“Khờ ba mươi lăm”: Siêu tên lửa diệt hạm của Hải quân Việt Nam

17/04/2012 11:54
Trịnh Tuân (Theo ru.wikipedia.org, airwar.ru)
(GDVN) - Kh-35E hiện là loại vũ khí chống hạm chủ lực trên các tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam, kể cả các chiến hạm hiện đại nhất Gepard 3.9.

Zvezda Kh-35 (tiếng Nga: Х-35, mã GRAU: 3M24, định danh NATO AS-20 Kayak) là phiên bản phóng từ máy bay phản lực của một loại tên lửa chống tàu do Nga sản xuất.

Cùng một loại tên lửa có thể phóng từ trực thăng, các tàu mặt nước và các khẩu đội phòng thủ bờ biển với sự trợ giúp của tầng đẩy phản lực, trong trường hợp đó nó được gọi là Uran.

Lịch sử phát triển

Kh-35 do phòng thiết kế Zvezda phát triển để thay thế cho các tên lửa P-15 Termit bị lỗi thời cũng như dùng cho việc xuất khẩu.

Tên lửa Kh-35
Tên lửa Kh-35

Đề xuất kỹ thuật cho một hệ thống tên lửa Uran với tên lửa chống tàu Kh-35, sử dụng trên các tàu có lượng giãn nước nhỏ và trung bình đã được Phòng thiết kế Zvezda đưa ra cuối năm 1977.

Được sự chấp thuận của Đảng Cộng sản Liên Xô, Phòng thiết kế Zvezda (nay là một công ty con của tổng công ty tên lửa chiến thuật) trở thành nhà phát triển chính của Uran, với quyền thiết kế trưởng thuộc về G.I. Khokhlov.

Qua những kết quả đánh giá trong năm 1983, người ta thấy rằng hệ thống radar chủ động gắn trên tên lửa Kh-35 không phù hợp với những yêu cầu đề ra. Đây được xem là khâu khó khăn nhất trong quá trình chế tạo và đưa vào sử dụng loại tên lửa đối hạm hiện đại này.

Các chuyên gia của phòng thiết kế Zvezda đã phải mất tới 3 năm để khắc phục những lỗi kỹ thuật liên quan đến “mắt thần” của tên lửa. Vào ngày 05 tháng 11 năm 1985, nguyên mẫu đầu tiên của tên lửa Kh-35 đã được thử nghiệm tại một vị trí ven biển.

Đến năm 1986, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, tên lửa đã được sửa đổi và cải tiến. Và chỉ bắt đầu từ ngày 29 tháng 1 năm 1987, tất cả các hệ thống của tên lửa mới hoạt động trơn tru và chính thức được công bố là đã thành công.

Tổ hợp tên lửa Uran-E
Tổ hợp tên lửa Uran-E

Năm 1992, tên lửa được gắn đầu dò dẫn hướng bằng radar chủ động. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Phòng thiết kế Zvezda đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm đầu tiên với 13 lần phóng tên lử Kh-35 trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, từ năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, tài chính trở nên eo hẹp và các công đoạn phức tạp hầu như bị dừng lại. Việc phát triển tên lửa chủ yếu được thực hiện nhờ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp. Giai đoạn thử nghiệm thứ hai của tên lửa Kh-35 được tiến hành từ năm 1992 đến 1997 với 4 lần thử nghiệm thành công.

Sự thay đổi của hệ thống chính trị trong nước đã mang lại cho công ty Zvezda khả năng mở rộng quan hệ làm ăn với khách hàng nước ngoài.

Tại triển lãm hàng không Mosaeroshow-92 tại Moscow, tên lửa Kh-35 đã được ra mắt trước công chúng thế giới và ngay lập tức nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của Hải quân Ấn Độ. Và vào năm 1994, Hải quân nước này đã chính thức ký với Nga hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa đối hạm Uran-E sử dụng tên lửa Kh-35E, một biến thể của tên lửa Kh-35.

Việc bàn giao lô Uran-E đầu tiên cho hải quân Ấn Độ được thực hiện vào năm 1996-1997, để trang bị trên khu trục hạm Delhi.

Tên lửa Kh-35 được gắn trên máy bay chiến đấu Su-35S
Tên lửa Kh-35 được gắn trên máy bay chiến đấu Su-35S

Trong tháng 7 năm 2003, hệ thống tên lửa đối hạm Uran - sau khi thông qua các cuộc kiểm tra nhà nước, đã chính thức được đưa vào phục vụ trong Hải quân Nga.

Năm 2004, hệ thống tên lửa bờ biển di động Bal với các tên lửa Kh-35 cũng đã được trang bị cho Hải quân, để tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Năm 2005, Kh-35 đã được thử nghiệm trên máy bay tuần tra IL-38SD cho Ấn Độ, và sau đó bắt đầu được trang bị trên các máy bay chiến đấu của các công ty MiG và Sukhoi.

Thiết kế

Kh-35 là một tên lửa hành trình có cấu trúc khí động học thông thường. Như bất kỳ tên lửa hành trình hiện đại nào, tên lửa Kh-35 có các bộ phận chính là vỏ lượn gồm thân, cánh, đuôi, động cơ xuất phát thường là động cơ tên lửa, động cơ hành trình thường là động cơ phản lực không khí và hệ thống điều khiển và khối tự hủy.

Tên lửa có cánh hình chữ thập, cánh thăng bằng và ống hút khí nửa chìm. Tên lửa có thể được trang bị thêm máy gia tốc.

Thông thường các biến thể tên lửa trang bị trên máy bay, máy gia tốc là không thực sự cần thiết. Để khởi động cho tên lửa, người ta sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn có thể tháo rời. Sau khi được phóng đi với một tốc độ nhất định, động cơ tuốc-bin phản lực bắt đầu làm việc.

Khi tên lửa bay ở độ cao 10-15 mét, tên lửa được điều khiển bằng hệ thống điều khiển quán tính và ở cuối quĩ đạo tên lửa được dẫn hướng tới mục tiêu bằng đầu dò radar chủ động ARGS-35 để bám sát và khóa mục tiêu.

Sau đó, hệ thống điều khiến quán tính đưa tên lửa xuống độ cao rất thấp, khoảng 3 - 5 m. Ở độ cao này, tên lửa tiếp tục quá trình điều khiển bằng dữ liệu nạp vào tên lửa và hệ thống điều khiển quán tính tiếp tục điều khiển tên lửa cho đến khi tên lửa trúng mục tiêu.

Quĩ đạo chuyển động của tên lửa Kh-35
Quĩ đạo chuyển động của tên lửa Kh-35

Khối dẫn quán tính

Khối dẫn quán tính được sử dụng để dẫn tên lửa Kh-35E theo quĩ đạo hành trình xác định tới nơi có mục tiêu trước khi kích hoạt đầu tự dẫn radar chủ động khóa bám mục tiêu.

Khối dẫn quán tính bao gồm 1 máy tính kiểm soát trạng thái hành trình và lập lệnh điều khiển cánh lái, 1 khối cảm biển gia tốc thẳng và gia tốc góc và 1 khối cập nhật dữ liệu máy đo cao vô tuyến.

Dựa trên tham số hành trình được nạp trước khi phóng và các tham số gia tốc, độ cao trong hành trình của đạn, máy tính của khối dẫn quán tính tiến hành tính toán và lập lệnh điều khiển cánh lái chỉnh đạn bay theo đúng hành trình dự kiến tới mục tiêu.

Máy tính của khối dẫn quán tính cũng là nơi lập lệnh kích hoạt khối tự huỷ nếu sai số dẫn vượt quá tham số khống chế.

Đầu tự dẫn radar chủ động

Tên lửa được dẫn hướng tới mục tiêu bằng một đầu dò radar dẫn đường chủ động ARGS-35 với ăng-ten mảng pha, được phát triển bởi công ty Radar MMS.

Radar ARGS-35 có nhiệm vụ xác định liên tục tọa đọ các tham số chuyển động của tên lửa cung cấp các số liệu cần thiết và dẫn tên lửa chuyển động theo hướng bay xác định tới mục tiêu.

ARGS-35E có cấu tạo giống như các radar dẫn đường thông thường bao gồm khối ăng-ten, khối phát, khối thu và khối xử lý tín hiệu. Các khối này được gắn trên khung đế đầu tự dẫn và được nắp chụp bảo vệ.

Đầu tự dẫn ARGS-35E
Đầu tự dẫn ARGS-35E

Nắp chụp đầu tự dẫn ARGS-35E có hình chóp elíp đảm bảo độ lợi khí động khi tên lửa Kh-35E bay trong tốc độ hành trình cận âm.

Khối ăng-ten gồm ăng-ten mảng pha và khối cơ điều khiển quét sục sạo và bám sát mục tiêu. Ở ăng-ten mảng pha, đường kính đầu tự dẫn giới hạn đường kính mặt ăng-ten ở mức dưới 400mm và có độ rộng búp sóng chính rất hẹp, khoảng 7,5 độ.

Các thông số kỹ thuật của radar dẫn đường ARGS-35:

Phạm vi quan sát theo góc phương vị: từ -45 độ đến 45 độ

Phạm vi quan sát theo góc tà: từ 10 độ đến -20 độ

Cự li quét tối đa: 20 km (50 km với biến thể Kh-35UE)

Băng tần làm việc: X (từ 8 GHz tới 12 GHz)

Trọng lượng: 40-47,5 kg.

Đường kính: 420 mm

Chiều dài: 700 mm

ARGS-35 có thể làm việc tốt trong điều kiện:

Lượng mưa: đến 4 mm/s

Tốc độ gió: cấp 6   

Nhiệt độ: từ -50 độ C đến +50 độ C

Radar đo cao

Để có thể bay là là trên mặt biển ở độ cao thấp từ 3 đến 5 m, Kh-35 sử dụng một radar đo cao, bao gồm thiết bị thu phát và hai ăng-ten. Radar này có độ chính xác khá cao (1 mét) và cho phép xác định độ cao của tên lửa trong phạm vi từ 1 đến 5.000 m ngay cả khi nó thay đổi đổi quĩ đạo bay. Trọng lượng của thiết bị đo độ cao khoảng 4,5 kg, được tích hợp trên bo mạch, tiêu thụ công suất 20 W.

Động cơ

Động cơ TRDD-50AT
Động cơ TRDD-50AT

Tên lửa đối hạm Kh-35 được lắp hai động cơ bao gồm động cơ khởi động và động cơ hành trình. Động cơ khởi động tên lửa tạo gia tốc ban đầu cho tên lửa chuyển động, khi đạt độ cao ổn định động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy chính sẽ khởi động đưa tên lửa tới mục tiêu với vận tốc cận âm Mach 0,8, tầm bắn 130km.

Động cơ hành trình là động cơ tuốc bin phản lực TRDD-50AT của NPO Saturn. Động cơ TRDD-50AT thuộc nhóm động cơ tuốc bin phản lực được phát triển cho các khí cụ bay hạng nhẹ và tên lửa hành trình. TRDD-50AT có lực đẩy tối đa 450 kg, đường kính 330 mm, chiều dài 850mm, nặng 82kg, sử dụng nhiên liệu dầu.

Khi gắn Kh-35E được trang bị động cơ TRDD-50AT, nó có thể đạt tốc độ hành trình cận âm tối đa 280 m/s (Mach 0,8).

Đầu đạn

Kh-35 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh khối lượng 145 kg có độ xuyên phá cao, được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa, ngư lôi, tàu pháo, tàu mặt nước có lượng giãn nước 5.000 tấn và các tàu vận tải.

Khối tự huỷ

Khối tự huỷ của tên lửa Kh-35 được bố trí phía sau đầu đạn và nhận lệnh kích nổ huỷ tên lửa trong các trường hợp tên lửa bay chệch hành trình dự kiến quá 1 tham số khống chế, hoặc khi tên lửa không gặp mục tiêu theo tham số ngắm bắn do hệ thống điều khiển bắn trên tàu mẹ cung cấp.

Phương tiện mang

Tên lửa đối hạm Kh-35 có thể được trang bị trên các máy bay chiến đấu như Su-24 Su-30, MiG-29 và Su-35, trên các máy bay trực thăng như Ka-27, Ka-28. Ngoài ra, tên lửa Kh-35 còn được trang bị trên các tàu thuyền và các tổ hợp tên lửa bờ biển. Trong trường hợp này người ta gọi nó với các tên “quen thuộc” – Uran.

Tên lửa Uran trên tàu chiến
Tên lửa Uran trên tàu chiến

Tổ hợp tên lửa Uran bao gồm hệ thống ống phóng (đặt hai bên thân tàu, nghiêng 35 độ so với mặt boong) và hệ thống điều khiển tự động.

Uran có kích thước nhỏ gọn, tiện lợi để có thể dễ dàng gắn trên bất cứ con tàu nào kể cả tàu dân sự. Chi phí cho loại tên lửa này cũng tương đối thấp, chính vì vậy mà nó được sử dụng phổ biến trên hầu hết các tàu chiến của Hải quân Nga và Hải quân các nước như Ấn Độ, Việt Nam…

Các chiến hạm được trang bị tổ hợp tên lửa Uran:

Tàu tên lửa Project: 1241 Molnya, 10 411 Svetlyak, 20970 Katran.

Tàu khu trục nhỏ Project: 20380 Steregushi, 25 Kurki (Ấn Độ), 25A Kora (Ấn Độ).

Hộ vệ hạm Prroject: 11540 Yastreb, 11541 Korsar, 11661 Gepard (Nga, Việt Nam), 22460 Ruby, 16 Godvari (Ấn Độ), 16A Brahmaputra (Ấn Độ).

Đại chiến hạm chống tàu ngầm Project: 61 Komsomolets Ukrainy (hiện đại hóa theo Project 01090)

Khu trục hạm Project: 15 Delhi (Ấn Độ).

Các biến thể

Kh-35 (3M24): Biến thể dùng cho hệ thống tên lửa bờ biển và tàu chiến.

Kh-35U (AS-20 Kayak, Article 78U) – Biến thể phóng từ máy bay phản lực.

Kh-35E Uran (SS-N-25 Switchblade, 3M24) – Biến thể phóng từ trực thăng, khẩu đội pháo phòng thủ bờ biển và các tàu chiến như các tàu khu trục Neustrashimy, hộ vệ hạm tên lửa Gepard và 2 tàu khu trục nâng cấp Krivak. Trên tàu chiến tên lửa thường được bố trí dạng công ten nơ gồm 4 ống phóng chứa 4 tên lửa bên trong.

3M24M Bal (SSC-6 Stooge) - phiên bản dùng để bảo vệ bờ biển, rất giống với Kh-35E

IC-35 - bia bay không người lái

Kh-35UE - phiên bản nâng cấp với động cơ nhỏ hơn cho phép tăng sức chứa nhiên liệu, và tăng tầm bắn.

Kh-35UE
Kh-35UE

Kh-37 (3M24E1) - phiên bản đề xuất nâng cấp với tầm bắn 250km và khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền, dẫn đường pha giữa bằng GPS và đầu dò ảnh hồng ngoại giống như Standoff Land Attack Missile (SLAM).

Quốc gia sử dụng

Trước đây, Kh-35 là tên lửa hành trình đối hạm được sử dụng chủ yếu trên các tàu chiến và máy bay của Liên Xô cũ và Iran. Hiện nay, tên lửa Kh-35 đang được trang bị phổ biển trên các chiến hạm và máy bay của Không, Hải quân các nước Nga, Ấn Độ, Algerie, Lybia, Turkmenistan và Việt Nam.

Uran-E trên hộ vệ hạm tên lửa Gepard của Việt Nam
Uran-E trên hộ vệ hạm tên lửa Gepard của Việt Nam

Nga đã bàn giao cho Việt Nam 16 tên lửa chống tàu Kh-35 bắt đầu vào năm 1999 trước khi chuyển giao 4 tàu tên lửa Prroject 1241 để thay thế cho các tàu chiến lớp Termit. Theo báo chí Nga, tổng cộng, Việt Nam có kế hoạch mua từ 32 đến 48 tên lửa như vậy với tổng trị giá hơn 70 triệu đôla.

Nga cũng đã lên kế hoạch bán hai, và cấp giấy phép xây dựng tại Việt Nam 10 tàu tên lửa bổ sung với các tổ hợp tên lửa Uran. Trong năm 2009, Việt Nam đặt mua thêm 17 tên lửa Kh-35E, và năm 2010 - 16 tên lửa loại này cùng với 8 tên lửa huấn luyện 3M-24EMB.

Tên lửa đối hạm Kh-35E hiện là loại vũ khí chống hạm chủ lực trên các tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam, kể cả các chiến hạm hiện đại nhất là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ lớp Gepard 3.9 mới được Nga chuyển giao.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa hành trình đối hạm Kh-35:

Khối lượng: 520 kg, 610 kg  (với biến thể phóng từ trực thăng).

Chiều dài: 385 cm, 440 cm  (với biến thể phóng từ trực thăng).

Đường kính: 42 cm.

Đầu đạn: Xuyên – phá mảnh, nặng145 kg.

Sải cánh: 133 cm.

Tầm hoạt động: 130 km. 

Tốc độ Mach 0.8

Hệ thống điều khiển quán tính và radar chủ động

Phương tiện mang:  MiG-21, MiG-29, Su-24, Su-30,  Su-35, máy bay trực thăng Ka-27, Ka-28  và tàu chiến.

Xét một cách toàn diện, Kh-35E Uran có đặc điểm nổi trội hơn so với thế hệ tên lửa cùng loại về kích thước và trọng lượng nhỏ hơn.

Loại tên lửa này giá rẻ, nhỏ, nhẹ, nên bố trí nhiều quả trên một phương tiện (dạng tàu hộ vệ tên lửa Monliya lắp 16 quả) và không cần nhiều phương tiện cùng một lúc, rất phù hợp với chiến thuật lấy số lượng áp đảo, lấy nhỏ (nhưng nhiều) đánh lớn (nhưng ít) trong Nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Kh-35E có quỹ đạo bay cách mặt biển rất thấp (từ 10-15m), diện tích phản xạ radar nhỏ nên tên lửa có khả năng sống sót cao trước hệ thống phòng không đối phương.

Hiện nay, trong biên chế Hải quân có ba chủng loại tàu trang bị tên lửa Kh-35E Uran gồm: Gepard 3.9 (8 quả), tàu cao tốc tên lửa project 1241.8 (16 quả) và tàu cao tốc BSP-500 (8 quả).

Theo các chuyên gia quân sự, Việt Nam có nhiều loại tên lửa trong trang bị quân đội nhưng tên lửa Kh-35 có lẽ là loại tên lửa hành trình đặc biệt nhất.

Đặc biệt không phải ở tính hiện đại, khả năng bay xa, hay uy lực công phá lớn mà đặc biệt ở chỗ nó phù hợp với những lối đánh sở trường, độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Mới đây, hãng tin Ria Novosti cho biết rằng Việt Nam và Nga sẽ hợp tác sản xuất tên lửa hành trình mới dựa trên tên lửa đối hạm Kh-35 Uran.

Trịnh Tuân (Theo ru.wikipedia.org, airwar.ru)