Lặn biển cùng đặc công người nhái

07/05/2012 20:35
Doanh trại đội đặc công người nhái, một trong hai đơn vị tinh nhuệ nhất của Đoàn đặc công hải quân 126 Quân chủng Hải quân Việt Nam, ở vị trí “sơn thủy hữu tình”: một bên đồi cao, một bên dòng sông xanh trong uốn lượn.

Dòng sông này cũng chính là một trong những “trường huấn luyện” của đội đặc công người nhái.

“Ngay cả vào những ngày mùa đông, nhiệt độ xuống 8-10OC, anh em chúng tôi vẫn phải bơi rèn luyện. Lần nào bơi xong người cũng tím hết lại. Miệng muốn há to cũng không được, muốn ngậm lại cũng không xong” - đại úy Nguyễn Hải Triều, người đã 18 năm gắn bó với đội đặc công người nhái, kể.

Phó chủ nhiệm chính trị Đoàn đặc công hải quân 126 Đỗ Quang Khải cho biết: “Người nhái là lực lượng đặc biệt trong quân đội, tác chiến bằng kỹ thuật lặn xa và lặn sâu, được trang bị các loại máy móc đặc chủng hiện đại”. Đây được xem là lực lượng tinh nhuệ nhất của Đoàn đặc công hải quân 126 nên tiêu chí tuyển chọn rất khắt khe. Mỗi chiến sĩ đặc công người nhái có thể làm tất cả kỹ thuật của đặc công nước, biệt động... nhưng khả năng tác chiến cao hơn vì tính bí mật tối cao.

Lặn biển cùng đặc công người nhái, Tin tức trong ngày, dac cong, dac cong nguoi nhai, dac cong nuoc, linh thuy, chien si dac cong, dac cong tap luyen, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Chiến sĩ đặc công người nhái Đoàn đặc công hải quân 126 huấn luyện làm chủ vũ khí khí tài mới - Ảnh: Trọng Thiết

“Cho nên sức khỏe phải thật vượt trội - anh Khải nói - Trong những người đạt sức khỏe loại 1, chúng tôi chọn những người sức khỏe tương đương phi công - tức là tiền đình cực tốt để chịu được sức quay, thể lực tốt để chịu được sức ép của nước từ 1-5 atmosphere”.

Khổ luyện

Hai năm đào tạo

Mất hai năm để đào tạo một người bình thường trở thành chiến sĩ đặc công người nhái thực thụ. Khi đó mỗi người nhái sẽ đạt được những kỹ năng điêu luyện như: bơi không tiếng động liên tục tối thiểu 10km, lặn xa tối đa 1.000m, chịu sóng cực tốt để có thể lặn sâu và đi máy bay hay tàu ngầm đều được, biết sử dụng thuần thục những vũ khí hạng nặng để tấn công khi nước ngoài xâm phạm lãnh hải, trong tình huống khó khăn nhất có thể ngụy trang chỉ trong 1-2 phút. Nhưng để huấn luyện một tân binh có thể bơi giỏi, bơi lâu dài trong điều kiện sóng to gió lớn phải mất ít nhất một năm. Còn với kỹ thuật bơi không tiếng động trong cự ly xa phải mất gần hai năm.

Anh Khải giải thích thêm: “Từ mặt nước xuống cứ 10m là 1 atmosphere, 5 atmosphere tương đương 50m nước. Thí sinh được yêu cầu phải xuống sâu được 10-20m để kiểm tra khả năng chịu đựng áp lực khi lặn sâu. Mỗi năm chúng tôi chỉ tuyển được 20-30 người. Có năm trong hàng ngàn người mới chọn được 10 người”.

Và sau đợt tuyển chọn gắt gao đó, những tân binh của đội đặc công người nhái bắt đầu một hành trình huấn luyện với những bài khổ luyện. “Lặn xa để bắt mục tiêu là bài tập khắc nghiệt nhất, vất vả nhất - đại úy Nguyễn Hải Triều cho biết - Mỗi người phải mang theo một vật nặng 200-500kg, chỉ có thiết bị dẫn đường rồi đi ngầm dưới nước sâu 20-50m. Ở dưới nước, tốc độ đi chậm hơn do sức cản của dòng nước nên rất dễ thấm mệt”.

Trong quá trình huấn luyện dưới lòng biển đen thẳm ấy, sứa và nhím biển là những loài gây ám ảnh với người nhái. “Chạm phải hai loài này rất ngứa - anh Triều kể - Nhất là sứa lửa, chỗ nào chạm vào nó là bị ngứa rát, bị bỏng lột cả da, thậm chí bị thối thịt. Đạp trúng nhím biển thì có khi bị hàng chục gai đâm vào lòng bàn chân. Những cái gai bị gãy găm vào thịt đau buốt mấy ngày và chân sưng phù. Về nhà anh em phải tiêm thuốc để tránh sốt”.

Khi tiếp cận được mục tiêu, ai cũng bị san hô cứa chân. Rồi bài huấn luyện trụ giấu dưới nước từ mấy giờ đồng hồ nâng dần lên mức cao hơn. Thời gian kỷ lục đến thời điểm này là trên 24 giờ liên tục trụ giấu dưới nước. Họ phải huấn luyện trong thời tiết khắc nghiệt, thường là mùa đông, để rèn luyện ý chí, bản lĩnh.

Mùa hè thì huấn luyện trụ giấu trên bờ (ngụy trang) ở những vùng cát. Lực lượng đội đặc công người nhái phải vùi mình trong cát ẩn giấu. Thời gian huấn luyện từ 4-6 giờ nhưng khi diễn tập, thời gian tác chiến phụ thuộc vào các tình huống giả định. Chẳng hạn trong tình huống khi đánh vào thành phố, công sự vững chắc, do tác chiến hợp đồng chưa đến giờ hoặc chệch giờ phải thực hiện phương án trụ giấu trên bờ, mỗi chiến sĩ đặc công người nhái phải tự đào hố và tự chôn. Khi đủ điều kiện, đủ bí mật mới ngoi lên. Có khi anh em phải ngụy trang từ 6g sáng hôm nay đến 12g đêm hôm sau.

“Nếu trời nóng 35 độ C, độ ủ trong cát lên đến 37-45 độ C. Nóng rát thật đấy nhưng chúng tôi phải rèn luyện ý chí và bản lĩnh giữa lựa chọn sống và chết, hoàn thành nhiệm vụ hay thất bại, giữ được bí mật hay bị lộ... Mỗi lần chui ra khỏi cát là người cứ đỏ rực lên. Da rát, cháy, lột nhiều lần thành ra dày như mo cau, bị bóc vẩy như cá sấu. Mặt ai cũng nám đen” - chính trị viên Trịnh Duy Hiếu cho hay.

Anh kể thêm: “Chúng tôi từng vào trường tiểu học vùi mình trong khoảng sân trước trường suốt từ đêm đến 5g30 sáng. Giáo viên giẫm lên người chúng tôi nhưng không biết!”.

Lặn biển cùng đặc công người nhái, Tin tức trong ngày, dac cong, dac cong nguoi nhai, dac cong nuoc, linh thuy, chien si dac cong, dac cong tap luyen, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Chiến sĩ đoàn đặc công hải quân 126 luyện tập đột kích lên đảo - Ảnh: Trọng Thiết

Tác chiến trong lòng biển

Một năm ba lần, đội người nhái lại được đưa ra huấn luyện dưới nước ở Trường Sa 30-50 ngày. Thời gian bơi huấn luyện dài kỷ lục vừa mới được lập là 48 giờ trong hai ngày đêm liên tục ở Trường Sa. Thử thách lớn nhất nơi thao trường đại dương là khả năng bị những loài cá dữ tấn công và dòng chảy rất xoáy, rất mạnh ngoài biển.

“Chúng tôi thường gặp tình trạng bị cuốn người khỏi vị trí cần định vị nên rất khó khăn khi lặn và tìm mục tiêu - đại úy Nguyễn Hải Triều nói - Khi lặn ở độ sâu 40-50m, nếu không biết cách giảm áp, chuyển đổi khí cho phù hợp với từng độ sâu thì rất dễ bị ngộ độc khí oxy, nitơ. Hơn nữa trong lòng biển tối đen như thế, nếu không làm chủ được tâm lý và khí tài thì sẽ thất bại. Một số máy nếu sơ suất, nước vô sẽ cháy phổi! Bản lĩnh và sự bình tĩnh khi xử lý các tình huống ở dưới nước (hết khí, nước vào máy...) cũng như việc sử dụng thuần thục các loại khí tài, trang thiết bị là tối quan trọng với một chiến sĩ đặc công người nhái”.

Có nhiều tình huống giả định đặt ra như gặp vật cản là loài cá heo dữ và cá mập trắng ăn thịt người mà tàu chiến đối phương nuôi để xua đuổi các sinh vật lại gần hay gặp các thiết bị phát hiện người nhái dưới nước. Tàu chiến của nước ngoài vỏ thép dày 1-2cm, phải bơi ở cự ly cách tàu 3-4m để thực hiện nhiệm vụ ném lựu đạn, mìn, bom. Do đó khi nhận nhiệm vụ chắc chắn là hi sinh. Mỗi chiến sĩ lại độc lập thực hiện nhiệm vụ trong lòng nước tối đen để tìm kiếm mục tiêu.

“Khi đi vào bóng tối đen hun hút ai mà không thấy sợ, huống chi đi vào lòng biển - đại úy Nguyễn Hải Triều chia sẻ - Những lần đầu tiên mới huấn luyện, đứng trong màn nước tối đen và lạnh tôi sợ quá thở rất mạnh, tai ù đi. Có thể bên cạnh có đồng đội nhưng không nhìn thấy ai”. Anh phải dừng lại một lúc, hít sâu thở dài cho nhịp tim bình thường lại. Nhìn kim chỉ hướng cứ thấy quay tít mù dù anh không di chuyển!

“Thật sự rất nhiều lần tôi nghĩ mình không thể vượt qua những khắc nghiệt trong công việc nhưng vì tình yêu với đơn vị, nghe các anh chỉ huy nói nhiều về truyền thống cha ông mình, tôi tự thách thức mình: tại sao họ làm được mình không làm được? Mỗi người có một lựa chọn để cống hiến cho đất nước. Khi đã quyết định rồi thì chẳng đắn đo thiệt hơn gì nữa. Chúng tôi chỉ mong làm thật tốt nhiệm vụ của mình” - anh Triều nói.

Huấn luyện ở Trường Sa

18 năm gắn bó với đội, đã không biết bao tình huống không có trong giáo trình huấn luyện bất ngờ nảy sinh mà đại úy Nguyễn Hải Triều và đồng đội đã đối mặt, vượt qua. Như chuyến huấn luyện ở Trường Sa năm 2011, buổi diễn tập thật diễn ra từ lúc gần... 2g30 sáng! Một đội hình toàn chiến sĩ đặc công người nhái bơi từ xa vào đảo. Mỗi người phải đeo theo súng do diễn tập thật nhưng không được mang phao.

Khi đội hình cách thềm san hô chỉ còn 10m thì bất ngờ gặp dòng nước chảy xiết, cuốn phăng người ra ngoài khơi. “Lúc đó tôi cảm giác như bơi ngược dòng” - anh Hải Triều nói. Độ nặng của súng ghì người xuống biển. Anh em lúc này gần kiệt sức vì đã bơi qua một chặng đường rất xa. Chỉ cần một người bị chìm xuống là không có cơ hội ngoi lên.

Đại úy Nguyễn Hải Triều là người bơi cuối cùng. Thấy một chiến sĩ trẻ đuối sức, bị uống nước liên tục đang vùng vẫy, anh bơi lại gần động viên: “Cố lên! Anh còn đằng sau chú đây này. Chỉ còn mấy mét nữa là vào đảo rồi”. “Lúc đó lời động viên của một người có kinh nghiệm sẽ quyết định sự sống còn của cả tập thể vì chìm một người là chìm luôn những người còn lại do dây buộc nối tất cả anh em với nhau” - anh Triều cho biết. Trong khoảnh khắc anh định thả vũ khí, trang thiết bị để cứu đồng đội thì nghe tiếng hét to: “Đứng được vào bờ rồi”.

Hỏi người đại úy tại sao quyết định thả vũ khí, trang thiết bị xuống biển mà không sợ bị kỷ luật vì vũ khí là vật bất ly thân với người lính, anh giải thích: “Tôi ước lượng thềm san hô ở đó chỉ sâu không quá 20m, có thể lặn lấy lại sau nhưng người mất thì vĩnh viễn không thể lấy lại được nên phải hành động kịp thời”.

Theo My Lăng (Tuổi Trẻ)