấp hơn cũng đã kết hôn. Nếu chúng ta điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 thì rất nhiều người lâm vào trạng thái kết hôn trái pháp luật.

Kéo lùi bánh xe lịch sử để làm gì? ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội: “Nằm mơ thì làm sao ra lâu đài”

Nhìn ở góc độ Luật nghĩa vụ quân sự, nếu đất nước chúng ta lâm nguy, phải tổng động viên thì gọi cả trẻ em à? Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp của dân tộc ta, phải nói là rất nhiều người ở độ tuổi 14, 16 cũng đã ra trận.

Tôi tự hỏi là nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát với các học sinh ở độ tuổi từ 16 – 18 tuổi là đối tượng chịu tác động của luật xem có em nào muốn làm trẻ em không thì có lẽ chẳng ai muốn.

Vì vậy, tôi đề nghị giữ độ tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi và đề nghị trước khi thông qua dự luật thì Quốc hội phải có phiếu hỏi ý kiến các đại biểu về vấn đề này".

Ngoài ra, còn nhiều đại biểu khác không đồng tình khi dự thảo nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi.

Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái) nêu thí dụ: "Trong luật hình sự quy định, từ 14 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội, còn đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm.

Vì vậy khi nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên mức dưới 18 tuổi thì phải thêm một số tội như hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em; mua bán, đánh tráo trẻ em.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, người chưa thành niên dưới 15 tuổi thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường. Nếu nâng độ tuổi trẻ em lên mà trường hợp không còn cha mẹ hay người giám hộ thì ai sẽ đền bù thiệt hại cho người bị hại. Vì vậy, việc nâng độ tuổi trẻ em cần cân nhắc kỹ”.

Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái). ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái). ảnh: Ngọc Quang.

Đại biểu Huỳnh Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng không đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em, vì chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

“Cá nhân tôi không đồng ý với việc nâng độ tuổi trẻ em. Nếu Quốc hội vẫn đồng ý nâng độ tuổi trẻ em thì phải xử lý những vấn đề đang tồn tại, đó là xung đột với các luật hiện hành”, bà Thúy nhấn mạnh.

Trước sự phản đối của nhiều Đại biểu Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện lập pháp giải thích: “Việc điều chỉnh tuổi của trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi xuất phát từ lý do sinh học, đó là sự phát triển và hoàn thiện tâm sinh lý, thể chất cho trẻ em.

Khoa học đã chứng minh người từ 18 tuổi trở lên là người thành niên, vì vậy lấy mốc 18 tuổi để xác định người thành niên và chưa thành niên.

Ở một số quốc gia quy định từ 18 tuổi trở lên thì hoàn toàn có quyền tự lập, tự chủ, không chịu sự ràng buộc của cha mẹ. Có quốc gia thì quy định 20 tuổi.

Đối với Việt Nam quy định từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, đấy là mốc xác định người thành niên.

Trong Bộ luật dân sự cũng quy định từ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Trong luật Hôn nhân và gia đình đã được thông qua, trước khi thông qua cũng đã có đề nghị do sự phát triển của con người nên đề nghị hạ độ tuổi cho phép kết hôn xuống dưới 18 tuổi, nhưng không được đồng ý.

Khi thảo luận thông qua luật hình sự, có ý kiến đề nghị hạ tuổi áp dụng án tử hình xuống dưới 18 tuổi, nhưng cũng không được đồng ý.

Chúng tôi cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em lên thì sẽ mở rộng được luật, các đối tượng là trẻ em có điều kiện được chăm sóc, giáo dục tốt hơn".

Ngọc Quang