Không vội điều chỉnh giờ làm, giờ học

25/10/2011 07:42
V.THỊNH - T.VĂN - B.PHƯỢNG/Pháp luật TPHCM
Thực tế cho thấy hiện các trường đã vào học lệch giờ nhau nhưng giao thông vẫn ùn tắc.

Thậm chí trong những ngày học sinh nghỉ hè, những giờ học sinh đã vào học… cảnh ùn tắc vẫn diễn ra.

Có thể phải cần đến những điều tra xã hội học để xem việc điều chỉnh sẽ được gì, chưa được gì, nảy sinh vấn đề gì.

Theo kế hoạch, ngày 25-10, UBND TP Hà Nội sẽ có văn bản (dựa trên ý kiến của các cơ quan, đơn vị trong TP) gửi Bộ GTVT góp ý cho dự thảo bố trí lệch giờ làm, giờ học nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông. Sau đó, Bộ GTVT tổng hợp và trình Thủ tướng, nếu được thông qua thì sẽ áp dụng ngay. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là đến ngày 24-10 vẫn có cơ quan chưa nhận được văn bản chính thức về vấn đề này.

“Tôi nghi ngại”

Ngày 24-10, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết: “Sở chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Bộ GTVT cũng như UBND TP Hà Nội về vấn đề thay đổi giờ học. Vì thế, tôi chỉ phát biểu ý kiến dựa trên những thông tin từ báo chí.

Đúng là chúng ta rất cần những biện pháp để hạn chế ùn tắc giao thông nhưng nếu các giải pháp hiệu quả không cao thì không nên làm. Thực tế cho thấy hiện các trường đã vào học lệch giờ nhau nhưng giao thông vẫn ùn tắc. Thậm chí trong những ngày học sinh nghỉ hè, những giờ học sinh đã vào học… cảnh ùn tắc vẫn diễn ra”.

Cũng theo ông Thống, Hà Nội hiện có gần 1,5 triệu học sinh bậc phổ thông. Nhưng không phải hằng ngày số học sinh này đổ hết về các tuyến phố chính để gây ra tắc đường kẹt xe mà luôn chia đều ra ở địa bàn 29 quận, huyện, thị xã. “Những học sinh thuộc các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa thì lại càng không thể làm ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội. Vì thế theo tôi, nếu áp dụng thay đổi giờ học thí điểm với một số khu vực nội thành thôi” - ông Thống nói.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết đang nghiên cứu kỹ chứ chưa vội vàng thực hiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong ảnh: Phụ huynh đón con lúc 17 giờ ngày 24-10 tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: VIẾT THỊNH
Lãnh đạo Hà Nội cho biết đang nghiên cứu kỹ chứ chưa vội vàng thực hiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong ảnh: Phụ huynh đón con lúc 17 giờ ngày 24-10 tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: VIẾT THỊNH

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận xét việc bố trí lệch giờ làm việc, giờ học không khả thi, tương tự phương án “xe biển chẵn đi ngày chẵn” bị phản đối dạo trước. “Hằng ngày tôi phải đưa hai con nhỏ đi học tiểu học và mẫu giáo. Nếu tôi làm từ 9 giờ, con tôi vào lớp lúc 8 giờ thì sẽ có hai phương án xảy ra.

Thứ nhất, tôi đưa con đi học rồi về nhà, vừa mất thời gian, tốn tiền xăng và vẫn phải ra đường hai lần trong buổi sáng nên có khả năng gây tắc đường nhiều hơn. Thứ hai, tôi đưa con đi học rồi đến cơ quan thì xem như vẫn đi làm sớm, vẫn có thể gây tắc đường vào giờ cao điểm” - chị Loan phân tích.

“Theo tôi, điều đáng quan tâm nhất là nếu thời gian vào học của các em tiểu học, THCS lệch quá xa với giờ làm của bố mẹ thì xử lý thế nào. Các trường sẽ phải tổ chức các hoạt động để các em chờ bố mẹ về đón chứ không thể đóng cửa trường hay thả các em ra ngoài đường.

Vậy việc trông coi các em ngoài giờ thì Nhà nước sẽ lo hay dân phải chịu?” - ông Nguyễn Thanh Lâm, Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), đặt vấn đề.

Sẽ nghiên cứu kỹ hơn         

Sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết ông vẫn đang ghi nhận những ý kiến góp ý cho dự thảo. Về ý kiến phụ huynh sẽ gặp khó khăn khi đưa đón con cái đi học, ông Đinh La Thăng cho biết: “Hà Nội hiện có khoảng 350.000 học sinh mầm non, 500.000 học sinh tiểu học. Hầu hết các em đều cần có người đưa đón đến trường và về nhà. Vì thế, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, tính toán và có thể sẽ điều chỉnh lại giờ học của bậc mầm non và tiểu học sao cho phù hợp với giờ làm của phụ huynh để họ có thể đưa đón con em” - ông Thăng nói.

Trao đổi với báo chí bên lề  kỳ họp Quốc hội, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tỏ ra rất thận trọng về đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm. “Khi đưa ra các giải pháp, cần phải ước lượng những vấn đề mới phát sinh. Thậm chí là phải có những điều tra xã hội học để xem việc điều chỉnh sẽ được gì, chưa được gì, phần nào lợi hơn, nảy sinh vấn đề gì mới” - ông Nghị nói.

Theo ông Nghị, Hà Nội đang nghiên cứu kỹ các ý kiến phản biện chứ chưa vội vàng thực hiện. TP sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề trên, nếu thấy đủ căn cứ thì mới trình Chính phủ. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng giải pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học chỉ có thể góp được một phần nhất định chứ không thể giải quyết căn bản tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn. Song song đó, cần phải có các giải pháp phải đồng bộ, trong đó ưu tiên số một phải cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông.

Tôi đã đi tham quan một số trường học ở Canada. Họ bố trí giờ học, giờ làm rất linh hoạt: Ngay trong một trường các cán bộ, giáo viên cũng không phải đến cùng một lúc, ai đến sớm về sớm, ai đến muộn về muộn. Còn học sinh thì cũng vào học theo các giờ khác nhau. Trường cũng có dịch vụ trông giữ các em sau giờ học, do nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Ông NGUYỄN THANH LÂM, Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội

Việc bố trí lệch giờ học, giờ làm vẫn chỉ là mang tính tức thời, trong khi bao năm nay chúng ta vẫn chưa thể giải quyết nổi hai vấn đề chính yếu: Thứ nhất, hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và TP.HCM. Thứ hai, ý thức giao thông của đại đa số người dân đều kém.

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG LOAN, cán bộ ĐH Bách khoa Hà Nội

Việc thay đổi giờ làm việc có thể tác động đến chu trình tâm lý, chu trình làm việc có hiệu quả của người đi học và người đi làm, do đó phải cân nhắc kỹ trên cơ sở tính toán luồng đi lại của cán bộ, viên chức. Ngoài ra còn phải xem xét đến cơ cấu dân số đặc thù của TP. Ví dụ, Hà Nội chỉ có 9% dân số là người già, 10% trẻ em chưa đi học, còn lại là người đi làm, đi học ở các cấp. Như vậy, yếu tố “đưa đón” luôn chiếm số đông trong dân số, do đó phải cân nhắc lựa chọn xem hình thức nào là hợp lý.

KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội
V.THỊNH - T.VĂN - B.PHƯỢNG/Pháp luật TPHCM